Tổ chức lực lượng và cách đánh sáng tạo làm nên chiến thắng ‘Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không’

BVD – Cách đây 45 năm, trong cuộc đụng đầu lịch sử với Không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội 12 ngày đêm tháng 12-1972, với cách đánh sáng tạo và tinh thần dũng cảm, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52 và 5 máy bay F-111A, làm nên Chiến thắng ‘Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không’ oanh liệt.
Chiến thắng này cùng với thắng lợi trên chiến trường cả nước đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh về nước, làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, mở ra thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Trong chiến dịch phòng không chống tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ tháng 12-1972, ta đã tích cực, chủ động tổ chức thế trận và bố trí lực lượng đánh địch. Trong quá trình chiến đấu, nhờ thế trận bố trí khoa học, hợp lý, các lực lượng đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, vừa tập trung được hỏa lực, vừa có thể đánh địch từ xa đến gần. Lưới lửa của lực lượng phòng không ba thứ quân và thế trận phòng không nhân dân “thiên la địa võng” của ta đã làm cho Không quân Mỹ lúng túng, bị động. Ở bất cứ đâu, ở tầm bay nào chúng cũng bị bám đánh bằng các loại vũ khí, từ đạn tên lửa của bộ đội chủ lực đến đạn súng trường của lực lượng dân quân, tự vệ. Với lực lượng và thế trận hoàn chỉnh, sự phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, linh hoạt, hiệu quả, quân và dân Thủ đô Hà Nội cùng quân và dân miền Bắc, nòng cốt là Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ.

Để bảo đảm chắc chắn bắn rơi tại chỗ máy bay B-52, ta đã cơ động toàn bộ lực lượng tên lửa vào vòng trong để thực hiện “binh khí tập trung, hỏa lực tập trung” trên hướng chủ yếu, hướng quan trọng. Với cách bố trí đội hình chiến đấu như vậy, mặc dù lực lượng tên lửa ít, nhưng sức mạnh được nhân lên gấp bội. Ngay từ ngày đầu tiên của chiến dịch (18-12), vào 20 giờ 18 phút, Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261) đã phóng hai quả đạn, hạ một máy bay B-52 rơi tại chỗ, cách trận địa gần 10km. Chiếc máy bay B-52 đầu tiên của Mỹ bị bắn rơi tại chỗ là sự cổ vũ, động viên đối với Bộ đội PK-KQ và quân dân cả nước, khẳng định quyết tâm bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 ngay trên bầu trời Hà Nội.

Do lực lượng tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội chỉ có 3 trung đoàn, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã quyết định chỉ sử dụng tên lửa để đánh máy bay B-52; sử dụng pháo phòng không bảo vệ tên lửa và đánh các loại máy bay khác. Với quyết định này, ta đã phát huy được tính năng của vũ khí, khí tài, tập trung được hỏa lực mạnh nhất cho tiêu diệt đối tượng chủ yếu là máy bay B-52; các lực lượng khác đánh tiêu diệt máy bay chiến thuật và bảo vệ trận địa tên lửa. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, lực lượng cơ động của bộ cùng với lực lượng tại chỗ và các đơn vị, tổ, đội dân quân, tự vệ tại các khu phố, phường, xã, quận, huyện, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện… đã phối hợp tổ chức thế trận hiệp đồng chiến đấu, với 30 trận địa tên lửa, 100 trận địa pháo cao xạ, hàng trăm trận địa súng, pháo bắn máy bay tầm thấp được đặt trên các nóc nhà, các vị trí xung yếu.

Chỉ sau 3 ngày, từ 18 đến 20-12-1972, Không quân Mỹ đã bị tổn thất 10 máy bay B-52, trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ. Tổn thất này là quá lớn, địch không thể chịu đựng nổi, buộc chúng phải thực hiện thủ đoạn đánh phá mới. Từ đêm 21-12, địch sử dụng khoảng 30 lần chiếc máy bay B-52 đánh phá các mục tiêu vòng ngoài ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các vùng phụ cận Hà Nội, nhằm kéo lực lượng tên lửa của ta ra xa, sau đó bất ngờ tập trung lực lượng không quân đánh phá Hà Nội. Ta không những không mắc mưu địch, mà còn giữ vững các trận địa đã có, tiếp tục tăng cường lực lượng tên lửa phòng không cho vòng trong. Đến tối 25-12, lực lượng tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã lên tới 13 tiểu đoàn hỏa lực (tăng 1,7 lần so với giai đoạn 1 của chiến dịch). Do chuẩn bị tốt, từ 21 giờ 49 phút đến 23 giờ 12 phút đêm 26-12, ta đã bắn rơi 8 máy bay B-52 và hàng chục máy bay chiến thuật của Mỹ. Đây được coi là trận then chốt quyết định của chiến dịch.

Song song với công tác tổ chức và bảo đảm lực lượng chiến đấu, quân đội đã phối hợp với nhân dân làm tốt công tác phòng không, sơ tán, bảo đảm an toàn về người và vật chất. Công tác phòng tránh, sơ tán được quân và dân ta thực hiện một cách chủ động và triệt để. Những nhà máy, xí nghiệp không thể sơ tán đã được ngụy trang, bảo vệ chu đáo. Ở đâu có người, có tài sản, ở đó đều có hầm trú ẩn. Nhờ chủ động làm tốt công tác sơ tán, phòng tránh, ta đã hạn chế được thiệt hại về người và vật chất trong 12 ngày đêm chiến dịch./.

 

(QDND)

Related Posts