Bị tăng huyết áp, ông Đinh La Thăng từ chối trả lời luật sư

BVD – Chiều muộn ngày 10/1, khi một luật sư đề nghị HĐXX cho hỏi ông Đinh La Thăng, bị cáo này đã từ chối trả lời vì lý do huyết áp không ổn định.

Khoảng 18h30 hôm nay (10/1), ngày thứ 3 xét xử Đinh La Thăng và 21 bị cáo khác trong vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã tạm nghỉ. Sáng mai (11/1), tòa tiếp tục làm việc.

Trước đó ít phút, khi một luật sư đề nghị HĐXX cho hỏi ông Đinh La Thăng, bị cáo này đã từ chối trả lời vì lý do huyết áp không được ổn định. Hai ngày nay nhiệt độ ở Hà Nội xuống thấp nhất kể từ mùa đông, trời khá lạnh.

Vì sao Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc quanh co chối tội?

Để làm rõ tại sao trang 25 bản cáo trạng có đoạn kết luận rằng quá trình điều tra, bị can Thanh khai báo không thành khẩn, ngày 10/1, HĐXX mời điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) tới tòa.

Luật sư hỏi điều tra viên có bằng chứng gì để chứng tỏ bị cáo Thanh quanh co?. Trước câu hỏi này, điều tra viên nói trong quá trình hỏi cung các bị can thì cơ quan điều tra trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng ý chí của bị can và thực hiện theo đúng quy trình được pháp luật tố tụng hình sự quy định.

Sau khi hỏi cung bị can, điều tra viên cho bị can đọc lại và ký biên bản theo đúng nội dung lời khai…. Khi điều tra viên đang trả lời thì chủ tọa ngắt lời và nhắc điều tra viên trả lời ngắn gọn, xoay quanh hành vi, quyết định tố tụng và không trả lời về quá trình ghi lời khai của các bị can.

Điều tra viên tiếp lời: “Nội dung lời khai của bị can Trịnh Xuân Thanh không đúng với phần chúng tôi đã kết luận”.

 

Ông Đinh La Thăng khai lý do ký ‘chuyển nhầm’ công văn Ông Thăng khai dù nhiều công văn, văn bản ghi đích danh gửi Phùng Đình Thực nhưng lại ký chuyển cho Nguyễn Quốc Khánh, là do dự án nhiệt điện đã phân công cho ông Khánh.

Luật sư tiếp tục truy căn cứ để giám định thiệt hại hơn 100 tỷ

Liên quan đến khoản tiền hơn 100 tỷ thất thoát xảy ra tại PVC, một luật sư có mặt tại phiên tòa cho rằng người xác định thiệt hại không nhìn vào vấn đề quan trọng nhất đó là Luật Kế toán và quy định Ngân hàng Nhà nước để xác định chủ thể có phải pháp nhân gửi tiền tổ chức tín dụng hay không. Về việc này, giám định viên nói họ sử dụng cách thức tính toán chuyên môn để xác định thiệt hại.

“Việc đánh giá có chuyên gia chuyên ngành giải thích. Tại tòa nhiều người không có kiến thức sẽ mất thời gian của HĐXX”, giám định viên trả lời. Câu nói trên đã gặp phải sự phản ứng của luật sư nêu câu hỏi.

Luật sư tiếp tục truy: “Không phải chủ thể gửi tiền sao có thể tính lãi suất?”. Giám định viên nói nội dung này liên quan đến ngân hàng đề nghị liên hệ ngân hàng để có câu trả lời xác đáng.

Không hài lòng với câu trả lời, luật sư nói tiếp, tối đa hóa lợi nhuận phải theo quy định pháp luật. Không có căn cứ pháp lý gửi tiền thì bảng giám định này có hợp pháp không?. Với câu trả lời trên, vị cán bộ giám định cho biết có căn cứ hay không ông không có trách nhiệm trả lời.

Bị cáo Đinh La Thăng: Không có chuyện ưu tiên cho bất kỳ doanh nghiệp nào

Để làm rõ hơn con số thiệt hại 119 tỷ như cáo trạng quy kết, luật sư xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng.

Cựu chủ tịch HĐTV PVN nói nguồn vốn thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có 30% của PVN và 70% vay ngoài. Mặt bằng lãi suất lúc đó là 23%/năm.

“Vì sao Oceanbank cho vay chỉ với mức 5-6%/năm”?. Trả lời luật sư, ông Thăng đề nghị liên hệ Tổng giám đốc – người được phân công quản lý trực tiếp để biết rõ.

Vì PVN góp vốn vào Oceanbank nên được vay tiền lãi suất thấp hơn mặt bằng chung khoảng 18%/năm?. Vấn đề luật sư nêu ra, ông Đinh La Thăng nói PVN và Oceanbank ký thỏa thuận hợp tác dịch vụ, tuy nhiên các quy định phải đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Nội dung này “có thể phải xem xét trong văn bản đối tác chiến lược của 2 đơn vị”.

Bi cao Dinh La Thang tu choi tra loi luat su vi ly do suc khoe hinh anh 1
Bị cáo Đinh La Thăng trước khi vào phiên xử buổi chiều ngày 10/1. Ảnh: Việt Hùng.

Luật sư đặt tiếp câu hỏi, trường hợp PVC mang hơn 500 tỷ đồng vay với lãi suất 5-6% để trả nợ ngân hàng lúc đó lãi suất 23% là có lợi hay gây thiệt hại? Cựu Chủ tịch PVN nói đó là trách nhiệm của công ty con. Việc tính toán hiệu quả kinh tế do doanh nghiệp quyết định. Đối với doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn, phát triển vốn tổng hợp, không phải theo từng dự án.

Về việc dự án có 30% vốn doanh nghiệp, còn lại vay ngân hàng thương mại không thuộc diện điều chỉnh của Nghị định 12 nhưng người liên quan bị buộc tội Cố ý làm trái căn cứ Nghị định 12, 48 và 85, bị cáo Thăng nói: “Tôi hoàn toàn tôn trọng kết luận điều tra cũng như cáo trạng của VKS. Tôi mong HĐXX xem xét cáo trạng trên tinh thần các văn bản quy định pháp luật. Có những hiện tượng, bản chất sự việc không hoàn toàn như vậy”, ông Thăng xem xét dựa trên điều kiện thực tế khi triển khai dự án.

Viện dẫn cáo trạng về cáo buộc  PVN ưu ái cho công ty con là PVC trúng thầu, luật sư hỏi tiếp ông Thăng: “Hành vi ưu ái có trái pháp luật, nguy hiểm cho xã hội không?”. Cựu Chủ tịch PVN nói tập đoàn có nhiều công ty con. PVN xin chủ trương cơ chế cho đẩy nhanh phát triển dịch vụ. Trách nhiệm của công ty mẹ là lo cho tất cả công ty con. “Các công ty con mạnh khỏe thì tập đoàn mạnh khỏe. Không có chuyên ưu tiên cho bất kỳ doanh nghiệp nào”.

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, một số luật sư đặt câu hỏi với giám định viên về khoản tiền được cho là thiệt hại hơn 119 tỷ đồng. Với một số câu hỏi, giám định viên từ chối trả lời vì đã nói trong phiên xử trước hoặc đề cập trong báo cáo.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) cho rằng cách tính thiệt hại của giám định viên không thỏa mãn. Theo ông Sơn, đó chỉ là căn cứ chung chung xác định hành vi chứ không phải thiệt hại.

Theo cáo trạng, để tạo điều kiện cho PVC hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án nhà Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và yêu cầu Nguyễn Quốc Khánh chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó Phùng Đình Thực, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu, Vũ Hồng Chương và Trần Văn Nguyên căn cứ hợp đồng trên để tạm hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC trái quy định.

Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, các bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích.

Căn cứ kết luận giám định đủ cơ sở xác định hành vi của ông Thăng và các bị can đã gây thiệt hại cho PVN hơn 119 tỷ đồng.

Bi cao Dinh La Thang tu choi tra loi luat su vi ly do suc khoe hinh anh 2
Bị cáo Thăng trả lời câu hỏi của luật sư tại phiên tòa ngày 10/1. Ảnh: TTXVN.

Vì sao “người ngoại đạo’ liên quan vụ án ở PVC?

Trong chiều nay, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC), người bị cáo buộc đã thống nhất cùng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 cho rằng mình bị truy tố quá nặng. “Các văn bản bị cáo đã thay mặt HĐQT ký đã vô tình gây hậu quả về kinh tế cho đất nước. Bị cáo thành thật xin nhận trách nhiệm của mình, xin HĐXX xem xét”.

Là người bào chữa cho Nguyễn Thành Quỳnh và vợ là Lê Thị Anh Hoa (2 bị cáo duy nhất trong vụ án không làm ở PVN), luật sư Lê Hữu Sơn hỏi thân chủ của mình có mối quan hệ thế nào với bị cáo Lương Văn Hòa. Lý do gì để Quỳnh giúp Lương Văn Hòa ký các hợp đồng khống. Trả lời câu hỏi trên, bị cáo Quỳnh khai về bối cảnh lúc đó, công ty nhỏ của ông ta được mời thầu cung cấp cho PVC. Giữa 2011, PVC Nghệ An nợ tiền không trả, lúc đó phải tới nhờ Lương Văn Hòa, từ đó quen biết nhau.

Từ lý do đó, khi Hòa đặt vấn đề nhờ lấy pháp nhân Quỳnh Hoa ký giúp một số hợp đồng khống, Quỳnh đã nhận lời. “Nhận thức bị cáo thấy rằng công ty mình lúc đó không có thiệt hại gì, nộp tiền đầy đủ cho Nhà nước là được nên đã nhận lời giúp Hòa”, bị cáo Quỳnh nói.

Cũng theo lời bị cáo này, năm 2011 là năm khó khăn, lãi suất ngân hàng có khi vay lên đến 27%. Nếu công ty không thu hồi được công nợ chắc chắn bị phá sản.

Khi bị thẩm vấn, Lương Văn Hòa có giãi bày lý do phải chuyển tiền về công ty. Sau đó, Hòa nói đỡ cho bị cáo Nguyễn Anh Minh.

Theo lời Hòa, việc bị cáo Minh chỉ đạo anh ta chuyển tiền cũng là do Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo. Nghe vậy, luật sư đề nghị được hỏi bị cáo Minh.

“Những lời trình bày của Hòa là đúng sự thật. Bị cáo xin nhận trách nhiệm vì đã chỉ đạo Hòa. Khi chỉ đạo Hòa, bị cáo chịu sức ép của anh Thanh và anh Thuận”, Minh khai.

Ông Đinh La Thăng nói gì về trách nhiệm của mình khi xảy ra sai phạm? Ông Đinh La Thăng khẳng định suốt qua trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo luôn nhận trách nhiệm là người đứng đầu của Tập đoàn PVN khi xảy ra sự việc.

Related Posts