VKS và luật sư đối đáp về trách nhiệm của bị cáo Đinh La Thăng

BVD – Trong phần đối đáp, đại diện VKS nêu nhiều căn cứ chứng minh bị cáo có hành vi phạm tội. Đáp lại, luật sư cho rằng căn cứ còn thiếu cơ sở.
Chiều 15/1, phiên toà xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKSND TP Hà Nội và các luật sư. Nội dung xoay quanh trách nhiệm của bị cáo Đinh La Thăng được tập trung làm rõ.


Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa

Có phạm tội, có lợi ích nhóm

Đặt vấn đề PVN chỉ định PVC làm tổng thầu có đúng căn cứ hay không, đại diện VKS dẫn lời khai của bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, việc chỉ định thầu xuất phát từ kết luận của cấp trên về chủ trương xây dựng tập đoàn, rằng thực hiện chủ trương người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam… Tuy nhiên, VKS cho rằng, kết luận 41 không đề cập gì cụ thể, càng không đề cập việc chỉ định thầu. Chính phủ có công văn trả lời PVN (do ông Thăng ký đề xuất cho PVC làm tổng thầu) thông báo ý kiến Thủ tướng, trong đó Thủ tướng chỉ đạo PVN lựa chọn nhà thầu đủ kinh nghiệm và năng lực.

“Như vậy, có cơ sở khẳng định Chính phủ không có văn bản nào đồng ý cho PVN chọn PVC làm tổng thầu. Qua đó, có thể đặt ra câu hỏi vậy PVN có thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng hay không” – đại diện VKS đặt vấn đề.

Liên quan đến năng lực thực hiện dự án của PVC, đại diện VKS nhấn mạnh phải đánh giá tổng thể chung chứ không chỉ thể hiện ở chi tiêu và lợi nhuận để nói PVC có đủ năng lực. Dẫn các báo cáo tài chính và công nợ của PVC và PVN, đại diện VKS chứng minh PVC thời điểm đó khó khăn, không đủ năng lực để thực hiện dự án.

Nói về kinh nghiệm của tổng công ty này, VKS dẫn chứng PVC chỉ mới tham gia một số dự án (như nhiệt điện Vũng Áng) nhưng qua hồ sơ thi công cho thấy chỉ ở một số khâu và giá trị các hợp đồng trong hồ sơ đề xuất thấp hơn nhiều theo quy định.

Đại diện VKSND cũng đặt vấn đề: Các bị cáo có biết hay thiếu trách nhiệm nên để hợp đồng 33 và 4194 thiếu cơ sở pháp lý và dẫn đến ứng tiền trái quy định? Dẫn nhiều quyết định của PVN như “điểm mấu chốt” là khi ông Đinh La Thăng có ý kiến thì chỉ 4 ngày sau PVC và PVPower ký hợp đồng khi còn thiếu một loạt hồ sơ theo yêu cầu, đại diện VKS cho rằng thậm chí nhiều nội dung có trong hợp đồng nhưng lại “khống tài liệu”.

Tiếp đó, theo sự chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, ngày 23/11, Nguyễn Quốc Khánh cùng với PVC ký hợp đồng 4194 mà thực chất chỉ là hợp đồng “phù phép” cho PVC sử dụng tiền. Với việc ký hợp đồng 33 và tạm ứng tiền trái quy định, cho thấy thực chất ký kết hợp đồng không phải để PVN tạm ứng cho PVC thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mà chỉ hợp thức việc chuyển tiền cho PVC.

Đại diện PVC cho rằng, xét mối quan hệ cho thấy Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh đều do ông Đinh La Thăng có vai trò quyết định trong việc đưa về bổ nhiệm, cất nhắc. Trên cơ sở quan hệ đó, mặc dù biết rõ PVC khó khăn tài chính, không đủ năng lực nhưng để tạo điều kiện cho PVC, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ định thầu, chỉ đạo các bị cáo và đối tượng liên quan ở PVPower ký hợp đồng EPC số 33 và tạm ứng tiền trái pháp luật để Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận sử dụng trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước. Qua đó thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ án.


Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho ông Đinh La Thăng (Ảnh: Infonet)

Căn cứ là ưu tiên số 1

Đối đáp lại quan điểm của đại diện VKS, Luật sư Nguyễn Huy Thiệp – người bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng nhấn mạnh có căn cứ là ưu tiên tiên số 1 cần được tôn trọng và cho rằng nhiều nội dung được suy đoán, quy kết thiếu căn cứ và không đưa ra được bằng chứng chứng minh, vi phạm nguyên tắc cá thể hoá.
Dẫn lời đại diện VKS nói rằng chủ trương của cấp trên không đề cập cụ thể việc chỉ định thầu cho PVC, luật sư Thiệp bày tỏ việc lấy căn cứ này để vận dụng khi luận tội bị cáo Đinh La Thăng là chưa phù hợp. Bởi lẽ, đã là chủ trương đường lối, chiến lược thì làm sao có dự án, công trình, vụ việc cụ thể. Điều quan trọng là trên tư tưởng nội dung đó mà triển khai, tuân thủ. Theo đó, doanh nghiệp chủ đầu tư, tổng thầu phải thực hiện tất cả điều kiện cần thiết, tuân thủ trình tự thủ tục để mình làm tổng thầu, không thuộc trách nhiệm người đưa ra chủ trương đường lối.
Liên quan lập luận cho rằng PVC thời điểm đó chưa từng làm tổng thầu với dự án có quy mô tương tự như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, luật sư Thiệp nêu quan điểm, nếu không mạnh dạn giao cho doanh nghiệp thì làm sao doanh nghiệp từng bước phát triển. Còn khi triển khai, trách nhiệm theo quy định là chủ đầu tư chứ không phải cấp trên của chủ đầu tư. Do đó, việc buộc người quyết định chủ trương chịu trách nhiệm về việc cụ thể là không phù hợp. Thẩm quyền ký hợp đồng 33 là thuộc PVPower và PVC. Sai sót trong hợp đồng 33 không thuộc trách nhiệm ông Thăng vì ông lãnh đạo đề ra chủ trương, thay mặt HĐTV ban hành nghị quyết chứ không phải người thực hiện.

“Việc ký hợp đồng chưa có tài liệu nào chứng minh ông Thăng chỉ đạo ký hợp đồng 33 bất chấp quy định pháp luật, hay nói cách khác là trái quy định pháp luật” – luật sư Thiệp nói.

Cũng nêu quan điểm đối đáp trong phiên làm việc chiều nay, LS Đào Hữu Đăng – bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng cũng đặt vấn đề dựa trên cơ sở nào để đánh giá năng lực của PVC, bởi nếu dựa trên việc PVC chưa từng làm dự án lớn, tương tự, chưa từng là tổng thầu thì đã không có cầu Chương Dương, không có giàn khoan 30m, 70m, giàn khoan nổi… vì trước đó các doanh nghiệp Việt Nam chưa làm những dự án có quy mô tương tự.

Cũng theo luật sư, khó khăn nhất thời về dòng vốn của PVC không phải do bản thân PVC mà do tiếp nhận một số đơn vị, dự án theo đề án tái cơ cấu trong khi vốn điều lệ chưa kịp tăng. Hơn nữa, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là vốn ngân sách chứ không phải vốn tự có của PVC nên không phải áp lực về tài chính. Việc đánh giá năng lực của PVC phải là PVPower chứ không phải của PVN.

Luật sư Đăng cũng cho rằng, không có căn cứ nói rằng bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo ký kết hợp đồng 33 không đủ căn cứ pháp lý vì không có động cơ. Động cơ ở đây chính là từ PVC, vì họ muốn nhận được dự án, nhận được tiền nên ký hợp đồng.
Giả sử cả quy trình tạm ứng sai thì theo luật sư, nếu không sử dụng trái phép thì không có hậu quả, là không có tội. Việc dẫn đến hậu quả thì trách nhiệm nặng nhất thuộc về người sử dụng.

“Tôi nhất trí với đánh giá của VKS cho rằng đây là chuỗi hành vi, hành vi này là tiền đề cho hành vi khác. Trong chuỗi hành vi đấy, thì hành vi nào là nghiêm trọng nhất thì cần phân định, chứ không phải hành vi đầu là nghiêm trọng nhất, còn hành vi cuối là nhẹ nhất. Xem xét để từ đó có lượng hình chính xác” – vị luật sư kết thúc phần đối đáp của mình./.

 

VOV.VN

Related Posts