Tết sớm của sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Trung Phi

BVD – Bánh chưng Việt Nam gói xong, được luộc trong tiết trời nắng nóng gần 40 độ của Trung Phi.

 Một góc chợ ở thủ đô Bangui (Cộng hòa Trung Phi). Ảnh: P.M.
Một góc chợ ở thủ đô Bangui (Cộng hòa Trung Phi). Ảnh: P.M.
 Những ngày cuối tháng chạp, Hà Nội đón đợt không khí lạnh gây rét đậm. Người lo mua đồ trang trí nhà cửa, người đổ ra đường sắm quất, đào về trưng Tết. Ở cách Việt Nam hơn 10.000 km, thủ đô Bangui (Cộng hòa Trung Phi) đang giữa mùa khô. Khắp ngả đường chỉ có nắng nóng, bụi đỏ tung lên từng cuộn khi xe đi qua.

Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Trung Phi (MINUSCA) có 5 sĩ quan Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Trung tá Lê Ngọc Sơn, thiếu tá Đinh Đức Long và đại uý Hồ Tiến Hưng làm việc tại Sở chỉ huy Phái bộ ở Bangui. Thiếu tá Trần Văn Giang và đại úy Nguyễn Quốc Khánh làm nhiệm vụ ở Phân khu Trung tâm và Phân khu Tây, cách Bangui cả nghìn km.

Sáng thứ bảy, họ chia nhau dọn nhà, đi chợ, mua đồ để chuẩn bị làm cơm tất niên. Ba ngày đầu năm mới, các sĩ quan vẫn làm việc theo lịch của phái bộ nên tranh thủ đón Tết sớm.

Chợ nằm ở trung tâm giao thương với cột mốc Kilomet số 0 (PK 0). Khu vực này đông dân cư, an ninh phức tạp nên Hưng ở lại trông xe, còn anh Sơn và Long đi mua đồ. Thấy bóng dáng quân phục xanh, những người bán hàng trong chợ gọi to “Army” và chào mời mua hàng.

Đi khắp khu chợ, các anh mua được hai nải chuối xanh, một quả dứa, vài nguyên liệu để làm nem và khay trứng. Trứng là món ăn chính của bộ đội Việt Nam ở đây vì dễ mua, dễ bảo quản trong điều kiện Bangui thiếu điện thường xuyên. Trên tay anh Sơn xách thêm mấy lạng thịt lợn, thứ thịt mà ở Bangui hầu như không thấy bán. Từ lúc sang, họ mất gần 9 tháng mới mua được.

Để gói bánh chưng, trung tá Sơn đã “lùng” mua được bốn cuộn lá dong từ nhiều ngày trước. Thứ lá dong rừng, to và có màu xanh nhạt hơn lá ở Việt Nam. Chiều hôm đó, học trò của anh – bốn đứa trẻ nhà hàng xóm đã tìm sang nơi các sĩ quan ở để cùng gói bánh chưng Việt Nam. Trên chiếc bạt quân nhu trải ở góc sân, Choula, Benita và Emanuel lau, gấp lá, còn Angelina hì hụi tháo cỏ buộc từ bó rau dền, nối dài để làm lạt.

“Đây là cái khuôn đặc biệt nhất trong hàng chục lần gói bánh Tết của tôi”, anh Sơn cười, tay giơ chiếc khuôn được tạo từ bìa cacton.

Lần đầu tiên, lũ trẻ biết đến loại bánh đặc biệt làm từ gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành. Chị Annie, phụ huynh cũng sang xem. Sau gần hai tiếng, bảy cái bánh được xếp vào chiếc nồi to chị Annie cho mượn.

Lần đầu tiên, những đứa trẻ ở Trung Phi học gói bánh chưng. Ảnh: P.M.

Bánh chưng Việt Nam được luộc trong tiết trời nắng nóng gần 40 độ của Trung Phi. Bốn đứa trẻ quây quần xem thầy luộc bánh, mồ hôi nhễ nhại. Thi thoảng, các em đưa tay quệt ngang mặt để ngăn mồ hôi không chảy vào mắt.

Angelina hỏi thầy khi nào thì bánh chín? Anh Sơn giải thích với cô bé, rằng loại bánh này phải luộc gần 10 tiếng mới ăn được. Trong lúc chờ đợi, bốn đứa trẻ được đại úy Hưng chiêu đãi món chè đậu xanh hạt sen ăn cho đỡ nóng.

Bữa cơm tất niên được tổ chức vào trưa chủ nhật. Trên chiếc bàn thờ dã chiến phủ bạt quân nhu bày bánh chưng, gà luộc, xôi đỗ, nem rán. Bát hương được làm từ hộp nhựa, có in giấy hình rồng dán quanh. Một mâm ngũ quả được ghép từ hai nải chuối, dứa, khế, đu đủ xin của đồng nghiệp, hàng xóm, quất được thay thế bằng mấy quả chanh. Mâm cỗ “made by” bộ đội đủ đầy chẳng kém cỗ bày biện từ những người phụ nữ khéo tay ở nhà.

Nhớ ngày này năm ngoái ở Việt Nam, vợ chồng anh Sơn đang đi chọn đào, đại úy Hưng sơn lại cánh cổng nhà còn anh Long đang đưa các con đi mua quần áo mới.

Dự tất niên với các sĩ quan có mẹ con chị Annie, gia đình bà Luyến – người phụ nữ Việt duy nhất ở Bangui và cô Laura. Cô là người Mauritius, từng làm việc cho Chương trình lương thực thế giới tại Việt Nam từ năm 1990-2001. Thiếu tá Giang và đại úy Khánh vẫn làm nhiệm vụ ở các phân khu nên không thể dự tất niên.

Khách mời dự cơm tất niên là hàng xóm, người Việt ở Trung Phi. Ảnh: P.M.

Đứng trước bàn thờ, bà Luyến lặng đi một lúc. Bà thắp nén hương, lầm bầm khấn cho tổ tiên ở Việt Nam, những người mà bà không còn nhớ rõ. Bà chúc cho đồng bào ở quê hương ăn một cái Tết vui vầy, hạnh phúc.

“Tôi từng nghĩ cho đến khi qua đời có lẽ cũng không còn được chứng kiến cái không khí Tết cổ truyền của Việt Nam”, bà nói một câu nửa tiếng Việt, nửa tiếng Pháp. Theo chồng sang Trung Phi gần 70 năm, cô gái Hà Nội năm nào đã không còn nhớ rõ mùi vị của bánh chưng, nhìn ngắm một cành đào.

Cầm bao lì xì trên tay, trung tá Sơn mừng tuổi cho từng người kèm theo câu chúc “Năm mới an lành, mạnh khỏe”. Nền phòng trọ trải mấy chiếc chiếu, họ ngồi quây quần bên mâm, ăn bữa cơm Việt Nam như một đại gia đình 4 thế hệ. Chị Annie và bọn trẻ thích thú khi lần đầu được ăn bánh chưng, nghe kể về Tết cổ truyền của người Việt Nam.

“Tết với người Việt, dù ở khắp năm châu có lẽ luôn là dịp đặc biệt. Tết đã về trên quê hương Việt Nam, mong rằng mùa xuân mới mang đến hòa bình cùng những điều tốt lành đến khắp muôn nơi”, trung tá Sơn .

(xaluan)

Related Posts