“Địa chấn” chính trị Malaysia: Ảnh hưởng quan hệ Trung Quốc?

BVD – Cơn sóng thần chính trị ngày 9/5 sẽ dẫn tới thay đổi ở Malaysia, quan hệ tới BRI và Biển Đông.

Vào lúc 21h30 tối 10/5, một ngày sau khi giành thắng lợi vang dội tại bầu cử Quốc hội, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, 92 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Malaysia nhiệm kỳ mới, sau 15 năm nghỉ hưu.

Không nhiều người kỳ vọng vào chiến thắng của ông Mahathir trước Liên minh Mặt trận Dân tộc (BN) trải qua 60 năm cầm quyền dựa trên nền tảng vững chắc là sự ủng hộ của cộng đồng người Malay chiếm đa số tại quốc gia này.

“Địa chấn” chính trị Malaysia: Ảnh hưởng quan hệ Trung Quốc? - ảnh 1 Lực lượng đối lập chào mừng chiến thắng bầu cử.

Các yếu tố khiến Najib Razak bị hạ bệ

BN dưới thời ông Najib từng vượt qua hai cơn “sóng thần chính trị” trong các cuộc đọ sức quyết liệt giữa chính trị sắc tộc và các đảng phái  trong bầu cử năm 2008 và 2013. Lực lượng đối lập cũng ngày càng phát triển và tại cuộc đọ sức có tính quyết định lần này đã có sự kết hợp mạnh mẽ giữa “Mahathir Mohamad + Anwar Ibrahim + Lim Kit Siang (đảng người Hoa)”.

Tiếp đó, vụ lùm xùm thất thoát tài sản của Quỹ Phát triển 1Malaysia (1MDB) do chính phủ Najib thành lập. Quỹ này là trung tâm vụ bê bối rửa tiền dẫn đến một loạt các cuộc điều tra ở một số nước như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc. Ông Najib được quy kết biển thủ hàng tỷ USD. Nó phản ánh sự tha hóa của quyền lực sau 15 năm cầm quyền.

Về quan hệ đối ngoại, ông Mahathir cũng đặt mục tiêu cải thiện hình ảnh đất nước mà ông đánh giá là đã bị sa sút trong những năm gần đây.

Cuộc bầu cử đã khơi dậy chủ đề đầu tư của Trung Quốc, được Najib Razak “đón chào” và Mahathir Mohamad “lạnh nhạt”. Theo phát ngôn của phía Mahathir Mohamad, nhà lãnh đạo đối lập này muốn xem xét và hủy bỏ tuyến đường sắt kết nối bờ biển phía Đông (ECRL) mà Trung Quốc đấu thầu xây dựng trị giá 55 tỷ ringgit (khoảng 14 tỷ USD). Trong hai năm qua, Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào Malaysia, một phần để “cứu” Najib Razak, một phần khác là khai thác cuộc khủng hoảng chính trị Malaysia để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Malaysia là nước nhận vốn đầu tư BRI lớn nhất  Đông Nam Á, với 18 dự án, trị giá 160 tỷ USD, chiếm 1/3 vốn đầu tư Trung Quốc tại khu vực này.

Các dự án của Trung Quốc đã nhiều lần bị dán nhãn “chủ quyền kinh tế, quan hệ sắc tộc” trong các cuộc đọ sức giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập Malaysia.

Ngoài ra, Malaysia dưới thời Thủ tướng Najib đã thỏa hiệp với Trung Quốc trong lập trường Biển Đông.

Một yếu tố nữa là ông Najib, người lãnh đạo BN, đã chẩn đoán sai tâm trạng cử tri muốn có thay đổi.

CNN dẫn lời Bridget Welsh, chuyên gia về chính trị Malaysia, cho rằng liên minh cầm quyền BN có thể chiến thắng nếu không có Thủ tướng Najib. Bà này nói: “Najib chính là gánh nặng. Sự ích kỷ của ông ấy đã khiến BN phải đánh đổi cả cuộc bầu cử”. Theo bà Bridget, chiến dịch tranh cử của BN lấy hình ảnh của ông Najib và các cam kết bầu cử của ông làm trọng tâm, song không hiệu quả. “Ông ấy tiếp tục dùng các chiêu bài ưu đãi về chính trị và tiền bạc, như đã làm năm 2013 song giờ đây không đủ sức hút. Một cơn sóng thần đã diễn ra khắp các tầng lớp, các thế hệ và sắc tộc tại Malaysia”.

Không ít thách thức chờ đón Mahathir

Liên minh Hy vọng (PH), do ông Mahathir lãnh đạo, đã cam kết tại cương lĩnh tranh cử, rằng trong vòng 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện 60 lời hứa, được chia thành 5 trụ cột, nhằm tạo dựng một đất nước Malaysia tốt đẹp hơn trên các khía cạnh kinh tế, quan hệ sắc tộc, đối ngoại và quản trị chính phủ. Những điều này sẽ định hình cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại của Malaysia trong thời gian tới.

“Địa chấn” chính trị Malaysia: Ảnh hưởng quan hệ Trung Quốc? - ảnh 2

Anwar Ibrahim lội ngược dòng chính trị – được tạm tha để đăng ký tranh cử tại địa điểm cách thủ đô 350 km.

Theo đó, ngay trong vòng 100 ngày đầu tiên nắm quyền, PH cam kết sẽ thực hiện 10 lời hứa, và điều đầu tiên là xóa bỏ thuế hàng tiêu dùng GST như đã cam kết, mặc dù đây là nguồn thu quan trọng của chính phủ, đóng góp trên 10 tỷ USD vào ngân sách hàng năm. Muốn xóa bỏ thuế để đáp ứng mong mỏi của cử tri, chính phủ mới phải tìm kiếm nguồn thu thay thế nếu không muốn ngân sách bị thâm hụt – điều không hề dễ dàng.

Một cam kết đáng chú ý khác liên quan đến những dự án xây dựng án lớn của Trung Quốc, như dự án Đường sắt kết nối khu vực bờ biển phía Đông Malaysia, hay dự án khu siêu đô thị ở bang Johor, bị phê phán là “bán rẻ chủ quyền đất nước” bởi lo ngại về những tác động bất lợi, từ thị trường lao động tới thảm họa môi trường. Một khi chính phủ mới có những động thái quyết liệt, như hủy bỏ dự án, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của Malaysia với Trung Quốc, tuy ngắn hạn.

Vị Thủ tướng 92 tuổi cam kết sẽ sớm chuyển giao quyền lực cho lớp lãnh đạo trẻ hơn, trong đó có Anwar Ibrahim, nguyên  Bộ trưởng tài chính, bị chính Mahathir Mohamad bỏ tù vì đấu tranh quyền lực trong đảng.

Trang mạng Bloomberg nhận định, “cơn địa chấn chính trị tại Malaysia là một sự mỉa mai cực kỳ sâu sắc…Sau 6 thập kỷ xuyên suốt nằm dưới sự lãnh đạo của duy nhất một khối chính trị, cái gọi là dân chủ tại Malaysia đã cho thấy hiệu quả với bằng chứng là sự thất bại của khối cầm quyền cùng nhà lãnh đạo đương thời”. Ông Mahathir từng là nhà lãnh đạo của BN, với nòng cốt là đảng Mặt trận Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO), đã giành lại ngọn cờ lãnh đạo cho liên minh mang tên “hy vọng”./.

(baotoquoc)

Related Posts