Sống lại với những ngày Bác Hồ ở Đức

BVD- Tháng 5 đã đến, nhiều người dân Việt Nam lại tưởng nhớ đến vị Chủ Tịch Hồ Chí Mịnh. Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Công Hòa và Người đã lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi Đế quốc Pháp và Mỹ dành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp này BVD chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài báo đăng trên tờ báo THẾ GIỚI & VIỆT NAM với tiêu đề

Sống lại với những ngày Bác Hồ ở Đức

 

Trong suốt thời gian dài công tác ở Đức cho đến khi nghỉ hưu, người cán bộ ngoại giao ấy vẫn âm thầm sưu tầm các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện hiến tặng kho tư liệu quý giá này.

tin nhap 20160527112902 Đại sứ Việt Nam tại Đức thăm Khu lưu niệm Bác Hồ
tin nhap 20160527112902 Bác Hồ với “quê hương nghĩa trọng tình cao”

Trong căn phòng nhỏ ngập tràn những hình ảnh và tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà riêng, có những tấm ảnh được ông Trần Ngọc Quyên (nguyên Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức) lồng kính trang trọng, có những tuyển tập dày cộm về các bài báo viết về Người được ông sắp xếp, nâng niu từng trang giống như bảo vật của chính mình.

Điều đáng quý là những tư liệu  mà ông tìm kiếm bằng thời gian và công sức cá nhân đã được tặng lại cho nhiều cơ quan, tổ chức, bảo tàng như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà truyền thống Bộ Ngoại giao, Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu lưu niệm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Khu chứng tích chiến tranh Sơn Mỹ…

tin nhap 20160527112902
Ông Trần Ngọc Quyên và tấm Huy chương Hồ Chí Minh do Đức phát hành.

Hành trình trở thành “nhà sưu tầm”

Ông Trần Ngọc Quyên nhớ rõ về sự kiện Bác Hồ qua đời vào năm 1969. Ngày đó, Trường Đại học TU Dresden đã lập bàn thờ Bác để sinh viên và nhân dân địa phương đến viếng. Tại Lễ truy điệu Bác do Đảng ủy và Ban Giám hiệu Trường tổ chức, ông Quyên được cử là một trong hai người đứng gác danh dự bên bàn thờ Bác. Cảm nhận được nỗi tiếc thương vô hạn của mọi người dành cho Bác, ông đã giữ ảnh chụp tại buổi lễ và nó trở thành những tư liệu đầu tiên.

Trong những ngày đau thương ấy, mỗi khi đến trường qua những quầy bán báo tiếng Đức, các tờ báo lớn, nhỏ in những dòng tít to đậm, màu đen đóng khung tang về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, ông đã mua những tờ báo đó với ý nghĩ để giữ làm kỷ niệm cá nhân.

Từ đây, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ ngoại giao, ông Quyên bắt đầu say mê với công việc sưu tầm và luôn ý thức sưu tầm một cách có hệ thống và ngày càng phong phú các tư liệu viết, hiện vật, phim, ảnh, tác phẩm nghệ thuật, tranh áp-phích và tem bưu chính… tại Đức, không chỉ về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cả phong trào đoàn kết với Việt Nam… Đáng chú ý, ông đã sưu tầm được toàn bộ hồ sơ tư liệu về chuyến thăm CHDC Đức năm 1957 của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bút tích tại các nơi Người đã đến thăm.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ công tác đầu tiên tại Berlin (1970 -1975), ông Quyên đã tiếp cận với Thông tấn xã ADN của CHDC Đức và chọn được hàng trăm bức ảnh tiêu biểu về Việt Nam, trong đó có ảnh lưu hành chính thức về chuyến đi thăm của Bác từ ngày 25/7 -1/8/1957. Ông cũng sưu tầm được hai bộ gồm các bài báo đặc biệt viết về Người: bộ bài báo khoảng 200 bài của CHDC Đức từ 1946 – 1969 và bộ bài báo 112 bài của Trung tâm tư liệu báo chí Quốc hội Đức (Tây Đức) từ 1950 – 1969.

Qua các tư liệu này có thể thấy phía bạn đã đón tiếp Bác vừa rất trọng thị vừa chân tình và thân thiết. Chuyến thăm cũng là cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa Người với những người bạn chiến đấu Đức đã cùng hoạt động tại Quốc tế Cộng sản vào những năm 1920 và 1930. Chương trình hoạt động dày đặc nhưng Người vẫn rất quan tâm đến việc gặp gỡ mọi tầng lớp nhân dân, thanh thiếu nhi Đức và các thiếu nhi Việt Nam đang học tập ở Đức.

Trong hành trình khám phá, ông Quyên còn tìm ra nhiều bằng chứng thú vị về dấu ấn Bác Hồ tại Đức như 6 thành phố của Đức trước đây có đường Hồ Chí Minh, 6 trường học mang tên Hồ Chí Minh, hay Trung đoàn huấn luyện của Bộ đội biên phòng ở Berlin cũng từng mang tên Hồ Chí Minh…  Khi đến tham quan Bảo tàng quốc gia Đức ở thành phố Nuernberg, ông Quyên rất xúc động khi phát hiện ra tên đường Hồ Chí Minh trên bức tranh dạng phù điêu cực lớn ngay trên bức tường chính diện của sảnh bảo tàng này.

Không ngừng làm giàu thêm tư liệu

Để có được những tư liệu phong phú hơn về Bác, ông Quyên không ngại đi đến nhiều nơi trên khắp nước Đức như: Cục Lưu trữ liên bang, Cục Lưu trữ các Bang, Trung tâm Tư liệu ảnh của Thông tấn xã ADN, Viện Nghiên cứu Rosa – Luxemburg của Đảng Cánh tả, Trung tâm Thông tin – Báo chí của Quốc hội Đức, Tổ chức Dịch vụ Đoàn kết quốc tế (SODI) và gặp nhiều cá nhân, bạn bè của Việt Nam…

Sau khi nghỉ hưu vào năm 2004, ông Quyên đã có bốn lần trở lại Đức và tiếp tục công việc sưu tầm cá nhân. Bản thân ông cũng đã viết và dịch nhiều bài báo tiếng Đức đăng trên các báo như dịch bài thơ “Hồ Chí Minh” của nhà thơ nổi tiếng CHDC Đức Ernst Schumacher – bài thơ tiếng Đức đầu tiên viết về Người (1956) đăng trên tuần báo Văn nghệ và báo Đại biểu nhân dân. Đến nay, dù đã 73 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài với việc tìm kiếm thông tin trên mạng Internet để làm giàu hơn kho tư liệu của mình.

tin nhap 20160527112902
Nhiều tư liệu quý về Bác đang được ông Trần Ngọc Quyên lưu giữ.

Trong kho tư liệu đa dạng này, cần phải kể đến khoảng 20 đầu sách tiếng Đức về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có những cuốn rất quý như “Cuộc khởi nghĩa vũ trang” do Quốc tế Cộng sản  xuất bản lần đầu năm 1928 (có một chương do Nguyễn Ái Quốc viết), hay bài viết “Kết quả của chính sách thuộc địa của Pháp” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên ấn phẩm tiếng Đức xuất bản tại Vienna “Thư tín quốc tế” của Quốc tế Cộng sản số 20 ngày 17/5/1924.

Theo tìm hiểu của ông, Đức là nước duy nhất có Huy chương Hồ Chí Minh phát hành năm 1980 theo Quyết định của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED) vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890- 1980). Và thật may mắn là ông đã sưu tầm được 3 Huy chương quý giá này. Ngoài ra, Ủy ban Đoàn kết của CHDC Đức còn phát hành một số Huy hiệu Hồ Chí Minh hình tròn với kích cỡ và màu sắc khác nhau nhưng đều có dòng chữ “Đoàn kết” in trên vành tròn bằng tiếng Việt, Đức và Nga.

Nơi gặp gỡ những người bạn Đức

Làm việc say mê và âm thầm nhưng ông Quyên không phải người sưu tầm độc hành. Trong suốt hành trình ấy, ông luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của những người bạn quốc tế. Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Đức – Việt Klaus Woinar và Thạc sĩ  Axel Friedrich là hai người bạn đã nhiều lần cùng ông đến các cơ quan lưu trữ tìm tư liệu. Nhà báo, nhà văn Hellmut Kapfenbeger – người đã viết sách “Hồ Chí Minh-Một biên niên sử” và nhiều cuốn sách khác về Việt Nam cũng đã giúp ông Quyên sưu tầm một số hiện vật quý như Huy chương và phù điêu chân dung  Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay bà Schleicher, Ủy viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Đức – Việt giúp sưu tầm được nhiều hiện vật quý về phong trào đoàn kết với Việt Nam…

Khi được hỏi về tình cảm dành cho Bác của những người bạn Đức, ông Quyên nhớ ngay đến Bia kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm các cháu học sinh Việt Nam tại Moritzburg. Đó là một biển đồng ghi “Tháng 7/1957, tại đây các em thiếu nhi Việt Nam đang sống và học tập tại Trường Kaethe-Kollwitz-Heim đã chào đón vị Chủ tịch nước của mình” được đặt trang trọng tại khuôn viên của ngôi trường.

Ông cho biết, vào ngày 9/10/2005, trên 50 cựu học sinh của hai trường thiếu nhi Việt Nam tại Moritzburg và Dresden đã trở lại thăm trường xưa. Tại trường Kaethe-Kollwitz-Heim, Đoàn đã cùng các thầy cô giáo đến dâng hoa bên Bia kỷ niệm. Tại đây, cô giáo Ruth Rehmet nói chuyện rằng, cô vẫn thường xuyên ra dọn cỏ, làm vệ sinh và bảo vệ Bia khi có người định tháo dỡ đi. Những năm gần đây, an ninh khu vực không đảm bảo nên trước khi chuyển nhà lên Berlin sống, cô Ruth Rehmet đã cẩn thận nhờ người tháo biển đồng này giao cho Diakonie – một tổ chức từ thiện của Nhà thờ Tin lành quản lý giúp.

Năm 2014, trong dịp cùng một số anh chị em Việt kiều về Moritzburg để làm ký sự về Bia kỷ niệm, ông Quyên đã hai lần gặp Ban lãnh đạo của Diakonie để thương thảo về việc thực hiện Dự án tôn tạo, mở rộng và bàn các biện pháp bảo vệ lâu đài Bia kỷ niệm. Bản thân là Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt – Đức, ông Quyên không những là người đề xướng Dự án mà còn thường xuyên phối hợp với anh em Việt kiều trong việc thực hiện Dự án bảo tồn di tích vật thể duy nhất còn tồn tại ở nước Đức.

Related Posts