Trung Quốc tung máy bay ném bom H-6K nhằm quyết chiếm Biển Đông

BVD – Theo trang Daily Beast ngày 22.5, vào lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump chú ý chuyện Triều Tiên, thì Trung Quốc công khai ý đồ quyết chiếm Biển Đông, khi cho máy bay ném bom H-6K diễn tập cất-hạ cánh trên một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo trang báo Mỹ, Bắc Kinh đang lợi dụng vị thế trung gian cho một thỏa thuận giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên, với nhận định ông Trump sẽ chộp ngay cơ hội đàm phán với chế độ của ông Kim Jong-un.

Cuộc diễn tập nhằm nhắc nhở “ai thật sự là sếp” ở Biển Đông

Việc không quân Trung Quốc (PLAAF) cho H-6K cất-hạ cánh ở đảo Phú Lâm không chỉ nhằm hù dọa các nước trong khu vực Biển Đông, mà còn là để thăm dò Mỹ sẽ phản ứng thế nào, khi Bắc Kinh đang “vờn” Mỹ trên nhiều mặt.

Ví dụ về đàm phán thương mại, xem ra Mỹ đã bỏ chuyện đòi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, “tạm ngưng” áp mức thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc.

Điều quan trọng hơn, sự thành bại của cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên tùy thuộc nặng vào những gì Trung Quốc – nhà tài trợ chính của ông Kim – có thể bảo đảm.

Bắc Kinh đã tự nhận giữ thế “bề trên” trong những vấn đề mà Mỹ đầu tư mạnh, và đang sử dụng vị thế này trong khi tiến hành mục tiêu độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc đưa máy bay ném bom H-6K đến Biển Đông, nhằm “nhắc nhở” các nước láng giềng phải nhớ “ai là sếp đích thực” ở khu vực này, nếu như họ chưa nắm được tư tưởng của Bắc Kinh từng thể hiện ở một cuộc tập trận hồi tháng 4.

Ngày 18.5, PLAAF đưa tin nhiều máy bay ném bom H-6K đã tập cất-hạ cánh trên một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cuộc tập cất-hạ cánh này ở đường băng có ký hiệu 23, trên một đảo được giấu tên ở vùng biển phía nam, sau khi một chiếc H-6K mang số hiệu 41175 tập tấn công các mục tiêu trên biển.

Các nhà phân tích tại Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định đó là đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).

Đó là nơi duy nhất có đường băng đủ dài để chiếc H-6K hạ-cất cánh. Daily Beast nêu chiến đấu cơ của PLAAF từng hạ cánh ở đây, nhưng lần này là chiếc H-6K có thể mang bom hạt nhân mà tờ báo này gọi là “B-52 của Trung Quốc”.

PLAAF nói kỹ sư của họ đã phát triển tầm bay của chiếc H-6K và tùy trọng tải, chiếc này có thể bay xa từ 3.000 đến 6.000km không cần phải tiếp nhiên liệu giữa trời. Còn nếu tiếp nhiên liệu, tầm bay của nó sẽ là 14.000km. H-6K cũng được mở rộng tầm quan sát, cho phép cuộc ném bom trở nên chính xác hơn.

Bắc Kinh công khai mục tiêu đánh trận để chiếm Biển Đông

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố vụ diễn tập cất-hạ cánh chỉ là một phần của cuộc tập trận có giả lập tấn công các mục tiêu trên biển, “nhằm chuẩn bị chiến đấu vì biển Nam Hải”, cách Trung Quốc gọi Biển Đông.

Trong tuyên bố ngày 18.5, cơ quan báo chí của PLAAF nói cuộc diễn tập được thiết kế “nhằm cải thiện khả năng vươn đến toàn bộ lãnh thổ, tiến hành không kích vào bất kỳ lúc nào và ở tất cả mọi hướng”.

Các nhà phân tích nói chức năng chính của chiếc H-6K sẽ là săn-diệt tàu chiến địch trên Thái Bình Dương bao la bằng tên lửa siêu thanh.

Theo Daily Beast, từ đảo Phú Lâm, máy bay ném bom H-6K có thể bay đến tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc, ví dụ thủ đô Manila của Philipines chỉ cách đảo này chưa tới 1.000km.

Khi chiếc H-6K hạ cánh ở đảo Phú Lâm, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông sẽ không làm gì chống lại Bắc Kinh: “Quý vị biết rồi đó, họ có máy bay… và với tên lửa siêu thanh, họ có thể vươn tới Manila trong vòng từ 7 đến 10 phút”.

Lãnh đạo Philippines bị chỉ trích “thần phục” ông Tập Cận Bình

Việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và trưng “bản đồ tự vẽ đường lưỡi bò 9 đoạn” đã gây ra tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan.

Philippines thậm chí kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế The Hague, và tháng 7.2016, Tòa tuyên Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông.

Tuy nhiên, hồi cuối năm 2016, Tổng thống Duterte tuyên bố “gạt qua một bên” phán quyết ấy và “không áp đặt bất cứ điều gì với Trung Quốc”.

Năm 2017, khi Tổng thống Trump đề nghị làm trung gian cuộc tranh chấp, ông Duterte nói “tốt nhất để yên vụ việc”, và ông sẽ không liều lĩnh đối đầu với Trung Quốc, đồng thời nhắc đi nhắc lại đề nghị Philippines cùng Trung Quốc khai thác Biển Đông.

Đó là các động thái cho phép Bắc Kinh tiếp tục xây trái phép các cơ sở quân sự và tiến hành diễn tập ở Biển Đông mà không vấp phải sự phản kháng nào.

Đáng tiếc là không có cơ chế nào buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Các nghị sĩ Philipines đã chỉ trích Tổng thống Duterte không dám đối đầu với Bắc Kinh, chỉ vì ông muốn lập tình bạn với Trung Quốc và thần phục Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo Daily Beast, khi Trung Quốc tiếp tục hành xử hung hăng trên Biển Đông, hầu như Mỹ không có phản ứng, ngoài vài lần tàu chiến Mỹ áp sát các đảo nhân tạo xây trái phép và các quan chức Trung Quốc phản đối kịch liệt.

Sau khi chiếc H-6K hạ cánh trên đảo Phú Lâm, người phát ngôn của Lầu Năm Góc là trung tá Christopher Logan nói: “Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể tranh chấp trên Biển Đông chỉ nhằm gây căng thẳng và gây bất ổn cho khu vực”.

Washington tuyên bố Bắc Kinh sẽ phải “đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng” vì những hành động hung hăng. Nhưng đấy chỉ là những lời dọa suông. Theo quan điểm của Bắc Kinh, Mỹ chỉ nói miệng, và Trung Quốc cứ thế tiến hành âm mưu độc chiếm Biển Đông, dàn hệ thống phòng không và tên lửa chống hạm trên các thực thể nhân tạo để sẵn sàng chống lại những cuộc tấn công.

(theo Daily Beast)

Related Posts