Xét xử sơ thẩm vụ tai biến chạy thận: Sau chết người mới lập và ký biên bản bàn giao

Sáng 16.5, ngày thứ 2 xét xử sơ thẩm tai biến chạy thận tại Hoà Bình, hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi 3 bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc. Về biên bản bàn giao sửa chữa thiết bị, bị cáo Sơn khai được lập sau khi xảy ra sự cố chết người.

3 bị cáo tiếp tục được hội đồng xét xử xét hỏi trong phiên sơ thẩm ngày thứ 2.

Luật sư Lê Văn Thiệp, bào chữa cho bị cáo Lương, cho biết: Trong ngày xét hỏi thứ nhất, tại tòa, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai không có hợp đồng nào cả, khi xảy ra chết người mới làm hợp đồng để che giấu vụ việc.

Bùi Mạnh Quốc cho hay, từ trước đến nay không có việc xét nghiệm, lý do là thời gian xét nghiệm hết 15 ngày, mà bệnh nhân thì đông nên không thể chờ 15 ngày.

Theo bị cáo Bùi Mạnh Quốc, từ trước đến nay không có việc bàn giao, mà chỉ cần gọi điện cho điều dưỡng viên là vận hành bình thường.

Những điểm cần được làm sáng tỏ trong lời khai của các bị cáo ở ngày xét hỏi thứ nhất tiếp tục được làm rõ trong ngày xét xử thứ hai của phiên sơ thẩm. Sáng nay (16.5), hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi 3 bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc.

Hội đồng xét xử đã cho 2 bị cáo Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế của bệnh viện) và Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh) đối chất về biên bản bàn giao thiết bị hệ thống lọc nước RO ghi ngày 28-5-2017 có chữ ký của cả hai người.

Khi hội đồng xét xử đặt câu hỏi bị cáo Bùi Mạnh Quốc – Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh: Tại bút lục số 1522 biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa lập vào hồi 18 giờ 35 phút ngày 28.5.2017, có phải chữ ký của bị cáo tại phần của người đại diện cho Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn không?

Tuy nhiên, bị cáo Quốc khẳng định: Ngày 28.5, bị cáo không ký bất cứ một biên bản nào cả và không biết biên bản bàn giao thiết bị là do ai lập.

Cũng câu hỏi này, bị cáo Trần Văn Sơn – cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, lại cho biết: Hai biên bản bàn giao thiết bị được lập vào hồi 10 giờ và 18 giờ 35 phút ngày 28.5.2017 đúng là chữ kí của mình, cả hai đều do chính bị cáo lập ra.

Hội đồng xét xử đưa ra thắc mắc: Tại sao trong biên bản lại có chữ kí của bị cáo Bùi Mạnh Quốc trong khi Quốc nói không biết về các văn bản này? Bị cáo Trần Văn Sơn khai rằng, hai biên bản được lập sau khi xảy ra sự cố chạy thận và có chữ kí của bị cáo Quốc. 

“Theo quy định thì bàn giao phải có biên bản. Nguyên tắc biên bản bàn giao là có 2 bên. Chữ ký của bị cáo Quốc là sau khi có sự cố y khoa chứ không phải ký ngày 28-5. Tất cả biên bản bàn giao sửa chữa sẽ có đại diện phòng vật tư và bên đơn vị sửa chữa sau đó sẽ có biên bản bàn giao giữa bị cáo với khoa. Trong biên bản chỉ có hai bên”, bị cáo Sơn khai.

“Ai chỉ đạo bị cáo việc lập biên bản ký sau khi xảy ra sự cố?”, thẩm phán truy. “Không có ai chỉ đạo bị cáo”, bị cáo Sơn nói.

Bị cáo Trần Văn Sơn cũng thừa nhận đã không làm hết nhiệm vụ, không kiểm tra quá trình sửa chữa: “Từ trước đến nay, khi nhận bản giao thiết bị đều dựa vào đồng hồ đo độ dẫn điện hiện trên thiết bị, khi chỉ số báo an toàn thì nhận bàn giao”.

Bị cáo Sơn cũng nói chỉ biết Quốc làm những công việc theo báo giá, còn không biết thực tế sửa chữa, thay thiết bị gì.

Trong phiên xét hỏi 3 bị cáo ở ngày xét xử đầu tiên, bị cáo Hoàng Công Lương không đồng ý với toàn bộ cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hoà Bình quy kết tội của mình.

Bị cáo Lương giữ nguyên quan điểm cho rằng: Chức vụ của của y bác sĩ chúng tôi là khám và điều trị, thông báo y lệnh cho bệnh nhân, không hề liên quan đến sửa chữa, bảo dưỡng gì đến thiết bị. Chất lượng nguồn nước là do đơn vị khác chịu trách nhiệm, đương nhiên tôi chỉ chịu trách nhiệm về y lệnh của tôi.

Ngày xét xử thứ 2, buổi sáng bị cáo Hoàng Công Lương chưa được hội đồng xét xử hỏi gì thêm.

Related Posts