Mỹ điều máy bay B-52 đến gần quần đảo Trường Sa

BVD – Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hai máy bay ném bom B-52 đã bay cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 30 km để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện định kỳ.

CNN dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Chris Logan cho hay 2 chiếc B-52 thực hiện “nhiệm vụ huấn luyện thường lệ” cất cánh từ căn cứ không quân Andersen đến cơ sở hỗ trợ hải quân trên đảo Diego Garcia thuộc chủ quyền của Anh trên Ấn Độ Dương.

Ông Logan cho biết hoạt động này là một phần trong nhiệm vụ “nhằm duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ” của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Ông cũng bổ sung rằng các hoạt động trong nhiệm vụ “được tiến hành thường xuyên kể từ tháng 3/2004, theo luật pháp quốc tế”.

My dieu may bay B-52 den gan quan dao Truong Sa hinh anh 1
Máy bay B-52 tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam. Ảnh: AFP.

Máy bay B-52 được điều đến gần Trường Sa sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ngày 2/6 ở Singapore. Ông Mattis tố cáo Trung Quốc có những hành động “hăm dọa và ép buộc” trong khu vực và tuyên bố rằng Washington không có ý định từ bỏ vai trò của mình tại Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh Mỹ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ mang tính chất xây dựng với Trung Quốc, hợp tác khi có thể nhưng sẽ cứng rắn trong tình thế bắt buộc. “Chính sách của Trung Quốc trên Biển Đông trái ngược với chiến lược cởi mở của chúng tôi. Chúng tôi đặt nghi vấn về những mục tiêu của Trung Quốc”, ông nói.

My dieu may bay B-52 den gan quan dao Truong Sa hinh anh 2
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói Mỹ phản đối sự thiếu nhất quán của Trung Quốc khi tiếp tục triển khai quân sự tại các hòn đảo tranh chấp với các nước trong khu vực. Ảnh: Getty.

Tuần trước, quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ có đủ khả năng để tấn công các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông.

“Thực tế là chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm đánh chiếm các đảo nhỏ bị cô lập trong Thế chiến II. Đó là một năng lực trọng tâm của quân đội Mỹ. Đây là một thực tế lịch sử”, trung tướng Kenneth McKenzie, giám đốc Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ, cho biết.

Mỹ và Trung Quốc gần đây có nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề Biển Đông. Ngày 23/5, Lầu Năm Góc đã rút lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vì những động thái quân sự hóa liên tục của nước này trên Biển Đông thời gian qua.

Hôm 27/5, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Lầu Năm Góc nhấn mạnh có “bằng chứng mạnh mẽ” về các động thái quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua.

My dieu may bay B-52 den gan quan dao Truong Sa hinh anh 3
Các thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đồ họa: CSIS.

Từ đầu năm 2018, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa tại các thực thể nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Bên cạnh việc đẩy mạnh tôn tạo, xây mới các công trình quân sự, Trung Quốc lắp đặt nhiều hệ thống radar và máy làm nhiễu sóng tại đá Vành Khăn và Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cuối tháng 4, Trung Quốc triển khai tên lửa chống hạm YJ-12 tới đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và các nước ASEAN.

Hôm 18/5, Trung Quốc công bố hình ảnh máy bay ném bom chiến thuật H-6K diễn tập tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông, gây ra nguy cơ về mất ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực.

Máy bay ném bom H-6K hạ cánh tại Hoàng Sa Các nhà phân tích quân sự nhận định địa điểm H-6K diễn tập hạ cánh trên biển Đông chính là đảo Phú Lâm, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
(Zing)

Related Posts