Chung sức, đồng lòng vì biển đảo Tổ quốc

BVD – Xuất phát từ tình yêu và niềm tự hào về những người trụ lại làm cột mốc chủ quyền nơi quần đảo tiền tiêu, những người Việt ở nước ngoài quyết tâm đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bằng trí lực, vật lực để biển đảo Việt Nam trường tồn một cách vững bền.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân đã tổ chức bảy chuyến thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 cho tổng cộng gần 400 lượt kiều bào. Hành trang của họ khi trở về là tình yêu nước; lòng tự hào về ý chí quyết tâm bảo vệ cột mốc chủ quyền của người chiến sĩ hải quân, của các em thơ – những “công dân nhí”- nơi đầu sóng; là sự chung sức, đồng lòng vì biển đảo Tổ quốc.

Chung sức, đồng lòng vì biển đảo Tổ quốc - ảnh 1

Kiều bào trong đoàn công tác số 10 năm 2018 trên chuyến hành trình thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1

Nhiều Quỹ và Câu lạc bộ hướng về Trường Sa của kiều bào ở các nước ra đời. Thành lập từ năm 2015, “Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” tại Hàn Quốc tổ chức nhiều buổi “Tôi kể chuyện Trường Sa” tại các sự kiện của Hội người Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc; tham gia và có tiếng nói trong các hội thảo quốc tế về Biển Đông.Trọn tình với Trường Sa, tình yêu và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc của kiều bào biến thành hành động thiết thực. Tính từ năm 2012 đến nay, trong các chuyến hải trình, bà con kiều bào đã ủng hộ khoảng 15 tỷ đồng tặng cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo.

Chung sức, đồng lòng vì biển đảo Tổ quốc - ảnh 2 Kiều bào Hàn Quốc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời tại đảo Đá Thị. Ảnh: Quỳnh Trang

Đặc biệt, trong ba năm, Quỹ đã kêu gọi được hơn 75.000 đô la Mỹ, tức là vào khoảng 1 tỷ 650 triệu đồng ủng hộ các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Việt Nam. Đó là 07 giàn năng lượng mặt trời hiệu năng cao cho 6 đảo; nhiều máy phát điện mini, máy hút độ ẩm không khí thành nước ngọt, những giàn rau thủy canh, sân cầu lông đa năng… Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm “Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” tại Hàn Quốc, nhớ lại kỷ niệm trong quá trình thực hiện dự án mang điện ra Trường Sa: “Chúng tôi lắp đặt cho đảo Cô Lin một giàn năng lượng mặt trời. Thời gian của đoàn xuống đảo không nhiều nên chúng tôi tập trung hoàn thành hết công việc khi xuống đảo. Trong quá trình lắp đặt, sự cố xảy ra. Chúng tôi gọi điện về đất liền, gọi điện về Hàn Quốc để tư vấn cách xử lý tình huống. Xong việc trở về tàu khi trời chập tối. Đến buổi tối, xung quanh không nhìn thấy gì, tự nhiên ở ngoài đảo, đèn bật sáng, bốn anh em chúng tôi cầm tay nhau khóc. Đèn sáng, đèn lại tắt. Cứ như thế ba lần liền. Mấy anh em quay ra nhìn nhau không biết chuyện gì xảy ra. Ở ca bin, thủy thủ đoàn thông báo, các anh em ở ngoài đảo gửi lời chào và cảm ơn đoàn đã tặng máy phát điện ra đảo, nó đã chạy tốt. Đảo đang nháy đèn để chào tàu. Không còn một cảm giác gì có thể xúc động hơn được…”. Giữa biển đêm, Cô Lin sáng rực ánh đèn. Niềm hạnh phúc vô bờ trào dâng. Bao nhiêu công sức vận chuyển, lắp đặt hệ thống giàn năng lượng mặt trời 52 KVA nặng 300 kg từ đất liền ra đảo đã mang lại hiệu quả trọn vẹn.

Sau khi được thăm Trường Sa, ở châu Âu, những người Việt tại CHLB Đức đã truyền lửa cho bà con trong cộng đồng thông qua các hoạt động của “Câu lạc bộ biển đảo”. Những buổi giao lưu “Nghĩa tình Trường Sa”, những triển lãm ảnh về Trường Sa của câu lạc bộ diễn ra ở nhiều thành phố trên nước Đức như thổi bùng ngọn lửa nóng ấm về tình yêu biển đảo thiêng liêng cho những người Việt chưa một lần được đặt chân tới quần đảo tiền tiêu.

Chung sức, đồng lòng vì biển đảo Tổ quốc - ảnh 3 Bà Lưu Thị Phi Nga, thành viên nhiệt huyết của Câu lạc bộ biển đảo, khẳng định sẽ lan tỏa tình yêu biển đảo Tổ quốc đến người Việt ở CHLB Đức.

Bà Lưu Thị Phi Nga, thành viên câu lạc bộ, cho biết năm 2018, câu lạc bộ đã tặng các phần quà trị giá 200 triệu đồng cho chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1: “Tổ Quốc là của tất cả chúng ta. Những người con dân đất Việt đều có trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp bảo vệ nơi tuyến đầu hãy tin tưởng vào hậu phương vững chắc. Chúng tôi luôn sát cánh, đồng hành cùng các anh. Mỗi người trong chúng tôi sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, đóng góp sức lực, tài chính để cùng toàn dân gìn giữ, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, làm cho Tổ quốc của chúng ta mãi mãi trường tồn. Sông núi nước nam vua Nam ở. Rành rành định phận tại sách trời. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm? Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Chung sức, đồng lòng vì biển đảo Tổ quốc - ảnh 4

Ra thăm động viên quân, dân Trường Sa và nhà giàn DK1 năm nay, tổng giá trị quà tặng của đoàn kiều bào ở 24 nước trên thế giới là gần 1 tỷ bảy trăm triệu đồng. Giá trị quà tặng tuy chưa thật lớn nhưng góp phần động viên kịp thời đời sống tinh thần, vật chất cho các cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ chủ quyền biển đảo nơi tiền tiêu. Thiếu úy Vũ Văn Tuấn, 23 tuổi, công tác tại đảo Đá Nam, đồng cảm với những cô bác người Việt xa gia đình ra nước ngoài làm ăn, sinh sống nhưng một lòng hướng về đảo xa và những người lính đang làm nhiệm vụ: “Chúng em ra đây làm nhiệm vụ luôn vững tin cùng đồng đội giữ gìn biển đảo Tổ quốc. Đoàn kiều bào ra đảo tặng quà, động viên, khích lệ. Đó là động lực, tiếp thêm sức mạnh để chiến sĩ cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Là một kỹ sư hóa đã nghỉ hưu sống ở tiểu bang Georgia, phía Nam nước Mỹ, ở nhà có bản đồ Việt Nam, thỉnh thoảng bà Lê Ánh Tuyết lại chạm tay lên những chấm đảo nơi Trường Sa và mơ một lần được đặt chân đến: “Như tất cả người Việt ở nơi xa xứ, chúng tôi tranh thủ làm ăn và lúc nào cũng hướng về quê hương đất tổ. Lần đầu tiên bước chân lên đảo, tôi thấy rất tự hào và khó diễn tả nên lời, chỉ muốn trào nước mắt. Trước kia chỉ nhìn thấy các đảo trên bản đồ, không ngờ mình được diễm phúc bước chân lên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc và nhìn thấy trước mắt mình trời đất bao la của quê hương, Tổ quốc chúng ta. Tôi quyết tâm từ giờ về sau sẽ cố gắng hết sức mình  ủng hộ và kề vai sát cánh với các chiến sĩ ở trên đảo”.

Trong chuyến thăm Trường Sa năm 2016, bà Lê Ánh Tuyết đã tặng 12 máy lọc nước và một số phần quà khác cho các chiến sĩ với trị giá gần 90 triệu đồng. Đó là khoản tiền lương hưu của bà chắt chiu trong nhiều năm.

Xuất phát từ tình yêu và niềm tự hào về những người trụ lại làm cột mốc chủ quyền nơi quần đảo tiền tiêu, những người Việt ở nước ngoài quyết tâm đồng hành cùng sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bằng trí lực, vật lực để biển đảo Việt Nam trường tồn một cách vững bền.

 

(VOV)

Related Posts