Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Dễ bắt đầu, khó kết thúc

BVD – Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd nhận định chiến tranh thương mại, cũng giống như những cuộc chiến thực sự, thường dễ bắt đầu và khó kết thúc.

Trước thông tin đàm phán thương mại Mỹ – Trung sẽ diễn ra khiến thị trường chứng khoán hai nước có những dấu hiệu khởi sắc và cho rằng đây là bước tiến tích cực nhằm hạ nhiệt căng thẳng sau những lệnh áp đặt thuế quan khổng lồ lên thương mại đối phương.

Ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia, hiện là chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á tại New York có bài bình luận đăng trên Bloomberg Opinion về vấn đề này.

Chien tranh thuong mai My-Trung: De bat dau, kho ket thuc hinh anh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo ông Kevin Rudd, lịch sử cho thấy chiến tranh thương mại dễ bắt đầu và khó kết thúc, cũng giống như những cuộc chiến thực sự. Khi sự thù địch tăng lên, ván cược vật chất tăng lên và cái giá chính trị phải trả trong trường hợp rút lui cũng tăng lên.

Bắt đầu với thương mại. Lĩnh vực thương mại đại diện cho 38% GDP Trung Quốc và 27% GDP Mỹ. Nếu xung đột quy mô nhỏ hiện tại leo thang đến mức bao phủ toàn bộ 650 tỷ USD giá trị thương mại song phương, thế giới sẽ phải gánh chịu một vấn đề kinh tế khách quan chứ không chỉ còn là vấn đề tâm lý thị trường. Một khi các con số phát triển bắt đầu giảm, dù nhẹ, sẽ không mất nhiều thời gian để nền kinh tế toàn cầu bị lôi xuống, ông Kevin Rudd nhận định.

Có một số ý tưởng cho rằng vì Trung Quốc xuất khẩu gần 500 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, đổi lại Mỹ chỉ xuất khẩu 150 tỷ USD nên các lệnh thuế quan Trung Quốc với hàng hóa Mỹ có sự hạn chế về ảnh hưởng. Cũng với quan điểm này, vì kinh tế Trung Quốc phụ thuộc thương mại nhiều hơn Mỹ, và vì tổng GDP của Trung Quốc nhỏ hơn Mỹ, Bắc Kinh được cho là có nhiều thứ để mất hơn Mỹ nếu căng thẳng tiếp tục leo thang.

Chien tranh thuong mai My-Trung: De bat dau, kho ket thuc hinh anh 2

Phần trăm thương mại trong GDP của Mỹ và Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá là phụ thuộc vào thương mại nhiều hơn Mỹ.  (Ảnh: Bloomberg)

Theo ông Rudd, logic này có thể khuyến khích Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục áp thuế lên 400 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Trong trường hợp đó, Trung Quốc được cho là sẽ lùi bước trước vì những nhu cầu của nền kinh tế nội địa.

Bên cạnh đó, quan điểm này cũng đặt ra giả thiết áp lực chính trị trong nước lên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chỉ tăng khi căng thẳng với Mỹ tăng, điều đó có nghĩa là ông hoặc những người xung quanh ông sẽ nhanh chóng tìm kiếm một thỏa thuận với Washington. Dù ngành nông nghiệp Mỹ phản đối chính sách áp đặt thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump, nhưng nước này vẫn có thể dùng trợ cấp để tạm thời xoa dịu các cử tri cho đến khi Trung Quốc giương cờ trắng.

Nhưng mặt khác, Trung Quốc vẫn có những con át chủ bài. Ví dụ như đánh thuế lên tất cả các thành phần hàng hóa Mỹ sử dụng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù nước cuối cùng đứng tên xuất khẩu không phải là Mỹ hay Trung Quốc, họ vẫn có thể bằng cách này cảnh báo các quốc gia khác nên đi tìm nguồn thay thế nhà cung cấp Mỹ. Dù rắc rối, phương pháp này vẫn có thể khiến thiệt hại của cuộc chiến thương mại vượt xa khỏi quy mô song phương.

Yếu tố khác không thể bỏ qua là tâm lý chính trị, chuyên gia cho biết. Nếu ai đó bị dồn vào góc tường, hoặc họ sẽ nhượng bộ hoặc sẽ phản ứng dữ dội hơn. Washington cho rằng Bắc Kinh sẽ đi theo phương án đầu tiên, nhưng các lãnh đạo Mỹ cần nhớ rằng Chính phủ Trung Quốc rất có sức ảnh hưởng tới người dân nước họ. Vậy nên việc yêu cầu công dân ngừng mua hàng Mỹ hay đi du lịch tới đây là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bắc Kinh.

Năm 2016, vì cho rằng Mỹ đứng đằng sau phán quyết của Toà trọng tài quốc tế về tranh chấp trên Biển Đông với Philippines, người biểu tình Trung Quốc đã đòi hai chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s và KFC phải đóng cửa rời khỏi đất nước, đồng thời họ cũng tẩy chay cả Starbucks và Apple. Hay hai “nạn nhân” điển hình nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản, hàng loạt công ty hàng đầu của các nước này tuyên bố phá sản hoặc mất dần thị trường ở Trung Quốc sau khi người dân đòi đập phá và tẩy chay hàng hoá cực đoan bởi những mâu thuẫn ngoại giao.

Nếu Trung Quốc quyết định tăng cường đáp trả thay vì lùi bước, kinh tế toàn cầu sẽ phải chuẩn bị đối mặt với một cơn bão lớn, có khả năng khiến kinh tế toàn cầu bước vào suy thoái, theo Kevin Rudd.

Đó là chưa nói đến các biện pháp đấu đá thương mại thường dẫn đến căng thẳng chính trị leo thang. Theo ông Rudd, dòng chảy đầu tư song phương hiện đã chậm lại, chiến tranh lạnh công nghệ cao đã bắt đầu.

Theo ông Kevin Rudd, quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay không đơn thuần đến từ thương mại, nó sẽ là cuộc chiến vượt qua ranh giới song phương và các gói trừng phạt thương mại, đây là cuộc chiến thực sự về ngoại giao và cạnh tranh sức ảnh hưởng giữa hai cường quốc. Do đó, một cuộc đàm phán thương mại ở cấp thứ trưởng vào thời điểm này chưa phải là bước tiến tích cực.

 

(VTC)

Related Posts