Chuẩn bị khai giảng vùng lũ lụt: Giáo viên cõng gạo lội bùn hàng chục km cho học sinh

BVD – Lũ chồng lũ, cộng thêm thủy điện xả đập đã gây thiệt hại nặng nề cho giáo dục các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Nhiều trường miền núi của hai địa phương này bị bùn vùi lấp, sạt lở, cuốn trôi thiết bị… nhưng các thầy cô giáo vẫn quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn để khai giảng đúng kế hoạch.

Những thầy cô không có ngày nghỉ Quốc khánh

Sáng 3.9, trao đổi với PV, thầy Nguyễn Công Danh – Hiệu trưởng Trường THCS Mường Típ (Kỳ Sơn – Nghệ An) – cho biết: Cơn bão số 3, số 4 rồi thủy điện xả lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho trường. Điện mất đã mấy tháng, thầy cô chỉ lo được điện… sạc điện thoại. Gần đây lũ lớn cuốn theo đất đá, cây cối làm tắc đường, phương tiện cơ giới không thể vào được.

Trường ngập ngụa bùn, bàn ghế, thiết bị hư hỏng, ước tính đợt 1 thiệt hại hơn 150 triệu đồng. Các thầy cô phải lội bùn khoảng 3-7 tiếng (tùy theo trời nắng hay mưa) cõng gạo vào trường. Đã 8 ngày nay, toàn bộ 40 cán bộ giáo viên của trường lao động liên tục để dọn bùn, lau rửa.

Trong khi cả nước nghỉ ngày 2.9, thì thầy cô ở đây không có ngày nghỉ, làm việc không có chế độ tiền công. Anh chị em động viên nhau để làm cho kịp khai giảng. Bờ rào phía suối đã bị cuốn trôi hết, đất lở vào tận chân phòng học. Có sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, nhưng cũng chỉ khắc phục tạm, vì cần có máy móc mới làm được triệt để.

Khó khăn nhất của Mường Típ là các ngả đường đều lầy lội, nhiều đoạn bị tắc. Phụ huynh sợ con không an toàn nên không dám cho con đến trường. Ngày khai giảng đã cận kề, nhưng mới có 94/387 HS đến trường.

“Chúng tôi nỗ lực tối đa để khai giảng theo đúng kế hoạch vào ngày 5.9, thông báo cho các bản để phụ huynh đưa con đến, sau sẽ tổ chức dạy bù” – thầy Danh nói.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt bị ảnh hưởng do thiên tai vừa qua. Ảnh: PV - HUYÊN NGUYỄN
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Ớt bị ảnh hưởng do thiên tai vừa qua. Ảnh: PV – HUYÊN NGUYỄN

Phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn đã trao cho 4 trường trên địa bàn xã Mường Ải và Mường Típ mỗi trường 10 triệu đồng và trao quà hỗ trợ 12 giáo viên có nhà bị hư hại nặng mỗi giáo viên 2 triệu đồng. Nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng đã ủng hộ vật chất cho ngành giáo dục Kỳ Sơn. Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An – bà Nguyễn Thị Kim Chi cho hay toàn ngành phải nỗ lực rất lớn để kịp thời khai giảng đúng kế hoạch vào ngày 5.9.

Nỗ lực kịp ngày khai giảng

Ngành giáo dục Thanh Hoá cũng đang đứng trước khó khăn bộn bề khi ngày khai giảng đang cận kề. Mưa lũ làm 24 điểm trường bị ngập, 6 điểm trường khác bị sạt lở; 2 nhà bán trú cho học sinh và giáo viên bị vùi lấp.

Cô Nguyễn Thanh Dung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Yên (huyện Vĩnh Lộc) – cho biết: Mưa lũ đã làm cho gần 3.000 sách vở, đồ dùng học tập, máy tính, bàn ghế, tủ đựng tài liệu bị hư hỏng, sân trường bị sụt lún, vườn hoa cây cảnh bị phá hủy. Hiện nhà trường cùng các ngành chức năng đang khẩn trương dọn dẹp, khắc phục hậu quả mưa lũ. Nhà trường không thể tổ chức khai giảng đúng thời gian quy định.

Phải rất vất vả, Mường Lát mới có thể dọn dẹp được đống bùn đất để có trường sạch cho học sinh đến lớp.
Phải rất vất vả, Mường Lát mới có thể dọn dẹp được đống bùn đất để có trường sạch cho học sinh đến lớp.

Để hỗ trợ nhà trường khắc phục chuẩn bị kịp ngày khai giảng, trên 100 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, phòng cháy chữa cháy đã được huy động cùng với các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh tiến hành dọn dẹp 3 trường học (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở).

Tại điểm trường bản Vịn (Yên Thắng, Lang Chánh) có 3 phòng học kiên cố dùng cho khối tiểu học và mầm non, 1 căn nhà mái lá sập xệ được dùng làm văn phòng, nhà ở cho thầy cô, 1 ngôi nhà tranh khác đang được sửa sang trên nền bùn lầy để làm nhà bếp chung cho cả thầy lẫn trò. Ông Lê Minh Thư – Trưởng phòng GDĐT huyện Lang Chánh – cho biết, bước vào năm học mới, trên địa bàn huyện hiện có 31 phòng học tạm bợ. Chung tình cảnh trên, tại xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn; tại xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân; huyện Quan Hóa vẫn còn nhiều điểm lẻ trường trong tình trạng lớp học tạm bợ, thiếu thốn đồ dùng học tập, giao thông đi lại vô cùng khó khăn.

Đặc biệt, huyện vùng cao Mường Lát cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng nề. Đoạn từ Cổng Trời (xã Trung Lý), đường sá bị trôi sau lũ, trong đó có nhiều điểm bị sạt lở nghiêm trọng khiến cho huyện bị cô lập. Nhiều điểm trường bị hư hại nặng nề, nặng nhất là điểm Trường Tiểu học Khu Lìn (Trường tiểu học Trung Lý II bị lũ bùn vùi lấp lên tận nóc nhà. Hiện toàn huyện đang chật vật dọn dẹp hậu quả nặng nề của mưa lũ.

Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa – cho biết, toàn ngành đã và đang khẩn trương khắc phục hậu quả để học sinh yên tâm đi học trở lại; đồng thời tiếp tục bám sát tình hình để đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay lại trường học.

Sở GDĐT Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác cùng với chính quyền địa phương đến thăm các trường học, gia đình học sinh bị thiệt hại tài sản do mưa lũ. Trong những ngày tới, sở sẽ vận động mỗi cán bộ, giáo viên ủng hộ 1 – 2 ngày lương hỗ trợ học sinh, các trường chịu nhiều thiệt hại; đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ những trường học bị thiệt hại bởi mưa lũ.

Từ ngày 28.8 đến nay mưa lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã làm 9 người chết (huyện Mường Lát 4 người, huyện Cẩm Thủy 5 người) 3 người mất tích và 2 người bị thương (đều ở huyện Mường Lát). Mưa lũ cũng làm 267 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, gần 500ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, 35 nhà văn hoá, 5 trạm y tế bị ngập; 5 cầu và hàng chục kilômét đường bị cuốn trôi… Nghệ An có 6 người chết, thiệt hại lên tới hơn 800 tỉ đồng.

 

(Laodong)

Related Posts