Câu chuyện thứ 2 về tính nóng và quyết liệt của ông Đỗ Mười: Đất nước không cần loại cán bộ như mày !

BVD- Ngày 02.10.2018, Nhà báo Huy Thắng đã kể câu chuyện thứ 1 về tính nóng và quyết liệt của ông Đỗ Mười. Hôm nay, 09.10.2018 BVD đăng tiếp câu chuyện thứ 2:

( Người kể, Nhà báo Huy Thắng, Hà Huy lược ghi ) 

Khoảng cuối năm 1982, khi đó tôi đã chuyển công tác về báo Hà Sơn Bình và được cử đặc trách theo dõi công trường xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình nằm ở Thị xã Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Anh minh họa

Một hôm tôi nhận được tin từ Văn phòng Tổng công ty xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình Sông Đà ( TCTXDNMTĐHB ) cho biết vào hồi 15 giờ , ngày…. đồng chí Đỗ Mười, khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Thủy điện Hòa Bình sẽ đến nói chuyện với CBCNV, sau đó Ông trủ trì cuộc họp với 6 Bộ ngành và tỉnh Hà Sơn Bình về việc huy động mọi lực lượng cho công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu lấp sông Đà đợt 1 vào đầu năm 1983.

Đúng 15 giờ CBCNV Sông Đà và đại diện 6 Bộ, Ngành, tỉnh đã có mặt đầy đủ ngồi trong hội trường. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy PCTHĐBT Đỗ Mười đến, nhiều người đã bỏ ra ngoài hút thuốc, gần 16 giờ mới thấy đoàn xe đến. Đi sau ông Đỗ Mười là 2 công nhân bị cảnh vệ dẫn vào mặt tái mét.

Mọi người không hiểu tại sao và cũng không ai dám hỏi. PCTHĐBT Đỗ Mười vẫn đội mũ công trường, chân đi ủng. Ông đứng sát hàng nghế đại biểu, ông nói: Tôi là Đỗ Mười, xin cào tất cả anh chị em cán bộ công nhân viên sống Đà ! ( Mọi người vỗ tay ) Trước khi vào đây tôi đã đi kiểm tra công trường . Kết quả đi kiểm tra là đây ! Ông chỉ 2 công nhân bị bắt dẫn vào hội trường.

Hướng về mọi người, Ông nói : Trên công trường, gần đường hầm, tôi thấy mấy đoạn dây cáp điện bằng Inox dài khoảng hơn 1 mét vứt vương vãi liền cúi xuống nhặt. Ngay lúc đó có một công nhân đến chào tôi và hỏi: Bác nhặt làm dây phơi quần áo à?  Sợi này ngắn quá, bác cần cháu cho bác đoạn dài hơn. Tôi tỏ ra  mừng rỡ, nói với cậu ta, cậu tốt quá, cho tớ mấy mét nhé ?  Anh công nhân này ( ông chỉ vào một công nhân đang cúi mặt trước mọi người )  hỏi thêm, bác cần 3 mét hay 5 mét ? Tôi nói ngay cho tớ 5 mét. Anh công nhân này cầm kìm và gọi thêm anh này ( ông chỉ người đứng cạnh ) đến kéo cuộn cáp, vừa định cắt thì tôi hô:  Bắt ngay ! Bắt ngay mấy thằng phá hoại này! Cả hội trường yên lặng không một tiếng động.

Ông Đỗ Mười đến bên 2 công nhân đang đứng như tù binh, ông chỉ mặt hai công nhân :  Mày tốt với tao quá nhưng mày là quân phá hoại, quân phá hại tài sản của Nhà nước !

Ông Đỗ Mười quay sang nói với Tổng Giám đốc: Anh Lộc ! ( ông Ngô Xuân Lộc lúc đó là Tổng giám đốc ) Anh quản quân thế này thì còn gì của Nhà nước nữa ? Tôi không quen biết mà nó còn cho 5 mét nữa là gia đình người thân bạn bè của nó ?  Tôi đi từ dưới Hà Nội lên đến Hòa bình thấy nhà bê tông mọc san sát, sắt thép vương vãi ngổn ngang. Vật tư của công trường mà  tuồn ra  ngoài thế này thì công trường thiếu sắt thép, thiếu xi măng là ở  lỗ hổng này, phải bịt ngay nó lại !

Ông quay về phía anh chị em cán bộ công nhân Sông Đà nói tiếp, giọng Ông trầm xuống: Mọi người  phải hiểu rằng,  sắt thép, vật tư, máy móc thiết bị, từng con ốc, từng đinh vít, từng sợi cáp của công trường đều phải đi mua ở nước ngoài. Muốn mua được phải có Đô La, phải có đồng Rúp. Mà muốn có ngoại tệ thì Nhà nước và nhân dân ta đều phải thắt lưng buộc bụng dành lúa gạo xuât khẩu. Vậy mà làm thế này, quản lý thế này thì chết, thì hết.

Ông nói như gào lên:  Phải chấn chỉnh ngay, kẻ nào ăn cắp, tham ô lấy của công phải bỏ tù. Anh em công nhân phải biết tiết kiệm vật tư, phải tận dụng mọi thời gian đẩy nhanh tiến độ công trình. Tổ quốc đang trông chờ vào cán bộ công nhân ở đây.

Tôi hứa, tôi sẽ đốc thúc các bộ ngành và tỉnh Hà sơn Bình huy động mọi lực lượng, lương thực thực phẩm cung cấp đầy đủ cho công trường để cải thiện đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, đẩy nhanh tốc độ thi công. Nói đến đây ông dừng lại khi những tràng vỗ tay kéo dài.

Hôm đó là chiều ngày Chủ nhật, khoảng hơn 18 giờ. Các cán bộ từ Hà Nội lên lục đục chuẩn bị ra xe về thì Ông yêu cầu tất cả  quay lại vào họp. Ông nói, các cậu vào đây họp xong giải quyết xong mới về. Ai đói thì có cơm công trường, ai không về được thì công trường bố trí chỗ ngủ.

Trong phòng họp,  có chiếc bàn lớn ở giữa, các bàn nhỏ dài khác kê sát 3 bức tường.  PCTHĐBT Đỗ Mười ngồi ở bàn giữa với Tổng giám Ngô Xuân Lộc, Thứ trưởng Bộ Lao động và thư ký.  PCTHĐBT Đỗ Mười yêu cầu Tổng Giám đốc Công trường Sông Đà báo cáo. Ông Ngô Xuân Lộc đứng dậy cho biết, công trường đã tăng 3 ca 4 kíp nhưng tốc độ thi công vẫn chậm vì thiếu thợ đào hầm, thợ bê tông, thợ hàn, thợ cơ khí, thợ điện, lái xe Benla…

Nghe đến đây, PCTHĐBT Đỗ Mười hỏi cán bộ đại diện Tổng cục đào tạo và dạy nghề: Ông đào tạo đâu ? Nhà nước đã có chủ trương đưa công nhân đi nước ngoài đào tạo thợ lành nghề cho Sông Đà từ lâu.  Vậy ông đưa người đi ra nước ngoài đào tạo cái gì mà đến bây giờ không có thợ chuyên môn cho công trường ?

CB Tổng cục đào tạo và dạy nghề đứng dậy trả lời: Thưa Phó Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, chúng tôi đào tạo từ nghề cơ khí đến nghề linh tinh ạ !

Ông Đỗ Mười quay ngắt lại túm tóc anh cán bộ TCĐT&DN đập xuống bàn, ầm! ầm! ầm! Cả cuộc họp quá bất ngờ, nhiều người đứng dậy xem có chuyện gì. Ông Đỗ Mười rít trong kẽ răng:

Mày ! Mày! Mày báo cáo với Chính phủ, nói với tao thế à ?

Đây, Tổ quốc đây !  Biên giới đang đổ máu kia ! Mọi người đang hy sinh vì đất nước để cho mày ngồi ở Hà Nội phụ trách đào tạo. Mày đào tạo cái gì ? Công trường cần đến công nhân, không có, hỏi mày trả lời : Đào tạo từ nghề cơ khí đến nghề linh tinh !. Thế nào là linh tinh ? À, thằng này: Nhà cho mày đi học nước ngoài trở thành tiến sĩ, ông tiến sĩ về ngồi ở ghế Tổng cục, mày có quyền tuyển công nhân đi đào tạo ở nước ngoài, trước lúc đi nó đút lót mày để học nghề nhẹ nhàng, công nhân về nước nó lại đút lót mày để được làm việc quanh Hà Nội. Khi Nhà nước cần , Công trường cần đến thợ lành nghề có chuyên môn, không có. Mày là quân ăn tàn phá hại. Đất nước không cần loại cán bộ như mày !

Ông Đỗ Mười mặt đỏ gay gắt xông đến định túm cổ áo anh cán bộ một lần nữa  (hình như đó là ông Phó tổng cục trưởng Tổng cục đào tạo và dạy nghề ) nhưng mọi người đã kip giữ ông lại còn anh cán bộ nọ ôm đầu ( hình như có chảy chút máu )  né vào góc phòng. Ông Đỗ Mười ra lệnh cho thư ký làm Quyết định cách chức và đuổi anh cán bộ của TCĐT&DN.

Vâng ! Tôi xin lược kể câu truyện thứ 2 về tính nóng và quyết liệt của nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười lúc đó là thế. Lúc đó mặc dù có máy ảnh nhưng tôi không dám cầm lên để chụp. Câu truyên mà tôi kể trên là một trong 3 câu chuyện không bao giờ quên.

Xin nghiêng mình  kính viếng hương hồn Ông một người suốt cuộc đời vì dân vì nước !

 

Hà Huy ( lược ghi ) 

 

Related Posts