Quốc hội dành gần 455.000 tỷ đồng cho chi thường xuyên năm 2019

BVD – Quốc hội (QH) quyết, năm 2019, tổng chi ngân sách Trung ương hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó chi trả nợ lãi 121.900 tỷ đồng, chi thường xuyên gần 455.000 tỷ, chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế 16.200 tỷ…

 

Quốc hội dành gần 455.000 tỷ đồng cho chi thường xuyên năm 2019

ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh:QH

 

Với hơn 90% đại biểu (ĐB) tham gia tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019.

QH giao tổng thu ngân sách Trung ương hơn 810.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 601.000 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách Trung ương hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó chi trả nợ lãi 121.900 tỷ đồng, chi thường xuyên gần 455.000 tỷ đồng, chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế 16.200 tỷ đồng…

Ngân sách Trung ương năm sau cũng dành hơn 321.300 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Nghị quyết của QH cũng đưa ra tỷ lệ phân chia giữa ngân sách Trung ương và địa phương từ nguồn thu phí đường bộ với ôtô tương ứng 65% và 35%.

Trước khi QH biểu quyết thông qua, trong quá trình thảo luận, có ĐB cho rằng phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 còn “bình quân, dàn đều”, cần tập trung quan tâm với các địa phương khó khăn, thu ngân sách thấp hoặc các dự án đầu tư trọng điểm có sự lan toả…

Giải trình trước QH, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, phân bổ ngân sách được thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó phân bổ chi thường xuyên cho các địa phương đã có ưu tiên cho vùng núi, vùng đồng bằng sông Cửu Long, các dự án trọng điểm…

Vùng đồng bằng sông Cửu Long được phân bổ kinh phí đối với diện tích trồng lúa tương ứng là 889 tỷ đồng, chiếm 70% cả nước; kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa tương ứng là 1.815 tỷ đồng, chiếm 45% cả nước.

Năm 2019, Chính phủ trình QH tăng thêm 2% số bổ sung cân đối so với năm 2017 cho các địa phương; ngân sách Trung ương cũng phân cấp cho địa phương nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết. Hiện số thu xổ số kiến thiết vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 55-60% tổng thu cả nước.

“Trong phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương, Chính phủ đã chú trọng ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án, công trình trọng điểm”, ông Nguyễn Đức Hải nói.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, tại nghị quyết giao Chính phủ, “tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang” để bảo đảm các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia được sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.

Về nợ đọng xây dựng cơ bản, theo báo cáo của Chính phủ, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã bố trí 9.069,305 tỷ đồng để thanh toán nợ từ nguồn ngân sách Trung ương.

Tuy nhiên, hiện số nợ xây dựng cơ bản chưa xử lý dứt điểm đến hết năm 2018 khoảng 2.800 tỷ đồng. Vì thế, Nghị quyết đã bổ sung thêm quy định “xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản”.

 

(thanhtra)

Related Posts