GÓI BÁNH CHƯNG TRƯỚC NGÀY 30 TẾT

BVD – Chiếc bánh chưng có vị thế là nguồn cội văn hóa, từ lâu không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Trước 30 Tết, các gia đình kịp hoàn tất món ẩm thực chỉ có ở Việt Nam.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 1

Chiếc bánh chưng xanh là món không thể thiếu trên mâm cỗ Tết cổ truyền nhiều đời nay của người dân Việt. Món ăn chàng Lang Liêu dâng lên vua cha được làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong là lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng tổ tiên, thể hiện sự hiếu thảo, thương nhớ với nguồn cội, mẹ cha.

Giáp Tết, trong tiết trời lành lạnh lất phất mưa, không khó để bắt gặp hình ảnh nồi bánh chưng đang đỏ lửa, thơm nồng khắp các con ngõ nhỏ của Hà Nội. Cũng trong những ngày này, có một người trẻ đang tất bật sản xuất, đóng gói, biến tấu những chiếc bánh chưng giản dị thành món quà sang trọng, tinh tế ngày đầu xuân.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 2

Chiếc bánh gói cả đất trời tặng gia đình dịp đầu năm

Chiều 27 Tết, gia đình ông Nguyễn Nhật Tĩnh (60 tuổi, ngụ Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức gói bánh chưng tại căn nhà của người mẹ đã mất.

Gần 30 năm nay, cái Tết của 8 anh chị em này sẽ là không trọn vẹn nếu thiếu đi màu xanh của chiếc bánh cổ truyền, không khí vui vẻ sum họp bên bếp lửa hồng, cảm giác háo hức được tự tay làm những món ăn cho mâm cơm đón năm mới.

Từ sáng sớm, đàn ông trong nhà đã tới nhà người quen ở Xuân Đỉnh (Tây Hồ, Hà Nội) để đụng con lợn đặt nuôi từ năm trước.

Sau đó, chú lợn nặng tầm 130 kg, nuôi hoàn toàn bằng cám, bã rượu, được các chị, các mẹ nhanh chóng chia thành 14 phần thịt, chia cho các gia đình.

Cô dâu út chọn phần thịt ba chỉ ngon nhất của con lợn, thái miếng to đều, ướp gia vị, hạt tiêu, dành riêng để gói 150 chiếc bánh.

Cô cho biết phải lựa đúng phần thịt có mỡ thơm ngon, béo ngậy, không lấy thịt nguyên nạc, để khi bánh chín, phần mỡ này sẽ tan vào bánh, quyện với phần nạc mềm và thơm, khiến bánh ngon và dẻo.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 5

Bên cạnh cô, một người khác đang vo gạo. Gạo nếp phải lựa loại hạt dài, chắc mẩy, to đều và thơm mới. Gạo mang vo sạch, ngâm nước khoảng 2 tiếng, sau đó vớt ra xóc với muối vừa ăn, để ráo nước.

Đậu xanh để làm bánh cũng là đậu nguyên lõi, màu vàng óng, không bị thâm để khi đồ lên tơi, bở. Đậu đãi sạch, nấu chín, sau đó nắm tròn thành từng miếng cho vừa cho từng chiếc bánh. Những nhà có trẻ con thì trộn thêm đường vào đậu, gói lấy vài chiếc bánh ngọt hợp miệng.

Phần rửa lá những tưởng đơn giản cũng phải giao cho những người khỏe mạnh. Lá dong bánh tẻ chọn chiếc to đều, không bị rách, có màu xanh đậm. Rau sau khi rửa sạch còn tráng nước sôi để lá dẻo, khi gói xong bánh vẫn xanh nguyên.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 10

Từ cha mẹ và 8 anh em, sau nhiều năm gia đình đã lên tới cả chục người. Nhà nào cũng đông đủ cháu, chắt. Con trai lấy vợ, con gái lấy chồng, tất cả đều tụ họp về đây vào ngày luộc bánh.

Các công đoạn tạo ra những chiếc bánh cũng được “chuẩn hóa”. Người lau lá, người gói, người buộc lạt, người chuyển bánh xếp vào nồi. Tiếng cười nói râm ran của người lớn, tiếng rúc rích của trẻ nhỏ. Niềm vui mùa xuân như lan tỏa trong mọi ngóc ngách của gia đình.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 11
Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 16

Mấy anh em nhắc lại chuyện về bậc sinh thành đã qua đời, về những chiếc bánh được mẹ gói cho ăn vào ngày gia đình còn khó khăn.

Ngày đó, Hà Nội nghèo, cả năm chỉ có cuối tháng Chạp mới có thời gian nghỉ ngơi, chăm lo nhà cửa. Chiếc bánh chưng thưở khó không được đầy đặn như hiện nay, nhưng cha mẹ vẫn cố gắng chuẩn bị cho các con cái Tết có đồng quà, tấm bánh, vài bộ quần áo mới.

Câu chuyện năm cũ cũng được bác cả mang ra nhắc nhở, kèm theo lời dặn dò gia đình nào năm sau cũng phải phấn đấu, cố gắng làm ăn “bằng năm, bằng mười năm trước”.

Vài đứa trẻ con háo hức sà vào lòng ông, bà đòi kể chuyện Vua Hùng, Lang Liêu, sự tích bánh chưng, bánh dày. “Tại sao bánh lại hình vuông, vì sao phải dùng gạo nếp, cớ sao phải phải gói lá dong?”.

“Đó chính là lý do vì sao năm nào nhà này cũng gói bánh. Vừa là để ăn sạch, ăn ngon, nhưng cũng để đám trẻ hiểu và nhớ hơn cái tết nguồn cội. Chiếc bánh chưng được cha truyền, mẹ dạy, giờ đây chúng tôi lại để lại cho con, cháu mình”, ông Tĩnh giải thích.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 19

Sau khi xếp bánh gọn gàng vào 2 chiếc nồi khổng lồ đã xếp cuống lá dong, người con trai út nổi lửa, bắt đầu công đoạn luộc bánh. Trước đó, anh còn cẩn thận che chắn nồi bánh chưng rất kỹ lưỡng bằng những tấm ván, gỗ mỏng dựng xung quanh.

Không khí tết tràn về như hơi thở của đất trời. Nồi bánh chưng không nhằm để “ăn”, mà trở thành cái cớ để giữ lại không khí sum vầy, đầm ấm, ngọt ngào hơn bao giờ hết.

Chiếc bánh tự tay gói dày dặn, vuông đẹp được bày bàn thờ cúng tổ tiên, dành tặng nhau ăn như món quà đầu năm, cũng là mong muốn đại gia đình một năm an bình, vui vẻ, hạnh phúc.

Chiếc bánh làm quà sang trọng, tinh tế

Sinh ra và lớn lên ở quê hương Phú Thọ, vùng trung du đất Tổ của các vua Hùng, Nguyễn Thu Hoài mang trong mình tình yêu với chiếc bánh chưng xanh cổ truyền.

Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, cô gái sinh năm 1990 không đi làm công việc văn phòng mà chọn bán bánh chưng. Cách đây vài năm, Hoài tìm tòi phát triển, sáng tạo ra các loại bánh có nhân lạ, vẻ bề ngoài bắt mắt để trở thành món quà sang trọng ngày đầu năm.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 20

“Tại sao một món ăn mang tính ‘quốc thực’ như bánh chưng lại không được coi trọng, có diện mạo đẹp, xuất hiện trong giỏ quà biếu như các món ăn cổ truyền khác tương tự ô mai, bánh trung thu, mứt tết?”, Thu Hoài đặt câu hỏi.

Với suy nghĩ đó và mong muốn đưa góc nhìn của người trẻ vào một sản phẩm truyền thống, 9X quyết định “nâng tầm” chiếc bánh chưng bằng nguyên liệu chất lượng.

Cô tạo ra những chiếc bánh có màu xanh đặc xanh đặc trưng từ lá giã tay, phủ lên hạt gạo dẻo thơm, có thể là gạo nếp, gạo lứt, gạo nhuộm gấc. Bên trong là nhân thịt lợn trà xanh 100% organic, nhân cá hồi, và đặt cho chúng những cái tên giản dị và “bắt tai” như Bánh nương bắc, Bánh lang liêu.

Thu Hoài còn cùng ekip thiết kế hộp đựng lấy ý tưởng từ ruộng bậc thang, với họa tiết thuần Việt, kèm tấm thiệp là ba chữ Hiếu – Hoài Thương sao cho thật tinh tế và tôn lên giá trị truyền thống.

“Hiếu là hiếu thảo, là tình cảm của con cháu gửi tới ông bà, tổ tiên. Hoài là hoài niệm, là tấm chân tình tặng nhau trong Tết cổ truyền. Thương là thương yêu, là sự tình yêu giữa người với người”, cô chủ giải thích.

Chiếc bánh ra lò bằng phương pháp cổ truyền sau đó được đóng túi, hút chân không, đóng hộp sang trọng kèm hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản, hạn sử dụng, trở thành món quà ý nghĩa để bày lên bàn thờ gia tiên, tặng bạn bè, đối tác thân quý.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 27

Trong quá trình làm và bán bánh, Thu Hoài cũng giúp thương hiệu của mình được Hiệp Hội Doanh Nghiệp vừa và nhỏ cung cấp tem đảm bảo hàng chất lượng, đồng thời có chính sách bảo hành trong trường hợp bánh bị lỗi trong quá trình sản xuất. Một hộp quà như thế có giá lên tới 780.000 đồng.

Sau vài năm kinh doanh, tới Tết Kỷ hợi 2019, cô gái trẻ quyết tâm thuê nhân công, xây dựng xưởng làm bánh rộng 300 m2.

Ngày 29 Tết, mẹ Thu Hoài vui vẻ thông báo với Zing.vn, số lượng bánh được xác nhận sẽ xuất xưởng đã lên tới 30.000 chiếc.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 30

Trong tương lại, mục tiêu của cựu sinh viên Học viên Ngoại giao là mở showroom bán bánh chưng tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương,… và sở hữu cửa hàng phân phối đầu tiên tại nước ngoài trong thời gian sớm nhất.

Bằng tình yêu với một món ăn cổ truyền, tinh thần khởi nghiệp của người trẻ, việc khắt khe về nguyên liệu chế biến và quy trình sản xuất nghiêm ngặt, Thu Hoài đã thành công bước đầu trong việc đưa chiếc bánh chưng trở thành phiên bản quà tặng đậm chất truyền thống nhưng vẫn hợp xu thế.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 31

Gói nghĩa tình, gói yêu thương

Trong tâm thức của đại đa số dân, tết là để nhớ về, là dịp hoài niệm, tổng kết đời sống năm cũ, và đặt hy vọng, chờ đợi cho năm mới.

Bàn thờ được dọn sạch sẽ mời ông bà về quây quần với con cháu. Mâm cỗ đầy đủ “giò nem ninh mọc” mời nhau chén rượu đầu xuân. Nụ mai, búp đào bất ngờ bung sắc báo hiệu tương lai sung túc. Chiếc bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ là thức quà dâng lên tổ tiên báo cáo một năm làm ăn thành công. Tất cả những cảm xúc tâm linh ấy thuộc về đời sống tinh thần, đã trở thành thói quen và truyền thống cần được gìn giữ, kế tục.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 32

“Dân dã thực vị thiên”, dân lấy ăn làm trọng, cuộc sống hiện đại, phát triển, đủ đầy càng khiến con người mong muốn có thêm thời gian và không gian được hưởng thụ ngày Tết, mà ở đó, mâm cỗ xuân hay chiếc bánh chưng tự gói bỗng trở nên thơm ngon và đậm đà hơn.

29 Tết, khắp phố phường Hà Nội, khói bốc lên từ bếp lửa quyện vào nhau, mùi thơm mộc mạc xen lẫn vào mùi nước luộc bánh thơm nức.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 33

Sau cả một ngày vất vả gói gói, buộc buộc, bốn thế hệ nhà cụ Từ ở Xuân Đỉnh quây quần bên nồi bánh chưng đang đỏ lửa đặt ở vườn nhà.

Người lớn thì chuyện trò chuyện Tết, chuyện xóm làng. Có người thò tay thêm củi, có người tranh thủ luộc củ khoai, nướng bắp ngô ăn vui miệng. Mấy đứa trẻ con ngày mai không phải tới trường tha hồ thức đêm, nhảy nhót, đùa nghịch quanh cha mẹ.

Tết sẽ chẳng là Tết nếu thiếu mùi bánh chưng xanh, không khí chộn rộn tất bật, thanh âm của những ngày cuối năm.

Tết của người Việt ngày nay là đoàn viên, sum họp. Hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng trong tiết trời lành lạnh, lất phất mưa xuân sao ấm lòng và bình yên đến lạ.

Đêm 28, bếp nhà anh Thiệp cũng nổi lửa. Nhà anh năm nào cũng gói bánh chưng. Gạo nếp cái hoa vàng, lá rong rừng đã được chuẩn bị mấy ngày. Bánh gói bằng tay 3 lớp lá chặt và chắc. Thời gian ninh bánh nhà anh sẽ dài hơn bình thường để nước không ngấm vào trong, bánh giữ vị nhưng vẫn dền, dẻo.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 38
Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 43

Bé con của anh chị ngày thường đã đi ngủ từ 9-10h, vậy mà hôm nay “phá lệ”, được trông nồi cùng bà và cha mẹ. Ở thành phố, bếp ga, bếp điện đã nhường bếp ngói, tuy gọn gàng và sạch đẹp hơn nhưng cũng kém phần thi vị.

Cái cảnh khói lam chiều vấn vít trong ẩm ướt mưa bụi cũng bớt đi. Nhưng nhà anh Thiệp vẫn quyết giữ hình ảnh quây quần đêm trông nồi bánh.Nấu nướng đơn thuần chỉ là công việc, nhưng cảm giác tận hưởng niềm vui và phong vị Tết mới là đặc quyền thiêng liêng của người con đất Việt.

Trải qua bao đời nay, chiếc bánh chưng nhỏ bé lúc này không chỉ là món ăn thông thường, nó còn là sự hòa quyện tinh tế của đất trời, gói ghém trong mình cả một nền văn mình nông nghiệp lúa nước, hòa quyện giữa các sản phẩm độc đáo của trồng trọt, chăn nuôi, sự khéo léo và tấm chân tình của con cháu vua Hùng.

Chiếc bánh mang theo nghĩa tình, giúp người ta trân quý hơn khoảnh khắc bên nhau mỗi độ xuân về. Đời sống no đủ hơn, bánh chưng, giò chả xuất hiện nhiều hơn, nhưng lại không thể bằng miếng ăn ngày Tết.

Bên nồi bánh chưng chưng xanh chen bước cùng mùa xuân đến với muôn nơi, thấy yêu sao phong vị Tết quê nhà.

Chuyen chiec banh chung truoc ngay 30 Tet hinh anh 46

(Zing)

Related Posts