Mỹ lần đầu trưng vật chứng ‘tố’ Iran đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu

BVD – Mỹ khẳng định các mảnh mìn mà họ thu được tại hiện trường vụ tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman có điểm tương đồng nổi bật với loại mìn mà Iran thường dùng.

Tại buổi họp báo hôm 19/6 ở cảng Fujairah, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Sean Kido, chỉ huy Lực lượng Hải quân của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (NAVCENT) cho biết mỏ limpet (loại mìn hải quân gắn với mục tiêu bằng nam châm) được dùng trong vụ tấn công 2 tàu chở dầu hôm 13/6 rất giống với thiết bị Iran “khoe” trong các cuộc diễu hành của quân đội nước này.

My lan dau trung vat chung 'to' Iran dung sau vu tan cong tau cho dau hinh anh 1

Chỉ huy Lực lượng Hải quân của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ Sean Kido phát biểu trong buổi họp báo. (Ảnh: Getty)

Theo ông Kido, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) đã để sót lại các mảnh vỡ nhỏ và nam châm khi đang cố gắng loại bỏ khối mìn chưa nổ trên tàu chở dầu Kokuka Courageous thuộc sở hữu của Nhật Bản.

Quân đội Mỹ trước đó cũng công bố hình ảnh nhóm người mà họ khẳng định là thuộc IRGC đứng trên một một tàu cao tốc đang cố gắng gỡ bỏ mỏ limpet chưa nổ trên tàu Kokuka Courageous.

Bên cạnh các mảnh vỡ và nam châm, Mỹ còn thu được dữ liệu sinh trắc học của những người gỡ thủy lôi, bao gồm dấu bàn tay và dấu vân tay. Ông Kido cho biết thông tin này có thể được sử dụng để cấu thành một án hình sự.

Iran chưa bình luận về thông tin này nhưng trước đó luôn phủ nhận mọi cáo buộc mà Mỹ đưa ra.

Kokuka Courageous và tàu chở dầu Front Altair thuộc sở hữu của Na Uy bị tấn công khi di chuyển qua vịnh Oman, cách Iran khoảng 40km hôm 13/6. Cả hai tàu đều đang chở đầy các sản phẩm dầu mỏ khi gặp nạn.

Công ty sở hữu Kokuka Courageous nói con tàu bị tấn công bởi 2 vật thể bay nhưng NAVCENT bác bỏ khẳng định này.

“Thiệt hại ở lỗ nổ phù hợp với một cuộc tấn công bằng mỏ limpet chứ không phải là một vật thể bay bên ngoài lao vào con tàu”, ông Kido nói thêm.

My lan dau trung vat chung 'to' Iran dung sau vu tan cong tau cho dau hinh anh 2

 Vết tay lưu lại trên thân tàu chở dầu Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Vị quan chức quân đội Mỹ khẳng định Washington đang làm việc với các đối tác trong khu vực trong một cuộc điều tra chung, nhưng từ chối nêu tên các quốc gia liên quan.

Cuộc tấn công vào các tàu chở dầu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran gia tăng sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với các cường quốc thế giới 1 năm trước.

Iran gần đây tăng gấp 4 lần công suất sản xuất uranium làm giàu cấp độ thấp và đe dọa  tăng dự trữ uranium vượt quá các điều khoản được quy định trong thỏa thuận trong nỗ lực gây áp lực buộc các nước ở châu Âu thực hiện các cam kết theo thỏa thuận.

Trong vài tuần trở lại đây, Mỹ triển khai một nhóm tàu sân bay tới Trung Đông và gửi thêm 1.000 binh sỹ tới khu vực này.

Các diễn biến trên làm dấy lên mối quan ngại về một tính toán sai lầm có thể đẩy 2 nước vào một cuộc xung đột mở 40 năm sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Tehran.

 

(VTC/nguồn RT)

Related Posts