Hiệp định EVFTA: Mù mờ thông tin, hiệu quả sẽ rất thấp

BVD – Theo các chuyên gia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) dù quan trọng với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, tuy nhiên, nếu DN “mù mờ” về thông tin, không nâng cao trình độ quản trị, chắc chắn hiệu quả sẽ rất thấp.

Nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa là thách thức lớn với các DN Việt Nam xuất khẩu sang EU ảnh: Bình Phương
Nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa là thách thức lớn với các DN Việt Nam xuất khẩu sang EU ảnh: Bình Phương

Thách thức về quy tắc xuất xứ

Tại toạ đàm về EVFTA chiều 1/7, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiệp định này sẽ đưa hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU về mức thuế suất 0% sau một lộ trình ngắn. EVFTA-IPA ưu tiên cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào EU.

“Các loại nông sản nhiệt đới, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau củ… của Việt Nam xuất sang EU với thuế quan ưu đãi sẽ mang về thu nhập cao hơn cho nông dân Việt Nam”, ông Lộc nói.

Cùng đó, các sản phẩm gia công như: Giày dép, dệt may…của Việt Nam sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn, mở ra cơ hội việc làm và thu nhập cho khoảng 4,5 triệu lao động Việt Nam, trong đó chủ yếu là lao động nữ và lao động chuyển dịch từ khu vực nông thôn.

Theo ông Lộc, EVFTA sẽ tạo ra sức ép tốt, cải thiện môi trường kinh doanh và thể chế kinh tế Việt Nam theo hướng thị trường, tôn trọng cạnh tranh và quyền tự do kinh doanh, bảo hộ hợp lý tài sản của các nhà đầu tư…

“Đây là điều hơn 700.000 doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trong một giai đoạn chuyển đổi với không ít níu kéo của cơ chế cũ, luôn luôn mong muốn”, ông Lộc nói.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, EVFTA sẽ khiến việc đảm bảo quy tắc xuất xứ là một thách thức lớn với DN Việt Nam. Đơn cử, EU đã cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam trong vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). Tất cả lô thủy sản khai thác từ Việt Nam xuất khẩu sang đều bị phía EU kiểm tra. “Việt Nam đang quyết liệt tìm giải pháp để chấn chỉnh vấn đề trên. Dẫu vậy, cũng cần một lộ trình chuyển tiếp, bởi đây là lĩnh vực liên quan đến hàng nghìn DN cũng như hàng triệu ngư dân”, ông Lộc nói.

Trong khi đó, với ngành dệt may, để tận dụng thuế quan từ hiệp định, bắt buộc công đoạn dệt và may đều ở Việt Nam. Vậy, khi xuất khẩu bùng nổ với số lượng lớn, liệu chúng ta có đảm bảo được cả hai khâu đó diễn ra ở Việt Nam không? Bởi, Việt Nam phải nhập nhiều loại nguyên liệu từ Trung Quốc, các nước ASEAN, Hàn Quốc và các nước châu Á.

Cũng lưu ý về vấn đề xuất xứ, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và  Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, EU hiện vẫn ưu đãi thuế quan thấp hơn cho Việt Nam qua chương trình về quy tắc xuất xứ GSP.

Cần phong trào “Bình dân học vụ” cho DN

Theo ông Minh, EVFTA đã kết thúc đàm phán từ năm 2015, nhưng đến nay, các DN nhỏ và vừa Việt Nam chưa có đủ thông tin cụ thể hơn về hiệp định. Không chỉ EVFTA, nhiều hiệp định trước đó, DN cũng trong tình trạng “đói” thông tin, nên việc tận dụng cơ hội rất hạn chế. “Chính phủ, các hiệp hội cần diễn giải hiệp định và tuyên truyền cho DN kỹ càng hơn nữa về việc này”, ông Hải nói.

Chủ tịch VCCI cho rằng, EVFTA được thiết kế cho các DN vừa và nhỏ, kể cả cho nhà đầu tư từ EU sang Việt Nam và ngược lại. Tuy nhiên, thực tế từ các hiệp định thương mại đã ký kết, DN Việt Nam mới chỉ tận dụng được 40% về thuế quan, nhưng trong 40% đó, DN FDI đã chiếm tới 70%.

Ông Lộc đề xuất với EuroCham thành lập hội đồng DN hỗn hợp VN-EU. Cùng đó, hằng năm sẽ tổ hội nghị thượng đỉnh về kinh tế để cùng rà soát, đánh giá quá trình thực hiện hiệp định, sẽ thành lập liên minh DN giữa Việt Nam và EU trong từng ngành hàng để thúc đẩy hợp tác, giao thương.

Ông Lộc cho rằng, với EVFTA, hy vọng sẽ trở thành hình mẫu trong mô hình hợp tác giữa DN nội và DN ngoại, để Việt Nam không là công xưởng lắp ráp của thế giới.

Bởi, theo Chủ tịch VCCI, một trong những thất bại trong quá trình thu hút đầu tư FDI của Việt Nam là vấn đề chuyển giao công nghệ chưa được thực hiện. “Hiện nay, DN FDI vẫn là ốc đảo và DN nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn cô đơn. Tôi nhiều lần nói, ở cấp Chính phủ đã “kết hôn”, thì các DN cũng phải kết hôn, chứ nếu không sẽ thất bại”, ông Lộc nói.

Do vậy, đào tạo nâng cao trình độ quản trị của DN Việt Nam là tất yếu, nếu không sẽ không có cách nào để kết nối với DN EU. “Sẽ có chương trình đào tạo trực tuyến trên mạng để các DN quan tâm có thể tiếp cận thông tin rộng rãi nhất về EVFTA. DN Việt Nam cũng phải biết rằng, đó là chương tình rất quan trọng, cốt tử. Tôi muốn gọi đó là một chương trình “bình dân học vụ” với DN Việt Nam”.

“Hiện nay DN FDI vẫn là ốc đảo và DN nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn cô đơn. Tôi nhiều lần nói, ở cấp Chính phủ đã “kết hôn”, thì các DN cũng phải kết hôn, chứ nếu không sẽ thất bại”. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

 

(Tienphong)

Related Posts