Bé tử vong trên xe đưa đón Gateway: Không khó phát hiện!

BVD – Loại xe Ford 16 chỗ có chiều dài 3,7m, trên xe thường được lắp thêm gương chiếu hậu nên không khó để phát hiện có người trên xe.

 

Tài xế có nhiều điều kiện để biết có người trên xe

Ngày 7/8/2019, trao đổi với Đất Việt, nhiều tài xế từng điều khiển loại xe Ford Transit 16 chỗ mà bé Lê Hoàng L. (học sinh lớp 1 trường Quốc tế Gateway, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội) bị bỏ quên trên xe dẫn tới tử vong, bày tỏ sự khó hiểu khi tài xế không phát hiện được có người trên xe trong suốt quảng thời gian chừng 8 tiếng đồng hồ.

Anh Trần Văn Kiên (34 tuổi, quê Nam Định) hiện cũng đang lái xe du lịch, loại xe Ford Transit 16 chỗ chia sẻ: “Khoảng cách giữa các ghế trên xe rất gần nhau, trong khi đó độ cao của ghế chỉ chừng 40cm nên tài xế ngồi ghế lái cũng có thể dễ dàng quan sát toàn cảnh bên trong xe thông qua gương chiếu lắp ở đầu xe”.

Đối với trường hợp của bé Lê Hoàng L. mới 6 tuổi, anh Kiên cho rằng: “Chiều cao của cháu bé chừng 1,2m, khi ngồi thì phần thân lên tới đầu vào khoảng 40 – 50cm. Như vậy, đầu của cháu bé chắc chắn sẽ nhô cao so với ghế đằng trước. Không có lý gì tài xế hoặc người phụ xe đi cùng lại không nhận ra. Đó là chưa kể, nếu cháu L. tỉnh táo thì còn trò chuyện, nô nghịch…”.


Trong trường hợp L. ý thức được việc mình bị bỏ lại trên xe thì bé học sinh này có tự mở kính để nhờ sự trợ giúp của người khác được hay không?Hơn nữa, trên xe khi đó còn có nhiều bạn học sinh khác. Với độ tuổi học lớp 1, chắc chắn các bé đã ý thức được việc đi học, muộn giờ học hay rời khỏi xe đưa đón để vào lớp… Tất cả những điều đó nói lên rằng, tài xế có quá nhiều điều kiện phát hiện có người ngồi lại trên xe chỉ trong một thời gian ngắn.

Để trả lời câu hỏi này, anh Kiên cho biết, loại xe Ford Transit 16 chỗ không mở được cửa kính ngoại trừ 2 cửa nhỏ phía bên trên xe. Việc mở được hai cửa này đòi hỏi phải là người hiểu về việc vận hành chiếc xe đó, một em bé khó lòng có thể mở được.

Tuy nhiên, anh Kiên cho rằng, bé L. hoàn toàn có thể ý thức được việc mình bị nhốt lại, từ bên trong đập cửa kính để nhờ sự trợ giúp từ những người xung quanh. Nếu chiếc xe Ford Transit 16 chỗ đừng ở nơi đông người, chắc chắn sẽ có người phát hiện ra có ai đó bị kẹt lại bên trong.

Điểm mấu chốt

Theo lời kể của người đi theo xe đưa đón học sinh cùng với tài xế sáng ngày 6/8/2019, khi bé L. lên xe học sinh này ngồi ở hàng ghế cuối.

Tuy nhiên, người bảo vệ bế bé L. ra khỏi xe đi cấp cứu lúc hơn 16h lại kể rằng L. nằm bất tỉnh dưới sàn xe ở ngay hàng ghế phía sau tài xế.

Như vậy, tài xế điều khiển xe ít nhất có 2 lần để phát hiện ra việc L. có ở trên xe hay không, đó là lúc đón cháu bé tại tòa nhà Trung Yên Plaza và lúc lên xe trở về trường Gateway đón học sinh.Thông tin từ đại diện Trường Quốc tế Gateway cho biết thêm, nhà trường ký hợp đồng với một đơn vị làm dịch vụ vận chuyển. Chiếc xe chở bé L. sau khi đưa đón học sinh đến trường vào sáng ngày 6/8/2019 thì di chuyển đến nơi khác rồi chiều mới quay trở lại trường để tiếp tục đón học sinh.

Nhận định về tình tiết này, luật sư Nguyễn Văn Thành – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, điểm mấu chốt của sự việc là vị trí của bé L. trong lời khai của người theo xe đưa đón học sinh và bảo vệ trường Gateway.

“Hai vị trí có sự xê dịch, điều đó chứng tỏ khi ở bên trong xe bé L. đã di chuyển. Hoặc có thể đặt ra giả thiết bé L. bị ngất dưới sàn xe ở vị trí khác, khi xe di chuyển thì thân thể cháu bị di chuyển khiến va đập dẫn tới vết thương ở vùng đầu như kết quả giám định pháp ý đã chỉ ra.

Nếu L. nằm dưới sàn xe ngay phía sau ghế lái của tài xế thì lúc lên xe, không có lý do gì tài xế lại không biết. Vì một trong những nguyên tắc, thói quen của tài xế điều khiển xe ô tô khi lên xe là thắt dây an toàn, quan sát xung quanh và bên trong xe thông qua gương chiếu hậu” – ông Thành cho biết.

Trong sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Thành cho rằng, tất cả các bên từ phía nhà trường, người phụ xe đưa đón học sinh và lái xe đều có lỗi. Còn mức độ lỗi như thế nào thì cần cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.

(datviet)

 

Related Posts