NGƯỜI VIỆT ĐI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI – ‘SAO EM TIN GIẤC MỘNG ĐỔI ĐỜI TỪ KẺ XA LẠ?’

BVD – Ai cũng quan niệm rằng thà cắn răng chịu đựng đi vượt biên khổ sở một chút, rồi cuộc sống sẽ sang trang. Thế nhưng, thực tế thì thường nghiệt ngã, có khi là tàn khốc.

Sao tham kich 39 nguoi chet o Anh lai xay ra? hinh anh 2

Sao tham kich 39 nguoi chet o Anh lai xay ra? hinh anh 3

Mimi Vũ

Chuyên gia chống buôn người

Mimi Vũ là chuyên gia người Mỹ gốc Việt về lĩnh vực chống buôn người, đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam được 13 năm. Bà từng là Giám đốc vận động chính sách của tổ chức chống buôn người Pacific Links (Mỹ). Trong vụ 39 thi thể ở Anh, bà được nhiều cơ quan truyền thông uy tín như Washington Post, BBC, Reuters trích dẫn ý kiến. Đây là bài viết riêng của bà cho Zing.vn.

“Sao em quyết định bỏ lại vợ con, người thân ở Việt Nam, bỏ đi xa xứ mà chẳng biết khi nào có cơ hội trở về, rồi vay nợ số tiền cả nghìn USD, chỉ vì tin vào giấc mộng đổi đời từ những kẻ xa lạ nào đó rỉ tai?”

Đó là câu hỏi quen thuộc mỗi khi tôi có dịp nói chuyện với các di dân Việt Nam bị cảnh sát Pháp tạm giam tại khu vực gần biên giới với Anh. Câu trả lời cũng đã quen thuộc đến mức tôi nằm lòng: Họ đi vì muốn đổi đời, vì muốn có một tương lai tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, ngay cả khi biết trước những gì họ sẽ nói, điều đó cũng không làm giảm bớt đi nỗi buồn, xen lẫn cả sự tức giận và thất vọng trong tôi.

Người Việt là một trong những mục tiêu các mạng lưới buôn người nhắm đến ở châu Á, với khoảng 80% nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc làm cô dâu nước ngoài hoặc gái mại dâm. Campuchia và Malaysia cũng là hai nơi người Việt bị bán sang nhiều nhất.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, câu chuyện còn đáng buồn hơn khi nhiều người từ các tỉnh phía bắc chọn con đường vượt biên sang châu Âu và tìm cách nhập cư trái phép vào Anh. Phần lớn những người này đều ở độ tuổi thanh niên, bao gồm cả nam và nữ.

Ai cũng quan niệm rằng thà cắn răng chịu đựng đi vượt biên khổ sở một chút, rồi cuộc sống sẽ sang trang khi đặt chân thành công vào Anh.

“Tại sao thảm kịch đau lòng này lại xảy ra” là điều tôi được hỏi nhiều nhất khi tin tức về vụ việc tại Essex (Anh) phủ sóng truyền thông quốc tế. Đó cũng là điều khiến tôi trăn trở mãi trong suốt 6 năm giữ vị trí giám đốc vận động của tổ chức Pacific Links Foundation ở Việt Nam, chuyên hoạt động về chống buôn bán người.

Đây không phải là lần đầu tiên những thảm kịch như thế xảy ra. Song vấn đề nằm ở chỗ: Còn rất nhiều trường hợp riêng lẻ qua đời nơi đất khách quê người và cha mẹ nạn nhân sẽ không tiết lộ với người ngoài về nguyên nhân cái chết của con mình.

Cứ thế, không ai trong số những người ở nhà hiểu được nguồn cơn của những cái chết đến từ các hiểm nguy đầy rẫy trên con đường nhập cư bất hợp pháp này.

Ai cũng quan niệm rằng thà cắn răng chịu đựng đi vượt biên khổ sở một chút, rồi cuộc sống sẽ sang trang khi đặt chân thành công vào Anh.

Thế nhưng, thực tế thì thường nghiệt ngã, có khi là tàn khốc.

NẾU BIẾT SỰ THẬT, CHA MẸ SẼ KHÔNG ĐỜI NÀO ĐỂ CON ĐI

Giai đoạn thập niên 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã gửi hàng nghìn công nhân và sinh viên đến Liên Xô, Ukraine, Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania, Hungary, Bulgaria và nhiều nước khác. Từ đó, cộng đồng người Việt dần được thành lập và phát triển tại nước ngoài. Người Việt xa xứ bắt đầu gửi tiền về cho các gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng.

Đến tận ngày nay, nguồn tiền từ kiều bào nước ngoài vẫn đóng phần nào vai trò trong việc thúc đẩy kinh tế ở địa phương lẫn kinh tế Việt Nam nói chung. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, Việt Nam đứng thứ 9 toàn cầu về giá trị kiều hối, với 16 tỷ USD (tăng 2 tỷ USD từ năm 2017), chiếm gần 7% GDP của cả nước.

Những cò mồi liên tục vẽ ra một tương lai tươi đẹp ở nước ngoài, với lời hứa hẹn về quá trình vượt bên êm thấm và công việc được đảm bảo cho người dân.

Trong 3-4 thập kỉ gần đây, minh chứng cho sự “thành công” khi đi lao động ở nước ngoài vẫn được đong đếm bằng sự xuất hiện của nhà cao cửa rộng, xe máy và ôtô tại những ngôi làng nghèo.

Mặc dù bộ mặt của nền kinh tế Việt Nam bây giờ đã khác rất nhiều so với những năm 1980, 1990, thực tế vẫn tồn tại sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, hệ quả của việc phát triển không đồng đều.

Những người dân vốn không được tiếp cận với giáo dục phổ thông, đào tạo nghề hay cơ hội việc làm trở nên mất lòng tin về một cuộc sống tốt đẹp, công ăn việc làm ổn định ở quê nhà.

Và từ đó, họ trở thành mục tiêu của các nhóm tội phạm buôn người.

Về cơ bản, nạn buôn người có cách thức vận hành như các hoạt động kinh doanh vận chuyển và cung ứng khác, khi “sản phẩm” được mang từ thị trường này sang thị trường khác, trao từ tay kẻ bán sang tay người mua.

Trên thực tế, mạng lưới buôn người phi pháp hoạt động rất nhiều ở Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh khác. Những cò mồi tại quê nhà liên tục vẽ ra một tương lai tươi đẹp ở nước ngoài, với lời hứa hẹn về quá trình vượt bên êm thấm và công việc được đảm bảo cho người dân.

Dọc đường đi, sẽ có những người khác dẫn đường, giúp người lao động di chuyển trót lọt từ Việt Nam đến Anh qua các tuyến đường khác nhau.

Mạng lưới này bao gồm các kẻ cho vay tiền, tài xế, người giả mạo giấy tờ, chủ nhà tạm thời tại mỗi điểm quá cảnh; các nhóm buôn người ở châu Âu; những người Việt ở Nga, Đông Âu, Tây Âu và Anh.

Con đường phổ biến nhất là bay từ Hà Nội sang Nga hoặc đi qua Trung Quốc bằng đường bộ, điểm cuối là tập hợp tại các trại di dân ở miền bắc nước Pháp, rồi từng ngày chờ đợi cơ hội nhảy xe tải vào Anh. Tuyến đường này thường đi qua các cộng đồng người Việt di cư ở Moscow, Kiev, Prague, Berlin, Paris và các thành phố khác.

Tuy nhiên, do tình hình biên giới ở châu Âu đang được siết chặt, những kẻ buôn người đã tìm cách lách luật, chẳng hạn như cho người di cư bay đến Panama hoặc Haiti dưới vỏ bọc khách du lịch, rồi lợi dụng vé khứ hồi về Việt Nam để quá cảnh ở Tây Ban Nha hoặc Pháp.

Khi quá cảnh tại châu Âu, nhóm di dân được yêu cầu tiêu huỷ hộ chiếu và khai báo là dưới 18 tuổi. Năm ngoái, theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tại Pháp, Việt Nam là quốc gia đứng đầu (chiếm 35%) số lượng thanh thiếu niên tự nhận không có người thân đi kèm tại sân bay Charles de Gaulle, Paris.

Hành trình của di dân kéo dài nhiều tháng và lắm khổ ải, cực nhọc, đặc biệt nếu đi bằng đường bộ. Người lao động Việt Nam sẽ bị giữ trong những ngôi nhà tạm bợ hàng tuần, hàng tháng trước khi được lệnh lên đường, di chuyển từ nước này sang nước khác bằng cách vượt núi, băng rừng.

Theo kết quả phỏng vấn chúng tôi thực hiện với các tổ chức phi chính phủ và cơ quan luật pháp từ Pháp, Séc, Ba Lan và Ukraine, những mạng lưới buôn người thường cấu kết với người dân tộc tại Kiev hoặc Chechens để dẫn đường cho di dân Việt Nam đi xuyên châu Âu.

Di dân Việt Nam dễ bị bóc lột trên đường đi, như cưỡng bức lao động, bù vào số tiền phải chi trả cho bọn buôn người. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em dễ trở thành nạn nhân của lạm dụng, tấn công tình dục.

Một nhân viên xã hội ở Đức tiết lộ với tôi rằng trong suốt hơn 30 năm giúp đỡ cộng đồng người Việt di cư, cô hầu như lần nào cũng tiếp xúc với một phụ nữ Việt bị cưỡng hiếp hay bóc lột tình dục trên đường vượt biên.

Số tiền để trả cho nhóm buôn người dao động từ 10.000 – 50.000 USD. Mức giá thấp nhất dành cho những người chịu cảnh đi bộ và mất nhiều thời gian. Người chịu chi nhiều tiền hơn thì được đi máy bay sang châu Âu.

Những nước mắt, tủi nhục và thực tế nghiệt ngã về cuộc sống trốn chui trốn lủi ở Anh hầu hết được di dân Việt giữ kín, không dám hé một lời với gia đình vì sợ bố mẹ lo lắng, mất mặt.

Song bất kể các mức giá phải trả có chênh lệch nhau đến đâu, các di dân vẫn phải chịu cảnh sống trong những trại di cư tạm bợ, ẩm thấp bên bìa rừng nước Pháp, chờ đợi nhảy xe container vào ban đêm, đánh cược với may rủi để đặt chân vào Anh.

Rủi ro và gánh nặng đồng thời đặt lên vai những con người đáng thương này, khi ai cũng có suy nghĩ ăn sâu rằng mình không còn đường lùi: Họ không những cần trả hết số nợ lớn mà còn phải gửi tiền về nuôi gia đình ở Việt Nam.

Những nước mắt, tủi nhục và thực tế nghiệt ngã về cuộc sống trốn chui trốn lủi ở Anh hầu hết được di dân Việt giữ kín, không dám hé một lời với gia đình vì sợ bố mẹ lo lắng, mất mặt.

Ai cũng chỉ canh cánh và ám ảnh một điều: gửi tiền về nhà.

Ngay cả khi người Việt đặt chân thành công vào Anh, họ vẫn đối mặt với việc bị bóc lột. Kịch bản phổ biến vẫn thường diễn ra là các lao động này chịu cảnh bị vắt kiệt sức trong các tiệm làm móng hoặc rửa xe, nơi họ phải làm việc không công trong ít nhất hai năm để trả hết số nợ ban đầu cộng với tiền lãi.

Hoặc người Việt sẽ được chuyển đến các trại trồng cần sa trái phép, nơi họ bị đối xử như nô lệ và không được phép ra khỏi nhà. Không giấy tờ tùy thân, những con người này chỉ biết làm việc mỗi ngày, không giao tiếp với bất kỳ ai, cố gắng tránh sự truy quét của cảnh sát. Một cuộc sống hoàn toàn trong bóng tối.

Tất cả đều trái ngược với viễn cảnh đẹp đẽ mà những người kẻ buôn người đã thêu dệt nên trước đó. Nếu biết được sự thật này, các bậc cha mẹ ở nhà sẽ không đời nào muốn con mình chịu đựng một cuộc sống nghiệt ngã như vậy.

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI SANG LÀM VIỆC, SAO NGƯỜI VIỆT LẠI BỎ ĐI?

Nạn buôn người liệu có khả năng chấm dứt? Theo tôi là có. Tất nhiên, vấn nạn này không thể giải quyết bằng hành động đơn phương độc mã của một cá nhân nào đó mà buộc phải là tổng hòa của nhiều yếu tố.

Nó đòi hỏi sự chung tay từ chính phủ Việt Nam, chính phủ Anh, nhiều nước châu Âu khác cùng với các nhà lãnh đạo cộng đồng, các cơ quan thi hành luật pháp, các tổ chức phi chính phủ, phụ huynh, giáo viên.

Người dân cần được cho thấy rằng làm việc tại quê nhà đem lại cho chính họ và gia đình nhiều lợi ích hơn là phải tha hương.

Nhiều giải pháp cần được thực thi. Người dân cần được cho thấy rằng làm việc tại quê nhà đem lại cho chính họ và gia đình nhiều lợi ích hơn là phải tha hương.

Tôi vẫn thường giải thích với những di dân và cả cha mẹ họ rằng làm việc và tiết kiệm tiền ở Việt Nam dễ dàng hơn nhiều vì chi phí sinh hoạt thấp. Song, họ luôn một mực phủ nhận không thể duy trì cuộc sống ở quê nhà vì có nhiều cám dỗ như nhậu nhẹt, tiêu xài phù phiếm.

Cơ hội việc làm ở Việt Nam vẫn luôn tồn tại, song việc giúp người dân tiếp cận các cơ hội này vẫn hời hợt và chưa hiệu quả.

Khu vực kinh tế tư nhân cần làm việc với các tổ chức vận động, cộng đồng địa phương và chính phủ để làm cầu nối giữa người lao động và người tuyển dụng.

Nếu người Việt chọn xuất khẩu lao động, chính quyền cần xây dựng chính sách để đảm bảo việc đi ra nước ngoài diễn ra an toàn và hợp pháp thông qua các chương trình trao đổi chính thức dành cho cả lao động – cả trình độ lẫn không có kỹ năng.

Anh và các nước châu Âu cũng cần thắt chặt quản lý các tiệm nail, rửa xe của người Việt. Các cơ quan pháp luật tại Việt Nam, các quốc gia nằm trên tuyến đường di dân cần phối hợp chia sẻ thông tin và hợp tác tốt hơn với nhau để ngăn chặn các nhóm tội phạm buôn người.

Các tổ chức phi chính phủ ngăn chặn nạn buôn người ở Việt Nam, hỗ trợ người di cư Việt Nam ở Anh và châu Âu cũng cần nhận được nguồn tài trợ nhiều hơn.

Người Việt nên là những người được hưởng lợi nhất từ chính quê hương mình.

Đi lao động nước ngoài để có tương lai tốt đẹp hơn. Câu nói ấy phản ánh một sự thật trớ trêu tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đất nước vẫn đang trên đà phát triển với tốc độ nhanh chóng và còn trở thành nơi nhiều người nước ngoài – từ Anh và châu Âu – tìm đến để làm việc.

Thật đáng tiếc nếu điều đầu tiên người nước ngoài liên tưởng đến người Việt lại chỉ là buôn bán người trái phép, trồng cần sa hoặc đi làm gái mại dâm.

Bố mẹ tôi, người gốc Thái Bình và Hà Nội, đã nuôi dạy tôi trở thành người phụ nữ mạnh mẽ và tự hào về cội nguồn. Tôi cũng hiểu rõ về truyền thống hy sinh vì gia đình của người Việt và chính vì thế, tôi dành nhiều tâm huyết để đấu tranh nạn buôn người cũng như các vấn đề xã hội khác.

Tôi làm vậy không phải vì muốn “cứu rỗi” ai, mà chỉ bởi một niềm tin: Người Việt nên là những người được hưởng lợi nhất từ chính quê hương mình.

Chúng ta không thể phớt lờ nạn buôn người và việc người dân của nước mình bị lạm dụng. Nỗi đau của những phụ huynh có con cái bỏ mạng trong chiếc xe tải ở Essex là nỗi đau thuộc về cả một quốc gia, không phải của một cá nhân, một gia đình riêng lẻ nào.

 

(Zing)

Related Posts