Hai nguyên nhân chủ quan gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP HCM

BVD – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà nhận định vấn nạn ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thời gian qua là do các nguyên nhân chủ quan từ con người, một phần còn lại bắt nguồn từ khí hậu và môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

 

Chiều 19/12, Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp gấp với các bộ, ngành, địa phương về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, TTXVN đưa tin.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mặc dù các cấp quản lý đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình, tuy nhiên diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe người dân.

Từ các trạm quan trắc ở thành phố Hà Nội, trạm quan trắc quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, và 2 trạm quan trắc của Đại sứ quán Pháp, từ năm 2013 đến 2019, các thành phần quan trắc cho thấy bụi mịn gia tăng, còn các thông số khác như SO2, CO… cho thấy vẫn trong quy chuẩn cho phép.

Về những nguyên nhân có thể gây ra ô nhiễm không khí, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ và địa phương đang phân tích và đã nhận diện được các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, tuy nhiên chưa tìm ra được nguyên nhân chính.

Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ô nhiễm không khí là do sự gia tăng số lượng các phương tiện giao thông, ngoài ra cả hai thành phố đang có hơn 1.000 công trình xây dựng.

Bên cạnh đó, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có số lượng các nhà máy ven đô tăng nhanh. Ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có hơn 900 nhà máy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công cũng gây ô nhiễm.

“Riêng ở Hà Nội có một số nguyên nhân khác, đó là tình trạng đốt rơm rạ. Đây là nguồn gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong, tôi không ngờ con số lại lớn như vậy”, ông Trần Hồng Hà cho biết.

Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan chức năng tập trung nguồn lực, lực lượng để duy trì các trạm quan trắc tự động, cung cấp hàng ngày số liệu chính xác về chất lượng không khí cho người dân. Nếu chất lượng không khí ở ngưỡng nguy hại cần ngay lập tức có khuyến cáo để người dân thực hiện các biện pháp giữ gìn sức khỏe theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đồng thời, Hà Nội cần có ngay kế hoạch tiến hành phun nước rửa đường định kỳ hàng ngày, xem xét điều tiết các luồng giao thông ở những khu vực vượt ngưỡng ô nhiễm không khí, khuyến cáo người dân hạn chế và bỏ sử dụng bếp than tổ ong.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn; khẩn trương đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ GTVT chủ trì, đề xuất mức tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội từng thời kỳ; tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy tham gia giao thông tại các thành phố… UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường; di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm, có nguồn phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị, theo báo Người Lao Động.

(ngaynay)

Related Posts