Lễ duyệt binh hoành tráng của Nga giữa đại dịch Covid-19

Hai thông điệp Nga phát đi từ lễ Duyệt binh Chiến thắng

Lễ duyệt binh hoành tráng trên Quảng trường Đỏ giúp nâng cao tinh thần người Nga giữa Covid-19, đồng thời củng cố hình ảnh Putin trước trưng cầu dân ý.

Quân đội Nga hôm 24/6 tổ chức lễ duyệt binh quy mô với sự tham gia của hơn 14.000 quân nhân cùng gần 300 phương tiện cơ giới, máy bay quân sự để kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng Đức quốc xã. Đây được đánh giá là một trong những lễ duyệt binh hoành tráng nhất của Nga, bất chấp việc nước này đang là vùng dịch Covid-19 lớn thứ ba thế giới với gần 600.000 người nhiễm nCoV, trong đó gần 8.400 người đã chết.

Ảnh hưởng từ Covid-19 buộc chính phủ Nga lùi lễ duyệt binh, vốn được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 9/5, sang ngày 24/6, thời điểm diễn ra cuộc Duyệt binh Chiến thắng đầu tiên trên Quảng trường Đỏ năm 1945. Theo giới phân tích, việc Nga quyết tâm tổ chức lễ duyệt binh đông người, thay vì hủy như kế hoạch ban đầu, phát đi hai thông điệp quan trọng.

Thứ nhất, lễ duyệt binh quy mô lớn, trong đó tất cả binh sĩ, quan chức tham dự đều không đeo khẩu trang, sẽ củng cố thông điệp của chính phủ Nga rằng Covid-19 đang trong tầm kiểm soát.

Trong lễ duyệt binh, ngay cả các cựu chiến binh ngoài 80-90 tuổi ngồi cùng lễ đài với Tổng thống Vladimir Putin cũng hầu hết không đeo khẩu trang. Ông chủ Điện Kremlin dường như hy vọng hình ảnh này, cùng sự xuất hiện của những khí tài hiện đại trong lễ duyệt binh, sẽ góp phần cải thiện tinh thần người dân Nga sau nhiều tháng chống chọi Covid-19, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua.

Tổng thống Nga đã nhấn mạnh vai trò của Liên Xô trong việc giải phóng châu Âu và đánh bại Đức quốc xã. “Không thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Hồng quân Liên Xô không đứng lên bảo vệ thế giới khỏi chủ nghĩa phát xít”, ông cho biết trong bài phát biểu trước lễ duyệt binh.

Không có nhiều lãnh đạo nước ngoài có mặt trong sự kiện, chỉ có sự hiện diện của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, Tổng thống Moldova Igor Dodon và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhiều nguyên thủ từng dự kiến tham gia Duyệt binh Chiến thắng ngày 9/5, nhưng việc chương trình bị lùi lại khiến họ không thể đến Nga.

Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đang đối đầu tại biên giới, cử bộ trưởng quốc phòng và lực lượng tham gia duyệt binh, trong đó khối binh sĩ Trung Quốc có quy mô lớn nhất trong các nước gửi quân.

Nhiều thành phố Nga cũng tổ chức Duyệt binh Chiến thắng, bắt đầu từ vùng Kamchatka ở Viễn Đông và kết thúc tại vùng lãnh thổ Kaliningrad ở phía tây.

Tổng thống Putin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu sau lễ duyệt binh hôm 24/6. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Putin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu sau lễ duyệt binh hôm 24/6. Ảnh: Reuters.

Dù Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin khuyến cáo cư dân thủ đô xem duyệt binh qua truyền hình, hàng nghìn người vẫn đổ xuống đường để chứng kiến trực tiếp các lực lượng duyệt binh, dù quy mô không lớn như mọi năm.

Yelena Loginova, nhà tâm lý 36 tuổi, cho biết cô không tuân theo khuyến cáo của giới chức vì “xem duyệt binh trực tiếp thú vị hơn nhiều”. “Bạn lập tức có cảm xúc khác hẳn với xem trên truyền hình. Bạn có thể cảm nhận trực tiếp khi những xe cơ giới hạng nặng đi qua. Mặt đường rung chuyển ngay dưới chân bạn”, cô cho hay.

Loginova và con trai đã vượt quãng đường 800 km từ thị trấn Yoshkar-Ola để tới Moskva theo dõi cuộc duyệt binh. Cô đeo khẩu trang và cho biết mình không nghĩ tới nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi đứng giữa đám đông trên phố.

Cảm xúc của những người dân như Loginova cho thấy cuộc duyệt binh là biện pháp hiệu quả để khơi dậy niềm tự hào quốc gia của Nga trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giúp người dân tạm thời quên đi nỗi mệt mỏi và u ám vì Covid-19.

Nga hôm 24/6 ghi nhận 7.176 ca nhiễm nCoV mới. Đà tăng mỗi ngày đã giảm xuống dưới 10.000 từ tháng 5, nhưng giới chức y tế cảnh báo cuộc chiến với Covid-19 tại Nga còn lâu mới kết thúc. Hai thành viên phái đoàn Kyrgyzstan có kết quả xét nghiệm dương tính nCoV ngay trước sự kiện, khiến Tổng thống Sooronbay Jeenbekov không thể có mặt tại lễ đài.

Niềm tự hào dân tộc đó rất quan trọng với Tổng thống Putin, trong bối cảnh Nga sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp sửa đổi sẽ diễn ra vào ngày 1/7. Hiến pháp sửa đổi lần này có những điều khoản rất quan trọng, trong đó có việc “tính lại” nhiệm kỳ tổng thống trước đây, cho phép Putin có thể nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ 6 năm nữa, sau khi nhiệm kỳ thứ tư hiện nay của ông kết thúc vào năm 2024.

“Tôi không loại trừ khả năng ra tranh cử, nếu điều đó được hiến pháp cho phép. Hãy xem chuyện gì sẽ xảy ra”, Putin tuyên bố trên truyền hình hôm 21/6, đề cập đến khả năng ông tiếp tục lãnh đạo nước Nga tới năm 2036.

Putin cũng khẳng định rằng những thay đổi trong hiến pháp đã được quốc hội và Tòa án Hiến pháp Nga thông qua chỉ có hiệu lực khi được đa số người dân ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.

Tuy nhiên, cách chính phủ Nga ứng phó với Covid-19 và tình hình kinh tế ảm đạm trong những tháng qua đã khiến tỷ lệ ủng hộ Putin rơi xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Cuộc thăm dò độc lập do Levada tiến hành hồi tháng 4 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Putin đang ở mức 59%, thấp chưa từng có.

Trong những lần Nga phô diễn sức mạnh quân sự trước đây, như chiến dịch can thiệp ở Syria, tỷ lệ ủng hộ Putin luôn tăng chóng mặt. Điện Kremlin dường như hy vọng việc thể hiện hình ảnh một nước Nga hùng cường thông qua sự xuất hiện của các khí tài hiện đại trong lễ duyệt binh sẽ tạo ra hiệu ứng tương tự.

Điều đó có thể góp phần cải thiện hình ảnh của Putin trong mắt cử tri Nga, cũng như đảm bảo tỷ lệ người tham gia trưng cầu dân ý cao hơn, bất chấp Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Phe đối lập tại Nga chỉ trích Tổng thống Putin đánh cược với sức khỏe cộng đồng nhằm chiếm vị trí trung tâm trong màn phô diễn sức mạnh quân sự, cũng như thu hút ủng hộ trước cuộc trưng cầu dân ý. Điện Kremlin chưa bình luận với cáo buộc này.

Lính Nga diễu qua lễ đài trong Duyệt binh Chiến thắng sáng 24/6. Ảnh: Reuters.

Lính Nga diễu qua lễ đài trong Duyệt binh Chiến thắng sáng 24/6. Ảnh: Reuters.

Liên Xô mất hơn 27 triệu binh sĩ và dân thường trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Putin nhiều lần nhấn mạnh chiến thắng trong cuộc chiến này là dấu mốc quan trọng thể hiện bản sắc của nước Nga, đồng thời là vũ khí công kích những luận điệu chống Moskva từ phương Tây.

Dù khẳng định nước Nga “sẽ không bao giờ quên đóng góp của các đồng minh dẫn tới chiến thắng chung”, ông chủ Điện Kremlin vẫn đưa ra thông điệp cứng rắn nhằm vào giới lãnh đạo phương Tây.

“Hãy nhớ rằng người dân Liên Xô đã chịu phần lớn gánh nặng trong cuộc chiến với Đức quốc xã. Chúng ta đã đánh bại kẻ thù tàn ác và tồi tệ, nghiền nát hơn 600 sư đoàn, phá hủy 75% tổng số máy bay, xe tăng và pháo binh địch, sau đó đi trên con đường chính nghĩa và hy sinh vô hạn tới chiến thắng cuối cùng. Đó là sự thật rõ ràng về cuộc chiến”, Putin nói.

Vũ Anh (Theo NY Times)

Related Posts