BVD – ĐIỂM TIN ĐẠI DỊCH TRÊN TOÀN THẾ GIỚI NGÀY 01/09/2020: hơn 25,6 triệu ca nhiễm, 854.000 người tử vong

BVD – Đến 6 giờ sáng ngày 01/09/2020, toàn cầu ghi nhận hơn 25,6 triệu người nhiễm, hơn 854.000 người chết do nCoV, ca nhiễm đang tăng ở nhiều nước sau thời gian ngắn dịch bệnh ổn định.

213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 25.614.898 ca nhiễm và 854.036 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 238.756 và 3.792 ca sau 24 giờ, trong khi 17.915.732 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.

Tính đến 06h57, 1/9/2020, nguồn: WorldOMeters: 

BẮC MỸ: 7.360.359; CHÂU Á: 7,090,035; NAM MỸ: 6,318,385; CHÂU ÂU: 3,582,164 ; CHÂU PHI: 1,257,316

 VIỆT NAM:

Sáng nay, 01/09, Việt Nam không có ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm hiện tại là 1.044 ca, trong đó đã có 707 người được điều trị khỏi bện, 34 ca tử vong. 
MỸ: 
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.208.875 ca nhiễm và 187.677 người chết, tăng lần lượt 36.825 và 465 ca so với một ngày trước đó. Nhiều trường đại học tại đây bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao, chỉ vài ngày sau khi học kỳ mùa thu khai giảng.

Stephen Hahn, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), hôm 30/8 tuyên bố chuẩn bị cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covid-19 trước khi kết thúc thử nghiệm Giai đoạn ba trên hàng nghìn người. Chuyên gia y tế Mỹ phản đối đề xuất này, nói rằng họ tuyệt đối không dung thứ hay chấp nhận cho phép sử dụng khẩn cấp bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào mà không có dữ liệu đáng tin cậy về tính an toàn và hiệu quả từ thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba.

Tại Brazil,

Đây là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, số ca tử vong tăng lên 121.381 sau khi ghi nhận thêm 485 trường hợp. Ca nhiễm tại nước này tăng 45.961 trong 24 giờ qua, lên 3.908.272.

Joao Doria, thống đốc bang Sao Paulo, nơi đang thử nghiệm vaccine tiềm năng của Trung Quốc, cho biết bang này sẽ tiêm chủng cho người dân ngay cả khi chính phủ liên bang từ chối giúp đỡ.

Bất chấp nhiều ý kiến chỉ trích về cách ứng phó Covid-19, Tổng thống Jair Bolsonaro bất ngờ nhận được sự ủng hộ cao kỷ lục kể từ đầu nhiệm kỳ. Bolsonaro luôn xem nhẹ Covid-19 và bác lời khuyên của giới khoa học, cho rằng phải nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế.

Tình nguyện viên phát thức ăn cho người dân tại khu vực bị áp hạn chế ngăn Covid-19 ở Kathmandu, Nepal hôm 31/8. Ảnh: AFP.
 

Tình nguyện viên phát thức ăn cho người dân tại khu vực bị áp hạn chế ngăn Covid-19 ở Kathmandu, Nepal hôm 31/8. Ảnh: AFP.

Mexico, vùng dịch lớn khác tại Mỹ Latinh, báo cáo 595.841 ca nhiễm và 64.158 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm lần lượt 4.129 và 339 trường hợp.

Giới chức Mexico cho biết đang lên kế hoạch tham gia thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine Covid-19 của Italy. Chính phủ nước này hồi giữa tháng nhận định có dấu hiệu cho thấy đã đạt đỉnh dịch và các ca nhiễm, tử vong do nCoV đang liên tục giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức độ xét nghiệm thấp khiến khó có thể đánh giá tình hình ở Mexico, một trong những vùng dịch chết chóc nhất toàn cầu.

Nam Phi, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 627.041 ca nhiễm và 14.149 ca tử vong, tăng lần lượt 1.985 và 121 ca.

Dù ca nhiễm và tử vong do nCoV đang có xu hướng giảm, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết ông vẫn lo lắng về nguy cơ xuất hiện sóng Covid-19 lần hai như các quốc gia khác.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 83 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 17.176. Số ca nhiễm tăng thêm 4.993, lên 995.319. Tình hình dịch bệnh tại Nga dường như đã được kiểm soát khi các số liệu có xu hướng giảm dần.

Sputnik V được Nga đăng ký hôm 11/8, trở thành loại vaccine Covid-19 đầu tiên được chính phủ phê duyệt trên thế giới. Tổng thống Vladimir Putin cho biết vaccine Covid-19 thứ hai của Nga, do trung tâm khoa học Vector phát triển, sẽ được đăng ký vào tháng sau, cạnh tranh với Sputnik V. Ông bày tỏ hy vọng cả hai loại vaccine đều an toàn, hiệu quả như nhau.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ chín thế giới, ghi nhận ca nhiễm tăng trở lại sau một khoảng thời gian “bình yên”. Nước này ghi nhận thêm 2.489 a nhiễm và 28 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 462.858 và 29.094.

Nhiều chính quyền địa phương đã thực hiện những biện pháp mạnh mẽ để ngăn nCoV lây lan. Madrid thông báo đóng cửa các hồ bơi công cộng từ ngày 1/9, trong khi các công viên không được hoạt động vào buổi tối.

Quần đảo Balearic, gồm các điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng Ibiza và Mallorca, cũng thông báo các bãi biển sẽ đóng cửa vào ban đêm. Khi các hộp đêm và quán bar đóng cửa trên khắp Tây Ban Nha, nhiều người trẻ đã tụ tập uống rượu trong công viên và trên bãi biển vào ban đêm.

Pháp ghi nhận 3.082 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 281.025. Số người chết là 30.635, tăng thêm 29 ca. Ngày càng nhiều địa phương ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang sau khi Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt.

Thủ tướng Pháp Jean Castex hôm 27/8 yêu cầu người dân bắt buộc đeo khẩu trang ở khắp Paris. Ông cho biết các ca nhiễm đang tăng và bây giờ là lúc cần phải can thiệp để hạn chế sự lây lan theo cấp số nhân.

Trước đó, chính phủ Pháp yêu cầu người dân trên toàn quốc phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và trong hầu hết những không gian kín đông người, bao gồm cả nơi làm việc.

Bộ Y tế Pháp cho hay “đại dịch Covid-19 đang tiến triển theo cấp số nhân” và điều này “rất đáng lo ngại”.

Iran báo cáo 21.571 người chết sau khi ghi nhận thêm 109 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 1.642, lên tổng cộng 375.212 ca. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6.

Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ ba thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 68.770 ca nhiễm và 818 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 3.687.939 và 68.770. Trước đó một ngày, Ấn Độ ghi nhận gần 79.000 ca nhiễm mới, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác kể từ khi đại dịch xuất hiện, vượt cả con số kỷ lục 77.638 ca nhiễm mới được Mỹ ghi nhận ngày 17/7.

Nhà dịch tễ học Giridhar Babu tại Tổ chức Y tế Cộng đồng, một tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ, cho rằng sẽ không bất ngờ nếu số liệu của nước này vượt qua cả Brazil và Mỹ, nhưng cũng nhấn mạnh dân số Ấn Độ đông hơn hai nước trên.

Giới chức Ấn Độ hôm 29/8 đã nới các biện pháp hạn chế ngăn nCoV ngay cả khi các ca nhiễm và tử vong gia tăng trên cả nước. Chính phủ Ấn Độ phải đối mặt với áp lực thúc đẩy nền kinh tế khi hàng triệu người đã mất việc làm kể từ khi các biện pháp phong tỏa ngăn dịch lần đầu được áp dụng hồi tháng ba.

Bộ Nội vụ tuyên bố cho phép các cuộc tụ tập đến 100 người đối với các sự kiện văn hoá, giải trí, thể thao và chính trị trong tháng tới nhưng phải thực hiện đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Dịch vụ tàu điện ngầm cũng được hoạt động nhưng được “phân chia lại” ở các thành phố lớn.

Trung Quốc chưa báo cáo số liệu mới. Nước này hiện ghi nhận 85.048 ca nhiễm, trong đó 4.634 người đã tử vong. Tính đến 31/8, Trung Quốc đã 15 ngày liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 220.819 ca nhiễm và 3.558 ca tử vong, tăng lần lượt 3.446 và 38 ca.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt ngăn Covid-19 tại thủ đô Manila và khu vực lân cận, trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đứng bên bờ vực giải thể.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 174.796 ca nhiễm, tăng 2.73 trường hợp so với hôm trước, trong đó 7.417 người chết, tăng 74 ca.

Thủ đô Jakarta từ 27/8 gia hạn hạn chế xã hội thêm hai tuần, các nhà hàng và nơi thờ phụng phải tiếp tục hoạt động với công suất hạn chế. Giới chức ở Tây Java đang cố gắng kiềm chế cụm dịch tại ba nhà máy, có thể do công nhân không tuân thủ các biện pháp y tế.

Phó giám đốc Viện Sinh học Phân tử Indonesia Herawati Sudoyo đột biến D614G của virus “lây lan nhanh nhưng ít nghiêm trọng hơn” đã được tìm thấy trong dữ liệu giải trình tự bộ gen từ các mẫu do viện thu thập. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng vẫn cần nghiên cứu thêm để xác định liệu đây có phải nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng đột biến thời gian qua hay không.

Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 56.812 người nhiễm, tăng 41 ca, trong đó 27 người chết. Số ca nhiễm nCoV tại quốc đảo từng tăng mạnh do đợt bùng phát lớn trong các ký túc xá cho người lao động nhập cư, nhưng gần đây con số đã giảm đều và gần như không còn ca lây nhiễm cộng đồng.

Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch bệnh của WHO, khuyến cáo các nước xét nghiệm cả những người tiếp xúc gần với ca nhiễm nCoV, dù họ không có triệu chứng, nếu nguồn lực cho phép. Tổ chức này trước đó cũng cảnh báo về “giai đoạn mới của đại dịch”, khi người dương tính nCoV có thể không biết mình nhiễm virus.

Trung Quốc có thể sản xuất vaccine Covid-19 Nga vào tháng 11

Đơn vị phụ trách tài chính vaccine Sputnik V đang đàm phán với các đối tác Trung Quốc để có thể bắt đầu sản xuất vaccine này vào tháng 11.

“Việc sản xuất vaccine Sputnik V hàng loạt ở Trung Quốc và các nước khác có thể bắt đầu với sự hợp tác của các đối tác địa phương. Trung Quốc có khả năng sản xuất và cung cấp vaccine, không chỉ trong nước mà còn bằng cách xuất khẩu sang các nước khác ở châu Á”, Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), tổ chức cấp kinh phí cho vaccine Sputnik V, nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Global Times hôm 31/8.

Canada đặt mua hàng chục triệu liều vaccine Covid-19

Canada thông báo ký hai thỏa thuận mua hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 từ hai công ty Mỹ Novavax và Johnson & Johnson.

Hai thỏa thuận này được ký chỉ vài tuần sau khi chính phủ Canada thông báo đạt thỏa thuận đặt mua vaccine với hai công ty khác là Pfizer và Moderna, trong nỗ lực của Ottawa nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận với vaccine Covid-19.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết tại cuộc họp báo ở Montreal hôm 31/8 rằng 4 thỏa thuận vaccine nước này đã ký kết đến nay sẽ “cung cấp cho Canada ít nhất 88 triệu liều vaccine”. Giới chức Canada cho biết thêm cả 4 thỏa thuận đều có tùy chọn mua thêm nếu cần thiết.

HÀ HUY, BIÊN TẬP 

Related Posts