Thăng trầm cộng đồng người Việt ở Đức

BVD – Nhân dịp kỷ niệm 30 năm nước Đức thống nhất ( 03/10/1990 – 03/10/2020 ) chúng tôi xin đăng lại bài viết của Nhà báo Văn Long, nguyên Trưởng văn phòng TTXVN tại Đức

Kỳ 1: „Làng Việt Nam“ ở Berlin

So với cộng đồng người Việt ở nhiều nơi trên thế giới như ở Pháp, ở Mỹ, ở Lào, ở Thái Lan… thì cộng đồng người Việt ở Đức có thể được coi là một cộng đồng trẻ, không lớn lắm, nhưng có nhiều biến chuyển thăng trầm mạnh mẽ trong mấy thập niên gần đây, được dư luận quan tâm.
Trong khuôn khổ bài báo này, tôi chỉ tập trung vào sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt có xuất xứ từ miền Đông nước Đức trước đây.

Nhà báo Văn Long ( bên trái ngoài cùng)

 
Trong những thập kỷ 60, 70 và 80 của thế kỷ trước, hàng vạn sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh rồi học sinh học nghề Việt Nam được đưa sang Đức đào tạo. Lứa sinh viên đại học sang CHDC Đức trong những năm 1970 như chúng tôi cũng có những tình cảm sâu đậm với người Đức và nước Đức. Chúng tôi học được nhiều kiến thức chuyên môn cũng như nhiều đức tính tốt của người Đức như sự đúng giờ và tính kỷ luật, nghiêm túc trong công việc.
Nhưng lực lượng công nhân đông đảo được đưa sang CHDC Đức lao động theo hiệp định hợp tác lao động giữa hai chính phủ, mà thường được gọi tắt là „xuất khẩu lao động“ đã làm thay đổi đáng kể số lượng và hình ảnh người Việt ở CHDC Đức. Hiệp định bổ sung ký năm 1986 đã thỏa thuận đưa tổng cộng 60.000 lao động Việt Nam sang CHDC Đức trong những năm tiếp theo. Bắt đầu từ năm 1987, lao động xuất khẩu Việt Nam được ồ ạt đưa sang Đức. Trước đó, tại Berlin chỉ có một số khu nhà chung cư ở phố 
Wartenbergstraße và Gehrenseestraße, được gọi là „Làng Việt Nam“ với hàng ngàn người Việt Nam sinh sống. Đây là những khu nhà cao tầng, chỉ có một khu bếp chung, một khu nhà tắm và vệ sinh tập thể cho nam, một khu cho nữ dành cho cả tầng, còn lại chỉ là những phòng ngủ dành cho hai hoặc ba người. Kể cả một số đôi vợ chồng đã chính thức kết hôn, nhưng không được phép sinh con, cũng được „ưu tiên“ sắp xếp cho ở chung tại những căn phòng này. Ngay từ năm 1987, hàng loạt „Làng Việt Nam“ mới đã xuất hiện, khi lao động Việt Nam được liên tục đưa sang. „Làng Việt Nam“ lớn nhất ở Berlin khi đó có lẽ là khu Ahrensfelde với một số khu nhà chung cư ở Havemannstraße, Schorfheidetraße, Eichhorster Straße… được dành toàn bộ cho người lao động Việt Nam. Khu chung cư ở Hans-Loch-Straße, nay là Sewanstraße cũng „nổi tiếng“ khi đó vì là nơi cư trú của khoảng 500 chị em làm việc trong xí nghiệp giặt là Rewatex. Những khu chung cư mới này được xây theo dạng căn hộ dành cho gia đình, nên cho dù mỗi phòng có hai hay ba người và một căn hộ có thể có tới năm, bảy người thì họ cũng có bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh tạm gọi là „riêng“ so với „Làng Việt Nam“ cũ.
 
Vào những ngày cuối tuần thì các „Làng Việt Nam“ tấp nập hẳn lên, vì bạn bè, khách khứa từ khắp nơi kéo tới. Mọi người ra vào tấp nập, gọi nhau í ới.
Trong những năm 1980, đời sống ở Việt Nam vô cùng khó khăn. Cuộc đổi tiền tháng 9/1985 theo chính sách kinh tế „Giá-Lương-Tiền“ đã làm mức lạm phát tăng lên tới 700%, người lao động khốn đốn. Khi đó, hầu như ai có điều kiện cũng tìm cách xin đi xuất khẩu lao động. Nhiều kỹ sư, giáo viên, luật gia, nhà báo… từng học đại học ở Đức thì xin đi làm đội trưởng đội lao động, phiên dịch. Những ai không biết tiếng Đức thì làm lao động giản đơn.
Vì muốn thoát khỏi đời sống khó khăn, khi đã „chạy“ được sang Đức, đa phần công nhân xuất khẩu lao động quyết tâm muốn „đổi đời“ bằng cách kiếm được nhiều tiền, gửi về giúp đỡ gia đình và dành dụm làm vốn liếng về sau. Khi đó, ngoài việc đi làm theo ca kíp để nhận tiền lương ở nhà máy, xí nghiệp, nhiều người đã tìm mọi cách làm thêm, buôn bán… để kiếm thêm tiền theo phương châm „càng nhiều…. càng ít“.
 
Trong số công nhân lao động xuất khẩu Việt Nam, nhiều người làm việc trong các xí nghiệp may. Sẵn có nghề trong tay và phát hiện nhu cầu của người Đức, nhiều người đã mở „tiệm may“ ngay trong nhà ở của mình, trước hết là may quần áo bò. Một loạt dịch vụ ăn theo cũng xuất hiện: Một số người giỏi quan hệ đã tìm cách móc ngoặc… để có thể mua được hàng súc vải bò, khuy đồng… đã trở nên khan hiếm vì cung không đủ cầu, cung cấp cho các „tiệm may“, ăn giá chênh lệch. Một số người khác thì lân la với các đồng nghiệp Đức, giới thiệu về các dịch vụ may để „bắt số đo“, cung cấp cho thợ may…
Một loại kiếm tiền tương đối phổ biến nữa là mua, bán lòng vòng một số thứ hàng hóa phương Tây mà ở CHDC Đức không có, hoặc chất lượng không tốt như máy Radiocassette, Walkmen, băng cassette, rượu Napoleon, thuốc lá ngoại… được tuồn từ trong cửa hàng giao tế ra hoặc đưa từ Tây Berlin về.
 
Một số mặt hàng mà người Việt Nam hay mua để gửi về Việt Nam như xe máy Mokick, xe đạp Mifa, lụa hoa „Con Bướm“… nhưng trở nên khan hiếm cũng trở thành những mặt hàng buôn bán trao tay để sinh lời. Để mua được số lượng lớn những mặt hàng này, một số người Việt đã tìm cách hối lộ những nhân viên bán hàng, góp phần „tha hóa“ một bộ phận xã hội CHDC Đức.
 
Văn Long
(Còn nữa)
Ảnh: Người lao động khi mới sang Đức (ảnh trích xuất từ video trên Internet)
 
 
 
 
 
 
 

Kỳ 2: Thời kỳ „Mafia thuốc lá“ và sự phát triển cộng đồng 

( Tiếp theo và hết ) 

Sau khi bức tường Berlin bị dỡ bỏ từ ngày 9/11/1989 và đồng Mark CHDC Đức được đổi sang đồng D-Mark từ ngày 1/7/1990, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp CHDC Đức bị phá sản, đóng cửa, đại đa số công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam bị sa thải và thất nghiệp.
Khoảng 60.000 người lao động xuất khẩu Việt Nam lúc này đứng trước câu hỏi nan giải „Về hay ở?“. Một là nhận 3.000 D-Mark tiền đền bù do CHDC Đức „phá vỡ“ hợp đồng lao động rồi về nước, trong khi 3.000 D-Mark khi đó đã là một món tiền lớn đối với một công nhân lao động xuất khẩu. Hay là ở lại nước Đức sẽ thống nhất với một tương lai vô định, vì không biết liệu có được phép ở lại lâu dài hay không?
 
Ước tính có khoảng 34.000 người đã nhận tiền đền bù về nước, nhưng trong đó đã có một số người đã tìm cách quay lại Đức, một số người đã nối lại được quy chế lao động cũ, nhưng đa phần là nộp đơn xin „tị nạn“ và chỉ một phần là được ở lại khi chính sách của Đức thay đổi, trong khi một phần khác đã bị trục xuất về nước.
 
Trong những năm 1990, khi hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội trên một nửa nước Đức bị phá vỡ để chuyển sang một thể chế mới thì cộng đồng người Việt ở miền Đông nước Đức cũng đứng trước một sự bất ổn, xáo trộn chưa từng có. Những khó khăn ở Đông Đức sau khi thống nhất đã làm tư tưởng cực hữu, chống người nước ngoài tăng mạnh, điển hình là vụ đốt khu nhà có đa phần là người Việt ở Rostock, thời gian đó, nhiều người Việt ở Berlin không dám ghi tên mình ở chuông trước cửa nhà vì sợ khủng bố.
Do thất nghiệp, lại lo sợ không biết có được phép ở lại Đức lâu dài không, hay lại bị hủy hợp đồng, hoặc chờ hết hợp đồng lao động 5 năm rồi bị đuổi về nước, nên mọi người tìm mọi cách kiếm tiền. Mặc dù nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của người dân Đông Đức sau mấy chục năm thiếu thốn cũng mang lại nguồn lợi lớn cho những người Việt quen buôn bán lòng vòng tìm nguồn hàng mang về bán cho người Đức, nhưng „mỏ vàng lộ thiên“ phải là những mặt hàng lậu, mặt hàng giả mới mang lại nguồn lãi khủng. Thịnh hành nhất thời gian đó có lẽ là bán thuốc lá lậu và băng Cassette được sao lậu, sản xuất giả. Khi nước Đức thống nhất có kế hoạch thải loại xe tải IFA W50 do CHDC Đức sản xuất, thì đây cũng là cơ hội cho một số người nhanh nhậy, biết tìm nguồn hàng và có đầu mối tiêu thụ trong nước để mua lại xe cũ giá rẻ, sử dụng làm xe tải, hoặc đóng vỏ xe, cải tạo thành xe buýt chở khách. Một số người đã trở nên giàu có qua những thương vụ này.
Việc mua, bán thuốc lá lậu thời kỳ đầu thịnh hành tới mức hầu như ai cũng từng tham gia, dù nhiều, dù ít và chẳng ai coi đây là một việc làm sai trái, tội lỗi.
 
Nhưng việc buôn bán thuốc lá lậu mang lại lãi khủng đã dẫn tới việc hình thành các băng nhóm tội phạm người Việt để tranh giành thị phần, bảo kê chỗ bán mà phía Đức gọi là „mafia thuốc lá“. Cuộc thanh trừng đẫm máu giữa các băng đảng mafia thuốc lá trong những năm 1990 đã làm hoen ố hình ảnh người Việt trong mắt người Đức. Theo số liệu của Cơ quan hình sự Berlin, từ năm 1992 tới năm 1996 đã có tổng cộng 39 người Việt Nam bị giết trong các cuộc chiến tranh của mafia thuốc lá. Điển hình nhất là vụ sát hại 6 người từ 23 tới 28 tuổi trong một căn hộ ở phố Marschwitzastraße tháng 5/1996: Hung thủ đã lọt vào được căn hộ, trói và dán băng dính vào mồm các nạn nhân rồi hành quyết họ bằng cách bắn hai phát súng vào đầu bằng súng giảm thanh. Sau hành động giết người dã man này, một số người Đức đã nhìn người Việt với cảm giác ghê sợ. Có người Đức đã đứng dậy bỏ đi khi có người Việt ngồi xuống cạnh họ trên tàu S-Bahn. Để đối phó với cuộc chiến tranh giữa các băng đảng mafia thuốc lá người Việt, Cơ quan hình sự bang Berlin (LKA) đã thành lập „Đội đặc nhiệm Việt Nam“ với 40 thành viên. Trong vòng 15 tháng, họ đã tiến hành khoảng 10.000 vụ vây ráp, theo dõi các đầu mối, nghe trộm điện thoại. Một trình sát ngoại tuyến được cử sang Hà Nội để theo dõi các đồng phạm, theo dõi việc chuyển tiền về Việt Nam, mỗi tháng tới 10 triệu Mark.
 
Tạp chí „Tấm gương“ cho biết, mùa thu 1996, các nhà điều tra đã cất vó, bắt giữ hai trùm băng đảng „Ngọc Thiện“ và „Quảng Bình“ cùng những thành viên chủ chốt là hai bàng đảng chủ chốt thù địch với nhau. Kể từ đó, bạo lực trong việc buôn bán thuốc lá lậu dần giảm sút. Trong phiên tòa khổng lồ sau đó tại Tòa án hình sự Moabit xét xử băng đảng „Ngọc Thiện“ đã có 16 bị cáo, 32 luật sư và đông đảo phiên dịch. Cuối cùng, Thẩm phán đã kết án 13 bị cáo với các tội từ giết người tới tội là thành viên trong một tổ chức tội phạm. Trùm băng đảng „Ngọc Thiện“ và „Quảng Bình“ đã bị kết án tù chung thân vì tội giết người. Cho tới nay, họ vẫn đang phải thụ án trong tù.
 
Bên cạnh việc kiếm tiền bất hợp pháp, đa số người Việt ở Đức cũng dần tìm kiếm công việc kinh doanh để có thu nhập và được phép ở lại. Nhiều quán ăn nhanh, nhà hàng của người Việt đã mọc lên. Nhưng vì lo sợ tai tiếng của những vụ bắn giết đẫm máu, trong những năm 1990, phần lớn các quán này phải đội lốt là quán Trung Quốc như „China Restaurant“, „China Imbiss“… Cho tới nay, khi những vụ bắn giết trên 20 năm trước đã lắng xuống, các món ăn Việt Nam lại được ưa chuộng là ngon và bổ, ít dầu, mỡ thì phần lớn các quán ăn, nhà hàng đã trở lại với tên gọi là quán ăn Việt Nam hay quán ăn châu Á.
Bên cạnh các chuỗi nhà hàng ăn nhanh đã có tiếng ở các trung tâm thành phố, trung tâm thương mại, nhà ga… như „Thăng Long“, „Asia Gourmet“, „Mai Mai“, „Asiahung“…, nói tới các tiệm Nails là người ta nghĩ ngay tới người Việt, cũng như những cửa hàng bán hoa, cửa hàng sửa quần áo…
 
Hơn 10 năm nay, ở Berlin đã hình thành và phát triển hai trung tâm thương mại do người Việt làm chủ là Trung tâm Thương mại Đồng Xuân và Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương là nơi kinh doanh, bán buôn của nhiều người Việt, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Pakistan, người Ấn Độ, người Trung Quốc… trong đó, Đồng Xuân Center đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch có tiếng ở Berlin.
Cho tới nay, thế hệ người Việt đầu tiên ở Đức đều đã U60, U70, thậm chí đã là U80, đa phần trong số họ đã có cuộc sống ổn định, con cái đã lớn khôn, được học hành và đi làm. Số lượng người Việt mua nhà riêng, nhà liền kề, căn hộ riêng đã tăng vọt trong những năm qua ở Berlin.
Cộng đồng người Việt giờ đây được phía Đức đánh giá là hội nhập tốt, con cái học giỏi. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, vì nhiều người không có lương hưu, hoặc lương hưu thấp sẽ vẫn phải phụ thuộc vào trợ cấp xã hội của Đức. Không những thế, nhiều người còn gặp khó khăn trong giao tiếp vì không thạo tiếng Đức, cho dù đã sống mấy chục năm trên quê hương thứ hai của mình.
 
 
 
Ảnh: Cảnh bán thuốc lá lậu và đám ma một nạn nhân của mafia thuốc lá (ảnh trích xuất từ video trên Internet)
Quang cảnh một buổi Tết Trung thu ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân gần đây
(ảnh Văn Long)
 
Văn Long

Related Posts