Tổn thất của Nga sau vụ nổ cầu Crimea

Vụ nổ cầu Crimea được cho là sẽ cản trở chiến dịch của Nga ở miền nam Ukraine, gây tổn hại đến niềm tự hào của Moskva về mục tiêu “bất khả xâm phạm”.

Hai nhịp cầu đường bộ Crimea hôm 8/10 sập xuống biển sau tiếng nổ lớn, khiến giao thông bị tê liệt trong nhiều giờ. Lửa từ vụ nổ cũng lan tới đoàn tàu chở nhiên liệu đang đi qua cầu đường sắt cạnh đó, khiến 7 toa chở xăng bốc cháy dữ dội. Cơ quan an ninh Nga cho rằng một xe tải chứa đầy bom đã gây ra vụ nổ.

Hiện chưa bên nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công cây cầu trọng yếu vượt qua eo biển Kerch nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 9/10 gọi vụ nổ là “hành động khủng bố” do lực lượng đặc nhiệm Ukraine lên kế hoạch thực hiện.

Ukraine chưa phản hồi về tuyên bố của ông Putin, nhưng Cố vấn Tổng thống Ukraine trước đó nói rằng “chiếc xe tải phát nổ đi lên cầu từ phía Nga, do đó nên tìm câu trả lời ở Nga”.

Cầu Crimea, hay còn gọi là cầu Kerch, dài 19 km, nằm trên eo biển giữa Biển Đen và biển Azov, được Nga xây dựng sau khi sáp nhập bán đảo Crimea. Đây được coi là tuyến đường trọng yếu kết nối bán đảo với đất liền Nga.

Cầu Crimea nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Nga.

Cầu nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Nga.

Cây cầu đường bộ, đường sắt dài nhất châu Âu, có giá trị lên tới 3,6 tỷ USD này cũng là tuyến tiếp tế quan trọng để Nga duy trì hoạt động quân sự ở miền nam Ukraine. Vì thế, bất kỳ gián đoạn nào đối với giao thông trên cầu đều có thể ảnh hưởng đến khả năng Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở miền nam Ukraine, nơi các lực lượng Ukraine đang phản công ngày càng hiệu quả.

Các nhà phân tích cho rằng nếu không có nó, quân đội Nga sẽ gặp nhiều hạn chế trong vận chuyển nhiên liệu, trang bị cũng như đạn dược cho các đơn vị đang chiến đấu ở khu vực Kherson và Zaporizhzhia, hai trong 4 tỉnh Ukraine mà Nga vừa sáp nhập.

Theo các chuyên gia quân sự, việc tiếp tế bằng tàu hoặc máy bay đến Crimea sẽ phức tạp hơn nhiều. Nếu Nga tổ chức một tuyến tiếp tế khác bằng đường bộ qua phần lãnh thổ Moskva đang kiểm soát ở miền nam Ukraine, nó sẽ rất dễ bị Kiev tập kích bằng các loại vũ khí tầm xa như pháo phản lực HIMARS. Nga cũng sẽ phải sử dụng xe tải để vận chuyển hàng hóa, bởi hiện không có tuyến đường sắt nào từ Nga tới khu vực này.

“Về cơ bản, tất cả các phương tiện giao thông quân sự cỡ lớn đều đi qua cầu Crimea, từ xe tăng đến pháo binh”, Konrad Muzyka, nhà phân tích quân sự từ tổ chức tư vấn Roshan Consulting, nói.

Vị trí bán đảo Crimea. Đồ họa: WP.

Vị trí bán đảo Crimea. Đồ họa: WP.

Bộ Quốc phòng Nga đã ra tuyên bố trấn an rằng lực lượng ở miền nam Ukraine vẫn sẽ được cung cấp “đầy đủ, không bị gián đoạn” bằng đường bộ và đường biển, song không giải thích rõ họ triển khai tuyến tiếp tế này bằng cách nào.

Chuyên gia James Nixey từ tổ chức tư vấn Chatham House, trụ sở ở London, cho rằng không chỉ gây gián đoạn tuyến tiếp tế của Nga, vụ tấn công vào cầu Crimea còn tạo ra tác động lớn về tinh thần, khi “làm suy giảm nhuệ khí của người Nga, đồng thời tạo thêm động lực cho Ukraine”.

“Nó phá hoại niềm tin vào quân đội Nga, chính phủ Nga và của người Nga nói chung khi họ không có khả năng bảo vệ vùng lãnh thổ đang kiểm soát. Điều đó cực kỳ quan trọng”, Andriy Zagorodnyuk, cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine và hiện là cố vấn của chính quyền Tổng thống Zelensky nói.

Related Posts