Mỹ tiếp tục can dự vào vấn đề Biển Đông

ần thứ ba tàu hải quân Mỹ tuần sát đảo nhân tạo Trung Quốc tại Trường Sa.

Việc Mỹ ngày 10/5 điều tàu khu trục Lawrence vào khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập là một cử chỉ tượng trưng thể hiện quyết tâm của Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông. Đá Chữ Thập là một khu vực nhạy cảm vì Bắc Kinh coi đây là “trung tâm quân sự tương lai” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tại sao Mỹ tuần tra Biển Đông?

Hoạt động tuần sát của tàu chiến Mỹ nhằm theo đuổi bốn mục tiêu. Trước hết, Lầu Năm Góc xác nhận nó là một sự khẳng định mạnh mẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải (FONOP), mà cụ thể là chống lại việc khoanh vùng lãnh hải, gây khó khăn cho lưu thông trên không và trên biển. Mỹ thực hiện quyền qua lại mà không phải xin phép hay thông báo trước. Nếu phải thông báo hay xin phép, thì theo quan điểm của Mỹ, là “trái với luật pháp quốc tế” về tự do thông thương hàng hải.

My tiep tuc can du vao van de Bien Dong - Anh 1

Tàu khu trục Mỹ USS William P. Lawrence tuần sát đá Chữ Thập, ngày 10/5, thể hiện quyết tâm can dự vào vấn đề Biển Đông

Thứ hai, Mỹ thách thức những tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông. Khi tung ra các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải, Washington muốn khẳng định lập trường phản đối các yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng biển. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo ở Biển Đông. Từ năm 2010 trở về trước, đó là lập trường “trung lập”. Nhưng sau khi Bắc Kinh đưa Biển Đông vào phạm trù “lợi ích cốt lõi”, như tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton tháng 7/2010 tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) Hà Nội, “Tự do hàng hàng hải là lợi ích quốc gia của Mỹ”; việc Mỹ bảo vệ quyền tự do lưu thông trên không và trên biển không tách rời việc chống lại các hành động ngăn cản việc thực hiện các quyền ấy. Tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý của đá Chữ Thập là bác bỏ các nỗ lực của Trung Quốc muốn hợp thức hóa những đòi hỏi “lãnh hải” cho các đảo. Như vậy, Mỹ đã chuyển từ lập trường “trung lập” sang tích cực can dự. Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) về luật biển tại La Haye sắp tới có thể sẽ ra phán quyết về quy chế các thực thể bãi cạn và đảo đá ở Trường Sa.

Thứ ba, Mỹ chống lại các nỗ lực của Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông. Thực ra, nguyên trạng ở Biển Đông đang từng bước bị Trung Quốc phá vỡ. Nhưng từ quan điểm của Washington, bảo vệ quyền tự do lưu thông tại Biển Đông chính là nội dung cốt lõi của duy trì nguyên trạng. Mặc dù Trung Quốc sẽ tiếp tục từng bước quân sự hóa và dân sự hóa sự có mặt của họ ở Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng chừng nào Mỹ và các nước khác tiếp tục có các hành động cụ thể can dự vào Biển Đông, thì Trung Quốc không thể xem việc làm của họ là “sự đã rồi” và hoạt động của các phương tiện quân sự của Mỹ vẫn đụng chạm đến các dây thần kinh nhạy cảm của Trung Quốc.

Thứ tư, các cuộc tuần sát của tàu chiến Mỹ nhằm tiếp tục tập hợp lực lượng ở khu vực để gia cố chính sách xoay trục và tái cân bằng của Mỹ. Theo Lý Khiết, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Thượng Hải, Mỹ muốn chứng minh cho các đồng minh của mình thấy quyết tâm thực hiện cam kết đảm bảo tự do hàng hải bằng cách tuần tra gần đá Chữ Thập. Nếu Mỹ muốn lôi kéo Nhật Bản và Úc vào các hoạt động tuần tra chung ở Biển Đông thì Mỹ phải kiên trì tuần tra đơn phương.

Tại sao Mỹ thận trọng trong việc tuần tra Biển Đông?

Từ năm 2015 đến nay, Hải quân Mỹ đã ba lần cho tàu tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông – đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, Đá Subi và Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Trong cả ba lần ấy, Washington đều chọn một cách tiếp cận nhẹ nhàng, được cho là để khỏi chọc giận Trung Quốc quá mức. Mỹ áp dụng thủ tục đi qua vô hại, tuyệt đối tránh những hoạt động như diễn tập quân sự, phô trương vũ khí…

Theo The Japan Times của Nhật Bản ngày 11/5, trong một bản thông báo gửi qua đường thư điện tử tối 10/5, Trung tá Bill Urban, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định rõ là khi tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đá Chữ Thập, tàu khu trục USS William P. Lawrence của Mỹ đã “hành xử quyền đi qua vô hại”. Theo báo Nhật, các chiến dịch khẳng định quyền tự do hàng hải mà Hải quân Mỹ tiến hành ở Biển Đông được cho là đã không mang lại hiệu quả răn đe Bắc Kinh như Washington mong muốn. Vì vậy, phái chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, từ Thượng nghị sĩ John McCain đến giới lãnh đạo Hải quân Mỹ, đều muốn áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn.

Tuy vậy, Nhà Trắng không muốn xẩy ra những đụng độ và căng thẳng ở Biển Đông vượt quá tầm kiểm soát vào những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ của Tổng thốngObama, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn cục chính sách đối ngoại của chính quyền Obama.

Có thể Nhà Trắng “để dành” việc tuần sát tại Đá Vành Khăn hay một số thực thể khác đến sau khi PCA tuyên bố phán quyết về vụ kiện Biển Đông. Điều có ý nghĩa lần tuần sát này là Mỹ tiếp tục hành động can dự vào vấn đề Biển Đông./.

Related Posts