Quan hệ Việt – Mỹ ra sao nếu bà Clinton hay ông Trump làm tổng thống?

Hôm 5/5, chuyên gia luật quốc tế Roncevert Almond, cố vấn cho nhiều cơ quan chính phủ ở châu Á, châu Âu, Trung Đông, đã gửi tới Infonet bài bình luận về tương lai quan hệ Việt – Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 8/11/2016 tới.

Ông Roncevert Almond cũng từng là trợ lý trong chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton vào năm 2008, nhưng hiện tại không tham gia bất kỳ chiến dịch nào. Infonet xin gửi tới độc giả bài bình luận của ông.

Với diễn biến hiện tại, Tổng thống tương lai của nước Mỹ có thể là hai ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ (bà Hillary Clinton) và đảng Cộng hòa (Donald Trump).

Việt Nam có vai rất quan trọng trong các vấn đề khu vực cũng như toàn cầu. Do vậy, việc đánh giá mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ thay đổi ra sao dưới thời bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Hà Nội và Washington, mà còn đối với cả cộng đồng quốc tế.

Quan he Viet – My ra sao neu ba Clinton hay ong Trump lam tong thong? - Anh 1

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton.

Bà Hillary Clinton: Coi trọng Việt Nam, thậm chí hơn cả ông Obama

Nếu bà Hillary Clinton được bầu làm tổng thống, khả năng rất cao là bà sẽ tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với Việt Nam của ông Barack Obama. Thậm chí bà còn quan tâm tới Hà Nội hơn cả ông Obama. Bà không chỉ từng là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông Obama mà còn nắm rất rõ các truyền thống hay các quy ước trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Bà có thể sẽ trở thành vị tổng thống đã từng đi qua nhiều đất nước nhất và giàu kinh nghiệm nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, đặc biệt là trong mối quan hệ với Việt Nam. Năm 2000, với tư cách là Đệ nhất Phu nhân Mỹ, bà đã cùng chồng là Tổng thống Bill Clinton có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Hà Nội kể từ sau chuyến thăm của ông Richard Nixon hồi năm 1969.

Về kinh tế, bà Hillary Clinton chắc chắn sẽ tìm cách mở rộng các thỏa thuận thương mại của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà đã luôn bày tỏ sự hỗ trợ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ví dụ, năm 2012, trong chuyến công du tới Singapore, bà đã nhấn mạnh việc TPP sẽ giúp hạ thấp các rào cản, nâng cao các tiêu chuẩn thương mại và thúc đẩy tăng trưởng lâu dài trong khu vực. Sau khi TPP chính thức được kí kết hồi tháng Hai vừa qua, bà Hillary phản đối một số chi tiết của thỏa thuận vì cho rằng chúng không phù hợp với chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, điều này có thể chỉ đơn giản là một “thủ đoạn chiến thuật” trong bối cảnh vẫn còn nhiều tranh cãi đối với TPP ở Washington.

Quan he Viet – My ra sao neu ba Clinton hay ong Trump lam tong thong? - Anh 2

Bà Clinton trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2000.

Khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton được cho là một trong những thành viên nội các có lập trường cứng rắn hay “diều hâu”. Ví dụ, bà đã vận động để Mỹ can thiệp sâu hơn vào Libya hay Syria. Với tính cách mạnh mẽ đó, có thể bà cũng sẽ cứng rắn hơn ông Obama trong việc khẳng định chính sách của Mỹ ở Châu Á Thái Bình Dương. Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, bà Hillary Clinton luôn hứa hẹn sẽ buộc Trung Quốc hành động bớt hung hăng trong khu vực và tái khẳng định vai trò của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hôm 2/6, khi phát biểu về vấn đề an ninh quốc gia, bà nhấn mạnh vai trò quan trọng của mạng lưới các đồng minh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Bà cũng đã lên án mạnh mẽ chính sách của ông Donald Trump về các mối quan hệ với NATO và châu Á.

Bà Hillary Clinton cũng đặc biệt quan tâm đến những tranh chấp ở Biển Đông. Tháng 7/2010, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội, bà Hillary tuyên bố, tự do hàng hải ở khu vực này là một lợi ích quốc gia của Mỹ và Mỹ phản đối việc sử dụng hay đe dọa dùng vũ lực của bất cứ nước nào trên Biển Đông. Bà cũng chỉ trích yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc hòng độc chiếm gần hết diện tích Biển Đông.

Với quá trình hoạt động chính trị và những quan điểm được bà Clinton nêu ra trong chiến dịch tranh cử lần này, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi rằng một khi trở thành tổng thống, bà Clinton sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam, thúc đẩy việc thể chế hóa các tranh chấp Biển Đông trong các tổ chức đa phương như ASEAN. Bà cũng sẽ tăng cường năng lực hàng hải và quân sự của các đối tác quan trọng như Việt Nam. Hơn nữa, bà cũng thúc giục Trung Quốc tuân thủ các quy tắc hàng hải quốc tế nhằm duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không.

Ông Donald Trump: Chính sách đối với Việt Nam có thể thay đổi

Quan he Viet – My ra sao neu ba Clinton hay ong Trump lam tong thong? - Anh 3

Nếu ông Donald Trump lên làm tổng thống, chính sách đối ngoại của Mỹ được dự đoán sẽ có nhiều thay đổi.

Nếu Donald Trump được bầu làm tổng thống, chính sách hiện tại của Mỹ với Việt Nam có thể sẽ thay đổi. Ông ấy là một trong những ứng cử viên bất thường nhất trong các cuộc đua tranh cử tổng thống. Trước khi bước chân vào cuộc đua, ông Trump được biết đến là một tỷ phú với “hàng núi” tài sản bất động sản. Ông xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế và các tờ báo lá cải. Không có gì ngạc nhiên khi ông Donald Trump đã tiến hành một chiến dịch tranh cử cũng khác thường, gây nhiều ồn ào và tranh cãi. Tóm lại, ông Donald Trump như một “người ngoài” đang tìm cách phá vỡ tiến trình chính trị của Mỹ.

Trong các bài phát biểu về chính sách đối ngoại, ông Donald Trump đã công bố một chủ đề nổi bật. Đó là nước Mỹ là trên hết. Thoạt nghe thì thấy có vẻ đây là một khẩu hiệu tiêu chuẩn bởi tất cả các quốc gia đều quan tâm đến lợi ích của đất nước mình, nhưng chi tiết trong chính sách này lại bất đồng với những nguyên tắc chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ví dụ, để chống nhập cư bất hợp pháp và tội phạm từ nước ngoài, ông thề sẽ “xây dựng một bức tường” giữa Mỹ và đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ là Mexico. Để tăng cường cuộc chiến chống khủng bố, ông Donald Trump đưa ra ý tưởng tra tấn nghi phạm khủng bố và nhắm mục tiêu vào gia đình của họ. Phản ứng với các cuộc tấn công khủng bố tại California hồi tháng 12/2015, ông đã đề xuất một lệnh cấm tạm thời đối với người Hồi giáo.

Đối với Việt Nam nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung, ông Trump có ít nhất 4 quan điểm sẽ thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ.

Thứ nhất, về thương mại, ông Donald Trump đã thẳng thừng phản đối các hiệp định thương mại tự do. Ông đã kịch liệt phản đối TPP và mô tả nó là “một thỏa thuận khủng khiếp”, chủ yếu mang lại lợi ích cho Trung Quốc và gây hại cho nước Mỹ (thậm chí ngay cả khi Trung Quốc không tham gia TPP). Donald Trump cũng tỏ ra nghi ngờ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chỉ trích việc Trung Quốc là thành viên của tổ chức này. Để hỗ trợ cho các công ty và người lao động Mỹ chống lại sự cạnh tranh không công bằng, ông cam kết sẽ thực hiện một loạt các biện pháp trả đũa đối với hành động thao túng tiền tệ, trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc. Chính sách này cũng có thể sẽ mở rộng đến các nước châu Á khác mà Mỹ có thâm hụt thương mại như Việt Nam.

Thứ hai, Donald Trump đã chỉ trích cả những hệ thống liên minh của Mỹ, từ NATO đến Thái Bình Dương. Ông cho rằng các đồng minh của Mỹ nên gánh nhiều gánh nặng hơn. Thậm chí, Mỹ có thể bỏ các liên minh nếu thấy quá tốn kém. Ví dụ, ông Donald Trump đề xuất các đồng minh hiện đang được bảo vệ bởi những “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ như Ả Rập – Xê-út, Nhật Bản và Hàn Quốc, tự chế vũ khí hạt nhân cho riêng mình.

Thứ ba, ông Donald Trump tuyên bố sẽ không can thiệp vào các cuộc xung đột mà không trực tiếp đe dọa an ninh Mỹ. Ông đã chỉ trích nặng nề việc Mỹ can thiệp tại Iraq và Libya và cho rằng đây là một sai lầm, gây tổn thất cho các lợi ích của Mỹ. Ông Donald Trump vẫn chưa đưa ra lập trường rõ ràng về Biển Đông nhưng có thể ông sẽ dùng luận điệu chung của mình và nếu vậy, chính sách mà ông áp dụng rất có thể là để các nước tự bảo vệ lấy lợi ích của họ.

Thứ tư, ông Donald Trump không muốn Mỹ duy trì vai trò bảo lãnh trật tự quốc tế. Riêng yếu tố này đã có thể tạo ra sự không chắc chắn trong tương lai quan hệ quốc tế của Mỹ.

Ông Roncevert Ganan Almond là một đối tác tại công ty luật Wicks Group, có trụ sở tại Washington, DC. Ông thường tư vấn cho các cơ quan chính phủ ở châu Á, châu Âu, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh về các vấn đề luật pháp quốc tế. Ông cũng đã từng là cố vấn cho Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung (USCC) thuộc chính phủ Mỹ về các vấn đề pháp lý liên quan đến Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

theo Bao Mới

Related Posts