Tàu ngầm Kilo-636 trên Biển Đông: Những thách thức đáng gờm

Tự động hóa ở mức độ cao như tàu ngầm Kilo-636 không làm giảm vai trò của con người mà thậm chí ngược lại, Việt Nam phải tự lực cánh sinh thì mới có thể phát huy hết được sức mạnh.

Kilo-636 tren Bien Dong: Nhung thach thuc dang gom - Anh 1

Kilo-636 trên Biển Đông: Những thách thức đáng gờm

Thời đại tự động hóa và vai trò của con người trong chiến tranh

Sự phát triển của kỹ thuật quân sự đã tạo ra những phương tiện chiến tranh hết sức hiện đại. Tự động hóa được áp dụng một cách phổ biến trong hầu hết các loại vũ khí khiến vai trò của con người trong chiến tranh bị nhiều nước coi nhẹ.

Tàu ngầm là một trong các loại vũ khí tối tân nhất trong lịch sử loài người. Đây là sự kết hợp những kỹ thuật tiên tiến nhất của kỹ thuật thủy động lực học, cơ khí, động lực, điều khiển, định vị, tái tạo không khí, công nghệ xử lý âm thanh, công nghệ cách âm, kỹ thuật năng lượng và các loại vũ khí có điều khiển tinh vi phức tạp, uy lực lớn…

Tất cả công đoạn từ dò tìm mục tiêu đến khi mục tiêu bị tiêu diệt chỉ đơn giản là một cái nút bấm? Đó có lẽ là tưởng tượng của nhiều người khi nhắc tới một cỗ máy hiện đại khổng lồ như tàu ngầm Kilo-636 của Hải quân Việt Nam.

Hoàn toàn sai lầm! Kilo-636 không thể phát huy được sức mạnh nếu không có con người và có những thứ chỉ có con người Việt Nam tự lực mới làm được.

Kilo-636 tren Bien Dong: Nhung thach thuc dang gom - Anh 2

Vũ khí càng hiện đại càng yêu cầu con người có trình độ cao để làm chủ và phát huy sức mạnh

Truyền thống “vạch nhiễu tìm thù” và thách thức cần vượt qua

Như chúng ta đã biết, để dò tìm, chỉ thị mục tiêu cho tàu ngầm có 4 biện pháp cơ bản:

Thứ nhất là sử dụng kính tiềm vọng ở trạng thái nổi lên sát mặt nước.

Thứ hai là sử dụng radar trên tàu ngầm phát sóng sau đó thu tín hiệu phản xạ và phân tích để có được thông tin của mục tiêu, cách này buộc tàu ngầm phải nổi lên sát mặt nước.

Thứ ba là thiết bị dò từ tính khi tàu ngầm đối phương chuyển động làm thay đổi từ trường.

Thứ tư là sử dụng sonar thủy âm, đây là phương pháp trinh sát chủ yếu của tàu ngầm. Có hai loại sonar là: sonar chủ động và sonar bị động.

Thiết bị sonar thủy âm chủ động sẽ phát sóng âm hướng vào mục tiêu và thu tín hiệu dội lại. Theo các thông tin được công bố, tàu ngầm Kilo-636 Việt Nam được trang bị sonar thủy âm cải tiến MGK- 400EM.

Thông tin từ các sonar là âm thanh và được máy tính giải mã thành phổ âm thanh. Thiết bị sonar thủy âm thụ động sẽ dò tìm những âm thanh do các vật thể xung quanh tàu ngầm phát ra đó có thể là tiếng chân vịt của tàu ngầm, tàu nổi, tiếng va chạm của máy móc thậm chí là âm thanh do các đàn cá ở gần tàu ngầm.

Sonar thủy âm cho phép các định vị và theo dõi các mục tiêu, xác định các thông số cơ bản của mục tiêu về độ lớn, vận tốc, hướng di chuyển và biết được vị trí của chính tàu ngầm mình

Các âm thanh bên ngoài mà tàu ngầm thu được sẽ được chuyển đổi thành hình ảnh phổ âm thanh gọi là hình ảnh “thác nước”. Phổ âm thanh đo được so sánh với các hình ảnh lưu trữ trong “thư viện” âm thanh đặc trưng để phân loại mục tiêu.

Kilo-636 tren Bien Dong: Nhung thach thuc dang gom - Anh 3

Hình ảnh phổ âm thanh thu được của sonar trên tàu ngầm

Công việc tưởng chừng như khá đơn giản và hoàn toàn tự động nhưng thực sự rất phức tạp và phải trải qua một quá trình lâu dài mới có thể hiệu quả bởi các lý do sau:

Thứ nhất, trên Biển Đông có rất nhiều tàu thuyền đi lại do đây là tuyến đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp bậc nhất. Việc xác định chính xác đó là loại gì, to hay nhỏ, vận tốc ra sao thực sự khó khăn. Chưa kể biển Đông được đánh giá là vùng biển có nhiều tàu chiến mặt nước, tàu ngầm của nhiều nước liên tục hoạt động.

Thậm chí các âm thanh từ các đàn cá cũng lọt vào phổ âm thanh thu được. Trong hàng loạt tín hiệu âm thanh, từ tính thu được đó cần phải tìm được tín hiệu cần thiết.

Thứ hai là cơ sở dữ liệu có sẵn không bao giờ đủ. Một mặt thì theo qui tắc bất thành văn của các hợp đồng mua bán vũ khí thì bên cung cấp sẽ không chuyển giao toàn bộ những phổ âm thanh, từ trường có tầm chiến lược hoặc thuộc về đặc tính của các tàu chiến, tàu ngầm của chính nước cung cấp.

Mặt khác sự đa dạng về chủng loại và tốc độ cập nhật nhanh chóng về công nghệ của vũ khí phương tiện cũng khiến cho cơ sở dữ liệu nhanh chóng bị lạc hậu so với thực tế. Một tàu chiến tối tân mới ra đời có thể có phổ âm thanh giống như một tàu cá loại nhỏ nhờ áp dụng các công nghệ hiện đại về thủy động lực học, cơ khí, điều khiển…

Thứ ba là tín hiệu âm thanh, từ trường thay đổi theo từng vùng nước biển có độ mặn, độ sâu, dòng chảy và thậm chí thời tiết từng ngày. Do vậy luôn có những sai số nhất định so với cơ sở dữ liệu có sẵn. Ví dụ: Tín hiệu thu được ở vùng Biển Đen sẽ khác với tín hiệu thu được ở Biển Đông. Tín hiệu thu được ở ngày nóng sẽ khác với ngày lạnh…

Vậy điều này sẽ được khắc phục như thế nào? Cách duy nhất là Việt Nam phải tự lực cánh sinh, sau những chuyến huấn luyện, tuần tra gian khổ sẽ có được những dữ liệu quý giá để cập nhật vào “thư viện”.

Nhiệm vụ này gợi nhớ đến giai đoạn “vạch nhiễu tìm thù” để bắt B-52 phải trả giá trên bầu trời Hà Nội.

Về mặt lý thuyết, trước khi diễn ra trận “Điện Biên Phủ trên không”, các đài radar hoàn toàn có thể phát hiện ra B-52. Nhưng khi bước vào cuộc chiến, hàng loạt các biện pháp tác chiến điện tử được Mỹ tiến hành đã gây không ít khó khăn cho ta. Nhưng với tinh thần sáng tạo, vượt khó khăn ta đã tìm được cách để hạ gục B-52.

Trở lại với tàu ngầm Kilo, nếu như ngày xưa là tìm B-52 trên màn hình hiện sóng nhằng nhịt nhiễu thì ngày nay “những đôi tai thần” phải tìm được đối phương trên hình ảnh hỗn độn của phổ âm thanh, từ trường thu được…

Kilo-636 tren Bien Dong: Nhung thach thuc dang gom - Anh 4

Kilo 636 Việt Nam sẽ tiếp nối truyền thống của SAM-2, MiG-21… để giữ vững chủ quyền biển đảo

Dẫn đường chỉ lối cho Kilo 636 trên Biển Đông

Khi tác chiến bằng tàu ngầm, chiến thuật cơ động theo hướng nào, độ sâu, vận tốc bao nhiêu, ẩn nấp như thế nào đóng vai trò hết sức quan trọng. Thậm chí trong nhiều trường hợp căn cứ vào địa hình có thể dự đoán được tọa độ đối phương sẽ đi qua từ đó có những biện pháp mai phục.

Cùng với đó là đặc điểm vùng nước biển, thời tiết cũng ảnh hưởng tới sự sai lệch các tín hiệu thu nhận được do đó cần dự đoán được các sai số này để giảm ảnh hưởng.

Để thực hiện thành công những điều này, phải có được cơ sở dữ liệu về khí tượng, thủy văn, địa hình của các vùng trên Biển Đông. Đó chính là nhiệm vụ dành cho các nhà nghiên cứu về biển của Việt Nam.

Không cách nào khác chúng ta phải tự lực cánh sinh để có được những thông tin quý giá trên. Ngành hải dương học Việt Nam sẽ góp phần không nhỏ trong chiến công của Kilo-636 trên Biển Đông.

Kilo-636 tren Bien Dong: Nhung thach thuc dang gom - Anh 5

Tàu khảo sát đo đạc biển HSV 6613 mang tên Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa của Hải quân nhân dân Việt Nam

Từ một số phân tích trên để chúng ta thấy được rằng việc sử dụng các tổ hợp vũ khí công nghệ cao như tàu ngầm Kilo-636 không đơn thuần chỉ là bấm nút, tự động hóa. Mà trái lại khi khoảng cách công nghệ giữa ta và đối phương càng xích lại gần nhau thì vai trò con người càng nổi bật.

Cần nhắc tới một chi tiết nữa là Việt Nam luôn được đánh giá là có “khối óc và bàn tay vàng” khi hiệu quả sử dụng vũ khí rất cao thậm chí vượt qua những tính toán thiết kế ban đầu. Minh chứng là từ những vũ khí đơn giản như súng AK, B41 đến tên lửa phòng không SAM-2, máy bay MiG-21…

Với truyền thống mưu trí, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, chắc chắn rằng Hải quân Việt Nam sẽ hoàn toàn làm chủ và phát huy được sức mạnh vượt trội của Kilo-636, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Theo báo Mới

Related Posts