VN còn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy, 300.000 hài cốt LS chưa xác định rõ danh tính

BVD- Buổi sáng ngày 18.04.2017, Trả lời chất vấn trước UB Thường vụ QH, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung chia sẻ về điều khiến ông day dứt và đau lòng nhất nhiều năm qua là vấn đề hài cốt liệt sĩ. 

Theo bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện chúng ta còn tới 200.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác chưa được quy tập và trên 300.000 hài cốt đã quy tập nhưng chưa rõ danh tính.

Đào Ngọc Dung, hài cốt liệt sĩ
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Đây chính là điều day dứt, đau lòng nhất của chúng ta. Chúng tôi coi đây là việc đặc biệt quan tâm, hứa với QH cố gắng phấn đấu càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt vì để lâu sẽ không còn cơ hội tìm thấy nữa”.

Ông cho biết, trong số 200.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy, tập trung nhiều ở Hà Giang, miền Trung, miền Nam và các nước bạn.

“Mới đây Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm, đã trực tiếp chủ trì một cuộc họp, quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia 1237 tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do 1 Phó thủ tướng làm trưởng ban, Bộ trưởng Quốc phòng và tôi làm phó ban”, ông Dung thông tin thêm.

Ông cũng cho biết, hiện vẫn có 20 đội quy tập chuyên nghiệp do lực lượng quân đội chủ trì, làm việc thường xuyên, phối hợp với nhân dân và nước bạn để tìm kiếm. Từ đầu năm đến nay đã quy tập được hơn 8.000 liệt sĩ.

Về xác định danh tính liệt sĩ, Bộ trưởng LĐ-TB-XH cho biết vẫn đang thực hiện theo đề án xác định danh tính hài cốt còn thiếu thông tin (Đề án 150).

“Theo đề án này, chúng tôi đang thực hiện nhiều giải pháp để xác định, trong đó giải pháp chính là xác định gen. Năm qua đã trả lại tên cho hơn 3.200 liệt sĩ và đưa về các gia đình”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên để xác định được con số trên đã phải xét nghiệm trên 12.000 mẫu sinh phẩm liệt sĩ và chừng ấy mẫu tương đương của gia đình.

“Hiện Chính phủ đang giao 3 đơn vị chuyên xét nghiệm gen là quân đội, công an và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ. Tới đây dự kiến cho phép thêm Bộ Y tế và một số cơ sở khác, nâng thành 6 cơ sở để mở rộng tìm kiếm lâu dài”, ông Dung thông tin.

Ông cũng cho biết đã báo cáo Chính phủ xin lập ngân hàng gen để lưu lại những mẫu đã xét nghiệm và những mẫu sắp tới để lưu lại, khi đó gia đình có thể chủ động tự lấy mẫu để đối chiếu.

Hà Huy, biên tập 

Related Posts