Đề xuất thay đổi chữ quốc ngữ: Vì sao liên tiếp thất bại?

BVD – Không phải đến nay mới có đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền, mà từ cách đây hai thế kỷ cho đến hàng trăm năm sau, có rất nhiều người đề xuất thay đổi, nhưng tất cả đều thất bại.

Năm 1928, Nguyễn Văn Vĩnh đề xuất viết “gi thành tr, d thành nh, nh thành l… để dùng cho đều trong văn tự, ba miền cùng dễ hiểu cả”; thay vì phải bỏ dấu, dùng các quy ước như dấu “á” là hai chữ viết liên tiếp aa=â, chữ W thay dấu “ớ” aw=ă, các thanh sẽ là chữ quy ước đặt cuối từ như f=huyền, s=sắc, j=nặng…,

Những năm 50 ở Sài Gòn, Nguyễn Ngu Í (1921-1979) đã áp dụng cách viết dùng F thay Ph, dùng J thay Gi, dùng I thay Y, dùng B thay P, dùng Q thay Qu, dùng Ng thay Ngh, dùng G thay Gh…

Trần Trọng Kim (1883-1953) cũng đề xuất phương án nhằm khắc phục sự nhầm lẫn chẳng hạn: Minhs = sáng, minht = tối, minhk = kêu (hót, gáy – chim, gà)..

Những năm 60 của thế kỷ trước đã có nhiều hội thảo khoa học về chữ quốc ngữ được tổ chức, với mục đích cải tiến và chuẩn hóa.

Nhiều nhà ngôn ngữ học đã đề xuất thêm các ký tự f, j, w, z vào bảng chữ cái tiếng Việt, dùng chữ “k” thay cho các chữ c/q, dùng “f” thay “ph”…, dùng z thay “d, gi”….

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực nói trên, đều là “dã tràng xe cát biển Đông”, các đề xuất, nếu không bị phản ứng và bài xích, thì cũng không bao giờ được cộng đồng chấp nhận, được thể chế hóa. Những tác giả của các ý tưởng, có chăng, chỉ áp dụng trong chính “tác phẩm” của họ, được coi như một dạng thử nghiệm.

Nguyên nhân của hiện tượng nói trên, là phản ứng “tự vệ văn hóa” của cộng đồng. Chữ viết, trải qua hàng trăm năm, đã hoàn thiện, ổn định, được cộng đồng chấp nhận như một sự kiện văn hóa, một loại hình văn hóa, đã trở thành cảm xúc thẩm mỹ trong mỗi cá nhân.

Chữ viết tiếng Việt (chữ quốc ngữ) đã trở thành một phần cuộc sống, tâm hồn, trí tuệ của cộng đồng, của mỗi cá nhân, vừa quen thuộc, máu thịt, vừa rất đỗi thiêng liêng, trở thành sợi dây kết nối các thế hệ, cộng đồng.

Vì vậy, những đề xuất cải cách một cách viết mới (mà theo người đề xướng là hợp lý, khoa học), thì cũng sẽ bị cộng đồng dị ứng, tẩy chay.

Mặt khác, ngay cả những đề xuất cải cách, cũng còn nhiều mâu thuẫn, bất cập. Ví dụ, không thể xóa bỏ được ranh giới giữa “s/x”, “ch/tr”, “d/r”… như đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền, bởi trong thực tế, sự phân biệt đó vẫn tồn tại.

Vì vậy, giới ngôn ngữ học cho rằng các đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền vừa cũ, vừa không hợp thời điểm, và dù công phu đến mấy, cũng chỉ có giá trị tham khảo./.

 

(Laodong)

Related Posts