Tứ giác kim cương: “NATO của Châu Á” hay giấc mộng viển vông

BVD – Mùa xuân năm 2017, khi Dhruva Jaishankar, nhà nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Viện Brookings (ở cả Washington D.C. và New Delhi), viết bài kêu gọi sự “hồi sinh” lại “Tứ giác Kim Cương”, ông không nghĩ mọi thứ sẽ bắt đầu thành hình vào mùa đông.

“Phản ứng tôi nhận được từ chính phủ Ấn Độ vào năm nay là việc này sẽ không đến sớm. Tôi hơi bất ngờ. Nhưng tôi biết Tokyo rất hào hứng và Canberra cũng quan tâm ở một mức độ nào đó”, ông nói với Zing.vn.

Người ta đã chứng kiến đủ sự kiện trong vài năm qua để thấy rằng các cơ chế đa phương trên thế giới đều đang gặp khó khăn, thậm chí khủng hoảng: Liên Hợp Quốc bất lực trước các cuộc xung đột, EU vấp phải sức ép cả ngoài lẫn trong, ASEAN không thể tìm kiếm đồng thuận trong vấn đề Biển Đông…

Trong thời điểm nhiều hoài nghi, một cơ chế hợp tác đa phương lại “choàng tỉnh” sau thập niên ngủ quên: “Tứ giác Kim cương”, sáng kiến hợp tác của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng dành cho Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ. Đại diện của 4 nước này đã gặp nhau tại Manila, Philippines bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các cuộc họp liên quan tháng này.

Khi “Tứ giác Kim cương” tái xuất sau 10 năm, mọi ngón tay được trỏ về phía Trung Quốc, nền kinh tế đang lên của khu vực và là đất nước với “tư tưởng không tương đồng”.

Từ Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức lên án cuộc gặp ở Manila, dù đó chỉ là cuộc họp cấp thấp chứ chưa phải bộ trưởng hay lãnh đạo và trong các tuyên bố sau cuộc gặp cũng không dòng nào đề cập Trung Quốc. Tờ China Daily nhanh chóng cáo buộc ý định hồi sinh “Tứ giác Kim cương” là nhằm thiết lập liên minh quân sự kiểu NATO tại châu Á, xây dựng cơ chế hợp tác “loại trừ”, trái ngược với những cơ chế hợp tác do Trung Quốc khởi xướng như “Vành đai, Con đường” hoặc Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á mà China Daily mô tả là mang tính “bao trùm”.

Tuy nhiên, tất cả những chuyên gia trao đổi với Zing.vn bác bỏ khả năng “Tứ giác Kim cương” sẽ trở thành “NATO của châu Á”.

Tu giac Kim cuong: 'NATO cua chau A' hay mo uoc vien vong? hinh anh 2

“Bộ tứ sẽ không bao giờ là một liên minh chính thức hay là cơ chế phòng thủ chung như NATO. Nó cũng sẽ không tập trung vào thương mại”, ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington D.C.), nói với Zing.vn.

Chuyên gia này cho rằng ý tưởng thúc đẩy hợp tác giữa các cường quốc hàng hải bậc trung trong khu vực là nhằm bảo vệ các lợi ích chung của họ trong trật tự châu Á dựa trên luật lệ.

“Mục đích của nó không phải để kiềm chế Trung Quốc, mà là nỗ lực nhằm thuyết phục Bắc Kinh trỗi dậy hòa bình và ngăn cản Bắc Kinh sử dụng vũ lực đe dọa các quốc gia láng giềng và hủy hoại các nguyên tắc ở khu vực biển”, ông Poling cho biết.

Zack Cooper, cựu trợ lý cố vấn an ninh quốc gia và hiện là chuyên gia tại CSIS, cũng cho rằng “bộ tứ” sẽ không thể nào là một NATO phiên bản châu Á: “NATO là liên minh dựa trên hiệp ước. Trong khi đó, bộ tứ không hình thành trên hiệp ước nào”.

“Tôi cho rằng triển vọng hình thành một bộ tứ nhìn chung là tích cực, nhưng quan trọng hơn cả là tập trung vào những gì nó (có thể) đạt được, hơn là việc họ gặp nhau (và thành lập cơ chế hợp tác)”, ông Cooper nói với Zing.vn. Nhiều khả năng 4 nước sẽ không thể hình thành một cơ chế chính thức như NATO.

Chuyên gia Jaishankar, người ủng hộ mạnh mẽ sự tăng cường hợp tác giữa 4 nước trên, cũng bác bỏ khả năng hình thành một liên minh quân sự.

“Bộ tứ sẽ không trở thành NATO của châu Á. Ấn Độ không phải đồng minh của Mỹ và cũng sẽ không trở thành đồng minh. Điều sẽ tồn tại ở đây là sự phối hợp sâu rộng hơn của 4 cường quốc hàng hải, 4 nền dân chủ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, là năng lực để đảm bảo vai trò an ninh lớn hơn cho khu vực,” ông nhận định với Zing.vn. “Cuộc gặp đầu tiên đầu tiên ở Manila là giữa các quan chức ngoại giao, vì vậy nó không phải là một sự sắp đặt quốc phòng hay tuyên bố chính trị quá mạnh mẽ từ 4 nước”.

Khi Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain ra tranh cử tổng thống vào năm 2007, ông hứa sẽ thể chế hóa “Tứ giác Kim cương” nếu trúng cử. McCain đã không thắng cử, và “Tứ giác Kim cương”, dù là phiên bản 1.0 hay 2.0, có thể sẽ không bao giờ trở thành một cơ chế hợp tác chính thức và sẽ không hiệp ước nào được ký.

Tu giac Kim cuong: 'NATO cua chau A' hay mo uoc vien vong? hinh anh 3

10 năm trước, một người Nhật, một người Mỹ, một người Australia và một người Ấn Độ đã bước vào căn phòng họp tại Manila (Philippines) để bàn thảo cho cơ chế hợp tác của 4 nền dân chủ trải dài từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Dự định của họ sụp đổ sau vài năm. 10 năm sau, tình cờ cũng tại Manila, quan chức 4 nước trên một lần nữa bước vào phòng họp để làm hồi sinh “bộ tứ” năm xưa. Rất nhiều điều đã thay đổi trong một thập kỷ bị đánh mất đó.

Tu giac Kim cuong: 'NATO cua chau A' hay mo uoc vien vong? hinh anh 4
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong cuộc gặp bên lề hội nghị ASEAN ở Philippines. Sẽ mất khá nhiều thời gian nữa để đại diện Mỹ, Nhật, Ấn và Australia họp bàn ở cấp độ bộ trưởng hoặc lãnh đạo. Ảnh: AFP.

Điều thấy rõ nhất là Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ. Hơn ai hết, lãnh đạo “bộ tứ” nhìn thấy sức mạnh của Trung Quốc hiển hiện ngay trên đất nước của họ. Với Australia, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất, bóng dáng người Trung Quốc tràn ngập từ thị trường bất động sản, cơ sở hạ tầng đến các trường đại học Trung Quốc. Tại Đông Bắc Á, Trung Quốc và Nhật Bản cạnh tranh nhau từ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đến vị trí dẫn đầu khu vực. Ở Nam Á, Trung Quốc lại đang đe dọa ngôi vị thống trị nhiều năm qua của Ấn Độ mà đỉnh điểm căng thẳng là cuộc đối đầu ở cao nguyên Doklam giữa năm nay.

Vị thế và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc vừa là động lực thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ hơn giữa “4 nền dân chủ tương đồng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, nhưng cũng vừa là áp lực mà nhóm này phải đương đầu. Australia và Ấn Độ là 2 nước từng chần chừ hoặc rút hẳn khỏi “Bộ tứ” 1.0 vì sự phản đối của Trung Quốc. Ngay từ cuộc gặp gỡ 4 bên duy nhất của “Tứ giác Kim cương” trong lần đầu tiên được nhen nhóm, Bắc Kinh đã phản đối ngay cả khi cuộc gặp chưa kịp diễn ra và chất vấn các bên tham gia về mục đích của họ.

Người ta không cần nói thêm về những thách thức mà Trung Quốc có thể gây ra đối với Mỹ tại châu Á, đặc biệt trong lúc ảnh hưởng của nước Mỹ tại đây lại đang suy giảm dưới thời Tổng thống Trump.

“Trung Quốc mạnh hơn và có vị thế cũng như tầm ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực, trong khi Trump thiếu ổn định, không đáng tin cậy và ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu”, ông Jeff Kingston, giám đốc chương trình Nghiên cứu Châu Á của Đại học Temple tại Nhật Bản, trao đổi với Zing.vn. “Sự thay đổi chính sách dưới chính quyền Trump đang nhượng lại ảnh hưởng cho Trung Quốc, ưu tiên thúc đẩy hợp tác hơn là đối đầu với Bắc Kinh”.

Một quan điểm được chia sẻ nhiều trong giới quan sát là Tổng thống Trump, vốn thường than phiền về gánh nặng an ninh Mỹ phải “gánh” cho các đồng minh và đối tác, đang muốn các thành viên “Bộ tứ” san sẻ trách nhiệm.

Ông Jaishankar cho rằng đó là mong ước của chính quyền Mỹ từ thời cựu Tổng thống Barack Obama: “Cả chính quyền Barack Obama và Donald Trump đều muốn được chia sẻ gánh nặng ở châu Á. Một phần mục đích của ‘Bộ tứ’ là vậy, một phần nó giữ nước Mỹ gắn bó với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Tương tự như yếu tố Trung Quốc, vai trò lãnh đạo suy giảm của Mỹ vừa là nguyên nhân để “Bộ tứ” xích lại gần nhau, vừa tạo ra thách thức cho tương lai của nhóm.

Tu giac Kim cuong: 'NATO cua chau A' hay mo uoc vien vong? hinh anh 5

Trong tầm nhìn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã khởi xướng ý tưởng này từ năm 2007 và tiếp tục cổ súy cho nó sau khi trở lại nắm quyền, sự gắn kết của “Tứ giác Kim cương” dựa trên việc 4 nước thành viên đều là “những nền dân chủ với tư tưởng tương đồng”.

Tuy nhiên, một “Bộ tứ” với “tư duy tương đồng” như điều ông Abe kỳ vọng là điều xa vời. Dù các nước này đều dè chừng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, nỗi lo của họ rất khác nhau, chủ yếu trong vấn đề quan hệ kinh tế với quốc gia này. Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn nhất của nhiều nước trong khu vực, khiến từng nước trong “Bộ tứ” trong phải tìm cách cân bằng lợi ích.

Ngay từ cuộc gặp tái ngộ đầu tiên ở Manila, cả 4 nước đã thể hiện họ là 4 nền dân chủ với vị trí địa chính trị và lợi ích rất khác biệt. Cuộc gặp này đã không cho ra một tuyên bố chung nào, thay vào đó là thông cáo của từng bên. Trọng tâm trong các tuyên bố cũng khác nhau, Ấn Độ đề cập đến bản chất bao trùm của khu vực hay Mỹ đề cao sự dân chủ của các đối tác trong nhóm, dù tất cả đều nhấn mạnh các giá trị chung.

“Thủ tướng Abe có những kỳ vọng lớn lao mà nhiều khả năng sẽ không được đáp ứng. Đây không phải là về thương mại mà là cố gắng tăng cường các mối quan hệ đối tác chiến lược vốn có”, ông Kingston nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý đến vị trí đặc biệt của Ấn Độ, nước không phải là đồng minh của Mỹ. Theo ông Kingston, Ấn Độ không có ý định tham gia vào một liên minh nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc và mong muốn một chiến lược không rõ ràng.

Reuters cũng nhận định trong khi hải quân Mỹ, Nhật và Australia có thể dễ dàng tham gia các cuộc tập trận hoặc nhiệm vụ cùng nhau, dựa trên hệ thống chiến thuật và dữ liệu do Mỹ thiết kế, Ấn Độ, nước không phải đồng minh của Washington, lại là một trường hợp khác. Nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu của Ấn Độ là do Nga sản xuất trong khi chính phủ lẫn quân đội nước này đều tỏ ra dè dặt trong việc chia sẻ dữ liệu và tham gia vào các kênh liên lạc quân sự nhạy cảm.

Mỹ tập trận hải quân với Ấn nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, dù vậy các nguồn tin hải quân và chuyên gia nói rằng các cuộc tập trận này giống “trao đổi văn hóa” hơn là thực hành tác chiến.

Trong khi đó, Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á -Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, lưu ý về những trở lực đang “níu kéo” Australia. Australia rất ngại những hành động mạnh bạo có thể khiến Trung Quốc phật lòng. Nhiều chính trị gia thuộc phe chủ hòa ở Australia mong muốn xem xét lại quan hệ đồng minh với Mỹ và coi đó là gánh nặng chiến lược đối với Australia. Dù Sách trắng gần đây của Australia đã tuyên bố tăng cường liên minh quân sự với Mỹ để đối phó với sự đi lên của Trung Quốc, bên trong Australia cũng tồn tại nhiều lợi ích kinh tế với Trung Quốc và những lợi ích này khó lòng bị hy sinh.

Với tất cả những thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài, một sự trở lại của “Tứ giác Kim cương” phải bao gồm việc thiết lập vị trí cho các thành viên, nhịp độ hợp tác, chương trình nghị sự, cách thức giao bên trong nội bộ và bên ngoài nhóm, đặc biệt là sự chuẩn bị cho những phản ứng từ Trung Quốc.

Tu giac Kim cuong: 'NATO cua chau A' hay mo uoc vien vong? hinh anh 6

Trong hoàn cảnh như vậy, “Tứ giác Kim cương” nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức một cơ chế hợp tác lỏng lẻo. Chuyên gia CSIS Zack Cooper cho rằng “Bộ tứ” trong tương lai sẽ là một “cơ chế không chính thức, trong đó các nhà lãnh đạo gặp gỡ thường xuyên, bàn thảo về các vấn đề mà các nước có lợi ích chung, đôi khi ra tuyên bố chung hoặc tiến hành tập trận, huấn luyện cùng nhau”.

“Các nước sẽ triển khai dần dần vì họ không muốn gây sự chú ý. Có nhiều thế lực không thích thú với sự hợp tác kiểu này, nghĩa là giữa các nước lớn nhưng không có Trung Quốc. Nhiều nước muốn dĩ hòa vi quý với Bắc Kinh hoặc cho rằng bất cứ hợp tác nào trong khu vực cũng cần có Trung Quốc”, ông Vuving bình luận với Zing.vn. 

Theo ông, “Bộ tứ” sẽ đi từ những bước nhỏ. “Cuộc gặp ở Philippines vừa qua chỉ diễn ra ở cấp độ chuyên viên. Các nguyên thủ cũng không gặp cùng lúc mà chỉ gặp tay đôi, nhằm tránh sự chú ý”.

Đầu tiên có thể là những cuộc họp ở mức độ chuyên viên nhằm điều phối hoạt động cứu trợ nhân đạo, đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ từng triển khai tập trận chung nên sẽ duy trì hoạt động này. Washington và New Delhi đã có thỏa ước về việc hỗ trợ hậu cần hải quân trên Ấn Độ Dương. Những bước mạnh mẽ hơn sẽ được triển khai trong tương lai.

“Tóm lại, hợp tác giữa các nước sẽ đi theo kiểu tay đôi hoặc tay ba, nằm trong tổng thể của không chỉ bộ tứ mà còn với một số nước khác có mối lo về sự bành trướng của Trung Quốc. Các nước đó sẽ hợp tác với một hoặc nhiều nước trong bộ tứ này”, ông Vuving nói.

Ý tưởng “Bộ tứ” nếu được triển khai vào thực tiễn, sẽ tạo dựng cuộc chơi địa chính trị mới hơn, rộng lớn hơn nhằm duy trì và tăng cường những lợi ích chiến lược mà cả 4 nước đang hướng đến.

Theo giới quan sát, cơ chế 4 bên này sẽ tồn tại song song và bổ trợ cho các cơ chế hợp tác hiện thời. Chẳng hạn, Mỹ đã thiết lập các quan hệ đồng minh và đối tác song phương với nhiều quốc gia trong khu vực theo một hệ thống “trục và nan hoa”, nhưng mạng lưới này có những hạn chế nhất định và chưa gắn kết hiệu quả. Vì thế, liên kết 4 bên được kỳ vọng sẽ giúp các nước phối hợp hiệu quả hơn trong các cơ chế đa phương.

Đối với khu vực, lợi ích to lớn nhất nó có thể mang lại về mặt an ninh là cổ vũ cho một trật tự khu vực dựa trên luật pháp. “Tứ giác Kim cương” sẽ đẩy mạnh hợp tác, đảm bảo an ninh cho khu vực nói chung và các quốc gia nhỏ tại Đông Nam  và Đông Á nói riêng. “Bộ tứ” sẽ đóng vai trò bổ trợ chứ không phủ nhận các định chế hiện có, trong đó có ASEAN.

“Chừng nào ‘Bộ tứ’ còn được xem như sự bổ sung, thay vì sự thay thế, thì cơ chế này sẽ củng cố cho trật tự dựa trên nguyên tắc trong khu vực, với kiến trúc dựa trên ASEAN (ASEAN là trung tâm – PV) vốn phát triển mạnh mẽ trong vòng hai thập niên qua”, ông Poling nhận định với Zing.vn.

Chuyên gia này đánh giá mặc dù ASEAN chưa sẵn sàng đảm nhiệm vai trò lèo lái các vấn đề như Biển Đông, “điều đó không có nghĩa rằng ASEAN không phải cơ chế hữu hiệu để xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại và củng cố các chuẩn mực của khu vực”.

“Tôi nghĩ ‘Bộ tứ’ sẽ gián tiếp tăng sức mạnh cho ASEAN và giúp đối trọng lại sự trỗi dậy của Trung Quốc”, Poling cho hay.

Bên cạnh đó, hình thức liên kết này sẽ góp phần thúc đẩy tự do thương mại, bằng cách tự do hóa các thiết chế thương mại khu vực và ủng hộ tự do hàng hải. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia đều là những nền kinh tế hàng đầu thế giới, sự hợp tác giữa 4 quốc gia này mở ra mối liên kết lớn về kinh tế cho khu vực.

Sự hình thành của “Tứ giác Kim cương” sẽ có tác động nhất định đến cục diện Ấn Độ – Thái Bình Dương, sắp xếp lại bàn cờ khu vực. Cán cân chiến lược tại đây sẽ thay đổi, nhưng mức độ ảnh hưởng của mối liên kết này đến đâu còn phụ thuộc vào sự hợp tác của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong thời gian tới.

Cho đến giờ phút này, với những nỗ lực thấy rõ từ Thủ tướng Shinzo Abe và chính phủ Nhật Bản, rõ ràng Tokyo đang là động lực chính để thúc đẩy sự hồi sinh của “Bộ tứ”. Vấn đề các chuyên gia lo ngại là liệu Nhật Bản có sẵn sàng để lãnh đạo lâu dài không hay họ vẫn hy vọng đến cuối cùng, Mỹ là người cầm trịch.

“Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ không mang đến một sự lãnh đạo hiệu quả và lâu dài”, ông Kingston dự đoán.

Tu giac Kim cuong: 'NATO cua chau A' hay mo uoc vien vong? hinh anh 7

  • NATO

    NATO

    Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (viết tắt: NATO) là một liên minh quân sự dựa trên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết vào ngày 4 tháng 4 năm 1949 bao gồm Mỹ và một số nước ở châu Âu (các nước 2 bên bờ Đại Tây Dương). Những năm đầu tiên thành lập, NATO chỉ là một liên minh chính trị. Tuy nhiên, do cuộc chiến tranh Triều Tiên tác động, một tổ chức quân sự hợp nhất đã được thành lập.

    Bạn có biết: Trên danh nghĩa, NATO là liên minh phòng thủ trong đó các nước thành viên thực hiện phòng thủ chung khi bị tấn công bởi bên ngoài. Thực tế, NATO cũng tổ chức nhiều cuộc tấn công nhằm vào các quốc gia khác dù các quốc gia này chưa hề xâm phạm đến các thành viên như cuộc tấn công Nam Tư năm 1999, Afghanistan năm 2001…

    • Thành lập: 4/4/1949
    • Trụ sở chính: Bruxelles (Bỉ)
    • Số nước thành viên: 28

 

(Zing)

Related Posts