‘Bắt ông Thăng là minh chứng không có vùng cấm’

BVD – Trao đổi với Zing.vn, PGS Nguyễn Trọng Phúc cho hay việc khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng với những sai phạm về kinh tế là điều chưa có trong tiền lệ lịch sử Đảng.

Sau thông tin ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, khởi tố, bắt giam, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng viện Lịch sử Đảng, nhận định đây là minh chứng cho sự khẳng định không có bất cứ vùng cấm hay ngoại lệ trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật

PGS Phúc đánh giá dù ông Đinh La Thăng trong quá trình công tác có những nỗ lực, những thành tựu nhất định nhưng nếu vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật thì vẫn phải xử lý, đúng người, đúng tội.

“Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Ông Đinh La Thăng có sai phạm tại thời điểm làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì cũng không chỉ thuyên chuyển hoặc cho hạ cánh an toàn mà phải xử lý để làm gương. Việc xử lý ông Đinh La Thăng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với những cán bộ giữ vị trí quan trọng rằng công cuộc phòng chống tham nhũng không có vùng cấm”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói.

'Bắt ông Thăng là minh chứng không có vùng cấm' - Ảnh 1

Về vụ thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), PGS Nguyễn Trọng Phúc cho hay đây cũng là vấn đề được người dân và những đảng viên như ông đặt câu hỏi về việc có dấu hiệu của lợi ích nhóm, của chủ nghĩa thân hữu hay không.

“Tuy nhiên mọi việc sẽ do cơ quan chức năng điều tra và làm rõ theo đúng trình tự pháp luật, chúng ta không thể suy diễn”, PGS. Phúc nói.

Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng nhìn nhận việc kỷ luật những cán bộ cấp cao là điều không lấy gì làm vui vẻ mà quan trọng hơn cần những thiết chế để cán bộ không dám và không thể vi phạm kỷ luật hay tham nhũng, tiêu cực.

“Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có bước chuyển biến thực sự. Tuy nhiên, chúng ta cần làm quyết liệt hơn nữa để ‘đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành phong trào, thành xu thế không ai đứng ngoài cuộc và cũng không thể đứng ngoài được’ như lời Tổng bí thư đã nói”, PGS Phúc cho hay.

—–

“Việc xử lý ông Đinh La Thăng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với những cán bộ giữ vị trí quan trọng rằng công cuộc phòng chống tham nhũng không có vùng cấm”

PGS Nguyễn Trọng Phúc

—–

Theo ông Phúc, trong lịc sử, Đảng đã từng thi hành kỷ luật một số ủy viên Bộ Chính trị nhưng chỉ là về mặt đảng. “Việc khởi tố, tạm giam ông Đinh La Thăng – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị với những sai phạm liên quan tới lĩnh vực kinh tế là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử đảng”, PGS Phúc nói.

Trong khi đó nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng đánh giá về việc hàng loạt cán bộ cấp cao mắc vi phạm nghiêm trọng bị phát hiện, xử lý từ sau Đại hội Đảng XII cho thấy công tác chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết định.

Quyết tâm của Bộ Chính trị, Tổng bí thư nhận được sự ghi nhận của người dân. Chống tham nhũng trở thành xu thế tất yếu mà không thể cưỡng được nữa.

Ông Thăng liên quan hai vụ án kinh tế nghiêm trọng

Ngày 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết “Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV”.

Thay mặt Bộ Chính trị, ông Phạm Minh Chính (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) đã ký Quyết định 631- QĐNS/TW về việc đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Đinh La Thăng.

'Bắt ông Thăng là minh chứng không có vùng cấm' - Ảnh 2

Chiều 8/12, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã có lệnh khởi tố, bắt tạm giam với ông Đinh La Thăng để điều tra tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thăng liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra.

Một là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank).

Hai là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước bị xử lý ra sao?

Theo Điều 165 Bộ luật hình sự, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

'Bắt ông Thăng là minh chứng không có vùng cấm' - Ảnh 3

Cảnh sát xuất hiện ở khu vực nhà ông Đinh La Thăng tối 8/12. Ảnh: Phạm Duy.

Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt hay gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

Nếu phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm./.

 

(Zing)

Related Posts