Nga – phương Tây: Rối lại càng rối

BVD – Căng thẳng liên quan đến vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh đang khiến quan hệ giữa Moscow và các nước phương Tây phức tạp hơn bao giờ hết.

Tâm điểm của cộng đồng quốc tế trong những ngày này chính là diễn biến xung quanh hục hặc giữa Nga và phương Tây về vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal. Ngày 4/3/2018, ông này cùng con gái được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh và khó thở trên băng ghế gần một khu mua sắm tại vùng Salisbury, Anh. Cả hai đã nhanh chóng được điều trị, nhưng hiện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Khám nghiệm ban đầu cho thấy ông Skripal và con gái đã bị đầu độc bởi độc tố thần kinh Novichok A-232, “đặc sản” của điệp viên Nga, được sản xuất trong giai đoạn 1971 – 1993.

Do đó, không có gì khó hiểu khi London nói riêng, cũng như Brussels và Washington nói chung, đã ngay lập tức “chĩa mũi dùi” về phía Kremlin, cho rằng Moscow đã điều động Tổng cục An ninh Liên bang (FSB) “khử” ông Skripal để bịt đầu mối. Tuy nhiên, suy đoán này đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tổng thống Vladimir Putin khi ông cho rằng cáo buộc này là vô căn cứ và nhằm làm suy yếu, cô lập Nga. Những diễn biến “nóng” hiện nay cho thấy căng thẳng này sẽ tiếp tục chi phối quan hệ giữa Nga và phương Tây thời gian tới.

nga phuong tay roi lai cang roi
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Anh Theresa May (phải). (Nguồn: AP/Reuters)

Ngọn lửa bùng cháy

Ngay sau vụ việc, Thủ tướng Anh Theresa May đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ nhất nhắm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho rằng các điệp viên Moscow “là nghi phạm số một” với hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của London và sẽ có động thái đáp trả. Nói là làm, ngày 26/3, trong một tuyên bố đồng thuận hiếm hoi thời hậu Brexit, Liên minh châu Âu (EU) và Anh thông báo sẽ trục xuất một số lượng lớn các quan chức ngoại giao Nga, được cho là gián điệp hoạt động tại châu Âu, đồng thời xem xét tẩy chay World Cup 2018 tới tại xứ Bạch Dương.

Cùng ngày, Washington cũng có động thái tương tự với 60 nhà ngoại giao Nga, đưa con số này lên tới 130 người. Ngày 26/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders khẳng định: “Hành động mới nhất của các điệp viên Nga tại Anh nằm trong chuỗi những hoạt động gây bất ổn trên toàn thế giới. Với động thái này, Washington cùng những đồng minh và đối tác muốn Moscow hiểu rõ rằng Kremlin phải hứng chịu hậu quả cho những hành động của mình”. Mỹ cũng đã đóng cửa tạm thời Tổng Lãnh sự quán Nga tại Seattle.

Đối mặt với làn sóng phản đối, song Nga vẫn không hề nao núng. Tổng thống Vladimir Putin đã nhanh chóng tuyên bố sẽ “có những hành động đáp trả… động thái thiếu thân thiện” đến từ các quốc gia phương Tây. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì cho rằng đây là “kết quả của những áp lực chính trị và kinh tế, vốn là vũ khí chủ chốt của Washington trên chính trường quốc tế nhân cái gọi là vụ việc Skripal” và cam kết sẽ đáp trả bằng động thái tương tự, trước mắt là trục xuất ít nhất 100 nhà ngoại giao đến từ những nước phản đối. Những diễn biến “ăn miếng trả miếng” này ngày càng khiến quan hệ giữa Moscow và phương Tây đi vào ngõ cụt.

Bổn cũ soạn lại?

Tuy nhiên, cần nhớ rằng đây không phải là lần đầu tiên diễn ra những vụ việc như vậy. Trước vụ việc của ông Skripal, tháng 11/2006, cộng đồng quốc tế cũng đã một phen chấn động khi cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko đã bị đầu độc bằng đồng vị phóng xạ Polonium-210 khi đang tị nạn tại Anh. Từng làm việc trong FSB, nắm giữ nhiều bí mật liên quan của chính giới Nga trước khi đào tẩu sang Anh, ông Litvinenko được cho là đã bị các đồng nghiệp cũ “ra tay” nhằm bịt đầu mối, nhất là khi ông liên tục viết sách kể về thời gian “công tác” tại Moscow và nghe lệnh của Tổng thống Putin. Cái chết của ông Litvinenko đã khiến mối bang giao giữa Moscow và London nguội lạnh trong một thời gian dài, với những động thái trục xuất quan chức ngoại giao và đóng băng quan hệ.

Tương tự, việc cựu điệp viên Nga Skripal và con gái bị đầu độc sẽ một lần nữa khiến quan hệ Nga và phương Tây rơi vào bế tắc, thậm chí nghiêm trọng hơn lần trước, nhất là khi hai bên đang có nhiều xung đột về lợi ích. Vấn đề chủ quyền Crimea vẫn tiếp tục chia rẽ Moscow và Brussels, nhất là khi Kremlin và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự dọc biên giới Ukraine nhằm răn đe lẫn nhau. Bên cạnh đó, EU tiếp tục duy trì các lệnh cấm vận Nga, khiến cho quá trình hồi phục kinh tế của Moscow gặp không ít khó khăn.

Trong khi đó, cuộc “thánh chiến” chống lại sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ năm 2016 vẫn đang trên đà mở rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Quan trọng hơn, Washington cùng lực lượng nổi dậy đang tỏ ra yếu thế trên chiến trường Syria trước quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad được Moscow hậu thuẫn. Thêm vào đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton mới được bổ nhiệm đều là những người có quan điểm rất cứng rắn với Kremlin. Do đó, động thái trục xuất các nhà ngoại giao Nga có thể khiến Mỹ lấy lại phần nào vị thế trên bàn cờ địa chính trị và khẳng định thái độ không khoan nhượng với bất kì hành động nào gây tổn hại tới lợi ích của Washington và đồng minh. Những lời qua tiếng lại, lệnh trừng phạt hay đe dọa trục xuất ngày một đan xen, khiến mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây rối lại càng rối.

(baoquocte)

Related Posts