Âm mưu diễn biến hòa bình của địch ở vùng biên cương Tổ quốc

BVD – Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm chính sách dân tộc và tôn giáo đối với đồng bào nơi biên cương Tổ quốc, coi đây là một biện pháp quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Trong thời gian vừa qua, các thế lực phản động và thù địch lợi dụng những tồn tại, yếu kém của một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để thực hiện “chiến lược diễn biến hòa bình” nhằm gây chia rẽ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Chúng tập trung mũi nhọn tuyên truyền, khuếch đại những vấn đề nhạy cảm về biên giới, dân tộc, tôn giáo hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước ta, cuối cùng là xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta.

5acb2194f9ff195813005031
BĐBP Đắk Lắk tuần  tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Bích Nguyên

Nội dung của chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực phản động và thù địch thường sử dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số  vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa là lợi dụng điều kiện địa hình hiểm trở, phức tạp, trình độ văn hóa, xã hội của đồng bào hạn chế, từ đó dùng các thủ đoạn về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, đối ngoại, an ninh, quốc phòng để phá hoại, làm suy yếu từ bên trong nội bộ các tổ chức Đảng, chính quyền.

Chúng kích động hòng gây mâu thuẫn dân tộc và tôn giáo nhằm tạo ra các lực lượng chính trị đối lập núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, sắc tộc. Chúng hết sức coi trọng thủ đoạn khích lệ lối sống thực dụng, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên, học sinh. Đồng thời, chúng triệt để khai thác và lợi dụng những khó khăn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và những thiếu sót của các cấp chính quyền để kích động, tạo sức ép nhằm từng bước chuyển hóa, làm thay đổi đường lối chính trị, chế độ xã hội theo sắc màu riêng do chúng nặn ra.

Âm mưu, thủ đoạn chúng đã và đang sử dụng để chống phá đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nơi biên cương là: Tung tin thất thiệt, khuyến khích di dân tự do, truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Song song với đó, chúng tiến hành xây dựng nhân cốt, tạo dựng ngọn cờ; tuyển chọn người vào các tổ chức phản động, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết bằng các thủ đoạn lừa gạt, chiếm đoạt, kết hợp mê hoặc với cưỡng chế, kết hợp giữa thuyết phục với tung tin để răn đe; tuyên truyền kích động, lôi kéo, tạo dựng thời cơ để gây bạo động chống phá chính quyền. Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng thủ tiêu, tàn sát, thanh trừng lẫn nhau để bịt đầu mối.

Điển hình cho hoạt động chống phá về mặt chính trị – kinh tế trong những năm qua, ở một số nơi trên tuyến biên giới Tây Nam, Tây Bắc nước ta là các hoạt động kích động chính trị trên lĩnh vực tranh chấp đất đai, chia rẽ khối đại đoàn kết trong thôn bản. Lợi dụng những yếu kém, sơ hở của chính quyền địa phương xuyên tạc sự thật, kích động, chia rẽ nhân dân, chống đối chính quyền, làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống hoà bình, làm ăn sinh sống của đồng bào.

Đặc biệt, chúng hết sức chú trọng yếu tố tâm lí và sự dồn nén khó khăn về đời sống tinh thần, vật chất để tạo dựng xu hướng bất bình với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Ở các mức độ khác, chúng còn ngấm ngầm truyền bá tư tưởng phản động, kích động ly khai dân tộc, đòi thành lập Nhà nước tự trị; lôi kéo, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ Việt Nam với các nước láng giềng.

Mục tiêu sâu xa của chúng là tổ chức, tập hợp lực lượng phản động, xây dựng cơ sở ngầm chống đối trong nội bộ các dân tộc, gây nên các cuộc bạo loạn mang tính chất chính trị, hòng tạo cớ để các thế lực thù địch bên ngoài can thiệp, gây mất ổn định chính trị đất nước.

Về thủ đoạn chống phá trong lĩnh vực dân tộc và tôn giáo, chúng đã có bước điều chỉnh mới so với những năm trước đây. Lợi dụng những khó khăn ở những vùng đồng bào dân tộc ít người, những tồn tại do lịch sử để lại, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào còn thấp và những khuyết điểm trong thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo của một bộ phận cán bộ để kích động tư tưởng đòi li khai, tự quyết dân tộc.

Chúng vừa ngấm ngầm, vừa công khai truyền đạo trái pháp luật để thực hiện âm mưu “tôn giáo hoá dân tộc”, từng bước gây mất ổn định xã hội và làm chệch hướng chế độ CNXH ở Việt Nam. Thực tiễn diễn ra trong các năm 2001 trên địa bàn các tỉnh Tây Nam bộ, Tây Nghệ An và vùng Tây Bắc; tại các tỉnh Tây Nguyên tháng 10-2004; tại Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và đầu năm 2011 và một số nơi khác gần đây đã chứng minh điều đó.

Lợi dụng sự mê tín, dị đoan nhẹ dạ, cả tin của một số người, bọn phản động bên ngoài cấu kết với bọn xấu tại địa phương để lừa bịp, mê hoặc quần chúng, hình thành “chân rết” của các tổ chức phản động như Tân Việt; từng bước phát triển lực lượng, tuyên truyền, kích động chia rẽ dòng họ, dòng tộc, làng bản với mưu đồ khống chế và vô hiệu hóa một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương yếu kém để khi có thời cơ, chúng thực hiện ý đồ chính trị của mình…

5acb2156f9ff195813005030
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea Hleo hướng dẫn người dân học bài tại lớp học xóa mù chữ do đơn vị tổ chức. Ảnh: Bích Nguyên

Để làm thất bại âm mưu “chiến lược diễn biến hòa bình” của địch đối với đồng bào vùng biên giới, hải đảo cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp, của cả hệ thống chính trị. Trong đó, vấn đề quan trọng có ý nghĩa quyết định là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc cho toàn dân. Bảo vệ Tổ quốc là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở chính trị – xã hội vững mạnh về mọi mặt, bảo đảm cho chính quyền địa phương luôn ổn định, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả, nền nếp hoạt động của các tổ chức quần chúng…

Mặt khác, quan tâm củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh theo quan điểm của Đảng; giữ gìn tình đoàn kết, thân ái và hữu nghị với nhân dân các dân tộc các nước láng giềng cùng chung sống gần gũi trên một dải biên cương. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng, Nhà nước tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng biên cương, vùng sâu, vùng xa.

 

PGS, TS Vũ Đăng Hiến

 

(Bienphong)

Related Posts