4 ngày sau thư hủy hẹn, Trump tăng sức ép để chuẩn bị gặp Kim

BVD – Tổng thống Trump liên tục gia tăng sức ép lên cấp dưới nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại.

Các quan chức mô tả tình thế hỗn loạn mang tính rủi ro cao với kết quả khó đoán sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép lên các trợ lý nhằm xúc tiến cuộc thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra đúng tiến độ.

Theo CNN, bất chấp những lo ngại của giới an ninh quốc gia về khoảng thời gian chuẩn bị ít ỏi, Tổng thống Trump công khai phát tín hiệu ông sẵn sàng tiến hành cuộc đàm phán ngày 12/6 mà chính ông đã thông báo hủy cách đây 4 ngày.

Sau một loạt những bất ngờ và thay đổi trong vài ngày qua, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều có thể sẽ vẫn diễn ra đúng lịch trình. Ảnh: AFP.

Mới đây, ông Trump đã phái các quan chức Mỹ đến châu Á nhằm tìm hiểu về những yêu cầu của ông Kim Jong Un đối với cuộc thượng đỉnh. Cùng trong ngày 28/5, Nhà Trắng chờ đợi thông tin từ phái đoàn Mỹ đang thương lượng với quan chức Triều Tiên tại khu phi quân sự DMZ và nhóm tiền trạm chuẩn bị công tác hậu cần tại Singapore.

Vào lần cuối hai bên lên kế hoạch cho cuộc thượng đỉnh, phía Triều Tiên đã không có mặt dẫn tới quyết định hủy gặp từ phía Tổng thống Trump. Do vậy, các quan chức tỏ ra lạc quan một cách thận trọng về những cuộc trao đổi lần này, dù họ bí mật bày tỏ sự nghi ngờ về thời gian biểu gấp rút.

Theo giới chức Mỹ, những cuộc gặp cấp cao khác giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và các quan chức cấp cao nhất phía Triều Tiên cũng có khả năng diễn ra trước ngày 12/6.

Một chiến thắng ngoại giao

Các quan chức cấp cao của chính quyền Trump, bao gồm Cố vấn an ninh quốc gia “diều hâu” John Bolton, đã nói với tổng thống rằng một cuộc gặp chớp nhoáng với ông Kim cũng có thể coi là chiến thắng ngoại giao vì nó tạo tiền đề cho những lần gặp quan trọng hơn sau này.

“Phái đoàn quan chức Mỹ đã có mặt tại Triều Tiên để thảo luận về các công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa tôi và ông Kim Jong Un”, Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter ngày 27/5. “Tôi tin rằng Triều Tiên có tiềm năng xán lạn và một ngày nào đó sẽ trở thành một quốc gia với nền kinh tế và tài chính lớn. Ông Kim Jong Un sẽ đồng ý với tôi về điều này. Nó chắc chắn sẽ xảy ra!”

Ông Sung Kim hiện là đại sứ Mỹ tại Philippines. Ảnh: Rappler.

Cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Sung Kim đã dẫn đầu đội ngũ của Nhà Trắng đi qua biên giới liên Triều đến Nhà Thống Nhất thuộc lãnh thổ Triều Tiên. Mục tiêu của cuộc gặp trù bị này bao gồm soạn thảo một tuyên bố chung cho hai nhà lãnh đạo phê duyệt tại cuộc gặp lịch sử, các quan chức Mỹ cho biết.

Hiện tại, chúng ta chưa rõ liệu ông Kim Jong Un có sẵn sàng đồng ý với một thời gian biểu cho việc từ bỏ chương trình hạt nhân hay không, cũng như những đòi hỏi của ông với Mỹ để đổi lại việc đó. Các cuộc trao đổi trước đây giữa quan chức hai bên đều thất bại trong việc làm sáng tỏ quá trình giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cột mốc 12/6 đang tiến đến gần, sức ép từ phía trên khiến tiến độ chuẩn bị của các trợ lý được đẩy cao. John Park, Giám đốc nhóm Công tác Triều Tiên tại trường Harvard nhấn mạnh vai trò của tuyên bố chung mà hai bên cần soạn thảo trước khi buổi họp diễn ra, “Tôi nghĩ bản tuyên bố chung sẽ là sự ra mắt chính thức của cơ chế phi hạt nhân hóa”.

Những chi tiết bỏ ngỏ

Nội dung chi tiết về kế hoạch giải trừ hạt nhân của Triều Tiên vẫn là một dấu chấm hỏi. Các quan chức Mỹ cho rằng kết quả khả quan nhất của cuộc gặp thượng đỉnh chỉ có thể là khuôn khổ cho các cuộc thương lượng trong tương lai.

Tương tự như với thỏa thuận hạt nhân Iran, nội dung chi tiết về những gì Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ hoặc những bước tiếp theo của Mỹ để đối lấy việc giải trừ hạt nhân sẽ được soạn thảo bởi cấp làm việc trong khoảng thời gian dài sau đó.

Triều Tiên cho nổ bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngày 24/5. Ảnh: CNN.

“Tôi nghĩ đây sẽ chỉ là một cuộc gặp xã giao nơi hai nhà lãnh đạo cười nói và bắt tay nhau, nhưng điều đó không hẳn quá tệ”, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus đánh giá. “Tôi hy vọng cuộc thượng đỉnh này sẽ trở thành nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi cho những trao đổi thẳng thắn, chi tiết, và thực tế hơn trong tương lai”.

Tại Singapore, nhóm tiền trạm Mỹ do Phó giám đốc Nhà Trắng Joe Hagin dẫn đầu đã có mặt vào tối muộn ngày 28/5 để chuẩn bị các công tác hậu cần trước cuộc thượng đỉnh. Nhóm đã khảo sát các địa điểm tiềm năng nơi cuộc gặp có thể được tổ chức từ trước khi Tổng thống Trump tuyên bố hủy hẹn.

Cũng trong ngày 28/5, một quan chức Triều Tiên đã quá cảnh tại sân bay Bắc Kinh để lên đường tới Singapore, theo nguồn tin từ hãng thông tấn Yonhap. Lo ngại lớn nhất của quan chức này nằm ở nhu cầu an ninh của ông Kim Jong Un tại Singapore, bao gồm số lượng vệ sĩ mà ông Kim được phép mang theo trong cuộc gặp với Tổng thống Trump. Ngoài ra, ông muốn trao đổi với phía Mỹ về thành phần đoàn đại biểu và mức độ tiếp cận của truyền thông tới buổi họp.

Những nội dung này đáng lẽ đã được làm rõ trong chuyến đi tới Singapore của ông Hagin từ hai tuần trước, nhưng phái đoàn Triều Tiên đã không có mặt.

90s: Thế giới ‘chóng mặt’ vì Kim – Trump ‘chia tay rồi không chia tay’ Thế giới lại một phen “chóng mặt” với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố “hủy kèo” hội nghị thượng đỉnh nhưng chưa đầy 24 giờ đã đổi ý.

(theo Zing.vn)

Related Posts