Tranh chấp thương mại Mỹ – Trung sẽ còn kéo dài

BVD – Tranh chấp thương mại Mỹ – Trung dự kiến sẽ kéo dài, song kết quả các vòng đàm phán đang diễn ra cho thấy không bên nào muốn đẩy tranh chấp hiện nay thành cuộc chiến thương mại “một mất một còn”.

Bắc Kinh và Washington ngày 19/5 đã ra tuyên bố chung về tham vấn kinh tế và thương mại, sau khi hai bên kết thúc vòng đàm phán thứ hai nhằm giải quyết những bất đồng thương mại gây căng thẳng trong thời gian qua. Tuy nhiên, những phàn nàn chính của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn khá mơ hồ.

Chủ tịch Ủy ban Thuế vụ và An sinh Xã hội Hạ viện Mỹ Kevin Brady (thứ 3, trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (thứ 3, phải) tại cuộc họp ở Washington, DC ngày 16/5. Ảnh: THX/TTXVN

Tuyên bố trên chỉ cho biết hai nước “cho rằng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là hết sức quan trọng… Trung Quốc sẽ thực hiện những sửa đổi phù hợp đối với các điều luật và quy định của nước này, trong đó có Luật bản quyền”.

Nhiều nhà lập pháp và chuyên gia xuất khẩu lo ngại rằng Tổng thống Trump có thể ưu tiên giảm thâm hụt thương mại lên trên việc giải quyết điều mà Washington cho là Bắc Kinh đã lạm dụng các quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, tuyên bố chung trên dù cho biết hai bên nhất trí rằng Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ và thực hiện các biện pháp hữu hiệu để giảm thâm hụt thương mại, nhưng lại không cho biết liệu hai nước có hoãn hay rút lại những đe dọa đánh thuế trước đó đối với hàng hóa nhập khẩu từ đối phương trị giá hàng tỷ USD, điều đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại và làm chao đảo các thị trường tài chính suốt thời gian qua.

Trước đó, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cho biết Trung Quốc đã đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhằm giảm mạnh mức thâm hụt thương mại lên tới 375 tỷ USD giữa hai nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng với tổng giá trị hàng hóa mà Trung Quốc mua từ Mỹ vào năm ngoái là 130 tỷ USD, Trung Quốc khó có thể đạt được con số trên nhằm đáp ứng mục tiêu mà Tổng thống Donald Trump đề ra trước vòng đàm phán đầu tiên vừa diễn hai tuần trước ở Bắc Kinh.

Bản thân Mỹ cũng khó có thể sản xuất thêm đủ số lượng hàng hóa mới để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu thêm 200 tỷ USD mỗi năm sang Trung Quốc, nhất là về ngắn hạn.

Đơn cử như Mỹ đang hối thúc Bắc Kinh tăng mạnh việc mua máy bay Boeing, hiện có giá 250-300 triệu USD một chiếc. Năm ngoái, Mỹ xuất khẩu số máy bay trị giá 16,3 tỷ USD.

Mỹ cũng muốn tăng mạnh xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Nhưng cho tới nay, Mỹ mới chỉ có hai cơ sở xuất khẩu LNG hoạt động, và dự kiến tới năm 2020 có thêm bốn cơ sở nữa đi vào hoạt động. Với mức giá hiện nay, toàn bộ số khí đốt phục vụ xuất khẩu đạt trị giá khoảng 20 tỷ USD.

Song Trung Quốc sẽ chỉ có thể nhập một phần sản lượng này, vì các công ty Mỹ không muốn quá phụ thuộc vào việc bán hàng cho một quốc gia. Như nhà sản xuất máy bay Boeing cũng chỉ bán khoảng 1/4 số máy bay của họ cho Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ đang áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu những mặt hàng công nghệ cao sang Trung Quốc. Hàng bán dẫn là một ví dụ. Do bị kiểm soát nên xuất khẩu trực tiếp sản phẩm chip của Mỹ sang Trung Quốc năm ngoái chỉ đạt 6,1 tỷ USD, trong khi Mỹ cùng kỳ xuất khẩu tổng cộng 47,7 tỷ USD hàng bán dẫn, và hầu hết xuất sang các quốc gia châu Á.

Tại những nước này, hàng bán dẫn của Mỹ được thử nghiệm và lắp ráp trong nhiều linh kiện khác nhau và thường được chuyển sang Trung Quốc để lắp vào máy tính và thiết bị viễn thông.

Những nguyên nhân khách quan và chủ quan từ cả hai phía khiến sự mất cân bằng về mậu dịch giữa hai nước khó có thể được giải quyết, nên tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ còn dai dẳng.

Tuy nhiên, kết quả các vòng đàm phán đang diễn ra cho thấy không bên nào muốn đẩy tranh chấp hiện nay thành cuộc chiến thương mại “một mất một còn”.

Giới phân tích nhận định có lẽ Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật kéo dài các cuộc đàm phán. Như vậy họ có thế có thêm thời gian, thể hiện thiện chí thảo luận về những quan ngại của của Washington với hy vọng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ đem lại một chính quyền “ôn hòa” hơn.

Về phần Mỹ, mối lợi từ thị trường Trung Quốc to lớn và quan trọng cũng sẽ buộc Washington phải cân nhắc từng đường đi nước bước để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tốt hơn, thay vì một cuộc chiến khó phân thắng bại mà cả hai bên đều tổn thất nặng nề.

Bên cạnh đó, tuyên bố chung cũng không đề cập đến việc liệu các lệnh cấm đang gây tê liệt nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc mà Bộ Thương mại Mỹ ban hành hồi tháng trước có được dỡ bỏ hay không.

Trước đó, ngày 16/4, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các công ty trong nước xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cho ZTE sau khi phát hiện doanh nghiệp này vi phạm các điều khoản thi hành án phạt từ một tòa án Mỹ đối với hành vi bán hàng cho Iran và CHDCND Triều Tiên bất chấp các lệnh trừng phạt.

Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng ông đã chỉ thị cho bộ trên giúp ZTE phục hồi hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, trong một tín hiệu khả quan, Tân Hoa xã ngày 20/5 dẫn lời Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu phái đoàn cấp cao Trung Quốc tới Washington trong tuần qua, cho hay: “Hai bên đã đạt đồng thuận, sẽ không tiến hành một cuộc chiến thương mại, và sẽ ngừng tăng thuế lẫn nhau”.

(Bnew)

Related Posts