Chiều tối nay bão số 3 đổ bộ Nghệ An – Hà Tĩnh

BVD – Chiều tối 18/7, tâm bão số 3 tiệm cận vùng biển Nghệ An – Hà Tĩnh. Khi đi vào khu vực vịnh Bắc Bộ và cập bờ, bão khả năng giảm còn cấp 7, giật cấp 11.

Sáng 18/7, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3 trên Biển Đông.

Bão số 3 gây mưa lớn khu vực Bắc Trung Bộ

Dự báo tình hình, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, cho biết bão số 3 hiện nằm trên đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đất liền Nghệ An 400 km và Hà Tĩnh 340 km về phía đông.

Chieu toi nay bao so 3 do bo Nghe An - Ha Tinh hinh anh 1
Bộ trưởng NNPT&NN Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Trà My.

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng Hong Kong, Nhật Bản, Mỹ, bão số 3 di chuyển nhanh theo hướng tây, vận tốc 30-35 km/h. Chiều tối nay, tâm bão tiệm cận vùng biển Nghệ An – Hà Tĩnh. Khi đi vào khu vực vịnh Bắc Bộ và cập bờ, bão giảm còn cấp 7, giật cấp 11. Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cũng có nhận định tương tự.

Từ chiều nay, vùng ven biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6. Dự kiến sóng cơn bão ngoài khơi 3-5 m, ven bờ 2-4 m. Thuỷ triều vào thời điểm bão đổ bộ cao khoảng 3,5 m.

“Đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, Việt Bắc gồm cả Hoà Bình, Sơn La có lượng mưa khoảng 100-200 mm. Thanh Hoá, Nghệ An có lượng mưa đỉnh điểm khoảng 200-300 mm, nhiều nơi trên 400 mm”, ông Cường nói thêm.

Thượng lưu hệ thống sông ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều ở mức BĐ1-BĐ2, cá biệt ở Sơn La trên BĐ2. Đặc biệt, các khu vực vùng núi phía Bắc, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.

Hệ thống sông Hồng – Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long và thượng lưu các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh lên mức BĐ1-BĐ2, sông Bưởi (Thanh Hoá) trên BĐ2; hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở dưới mức BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi các tỉnh phía Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

Chieu toi nay bao so 3 do bo Nghe An - Ha Tinh hinh anh 2
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 3. Ảnh: NCHMF.

Theo báo cáo của BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong khoảng 14-17/7, các khu vực trên cả nước có mưa vừa đến mưa rất to, lượng mưa phổ biến 180-250 mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như Linh Cảm (Hà Tĩnh) 436 mm, Hòa Duyệt (Hà Tĩnh) 457 mm, Chợ Tràng (Nghệ An) 485 mm, Ba Lạt (Thái Bình) 354 mm, Sầm Sơn (Thanh Hóa) 306 mm…

Nguy cơ ngập úng ở nhiều địa phương

Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, thông tin lúc 9h sáng, còn 34 tàu cá/94 lao động vẫn hoạt động ở vùng nguy hiểm. “Các địa phương đã thông tin cho các tàu này biết, sẽ khẩn trương di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm trước 12h trưa nay”, vị này chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, cho biết 80-90% lúa ở vùng ven biển tỉnh Nam Định có nguy cơ bị ngập. “Ngập úng là vấn đề khó khăn ở địa phương này, với 27.000 ha lúa ngập trắng”, ông Tỉnh cho biết.

Chieu toi nay bao so 3 do bo Nghe An - Ha Tinh hinh anh 3
Nước sông Ngàn Phố dâng cao, ngập cầu tràn ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: Phan Hoài.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý các địa phương kiểm tra các hồ đầy nước, vùng trũng có nguy cơ bị ngập. Bộ trưởng nhấn mạnh bão số 3 đi nhanh hơn bình thường, hình thành gần bờ biển Việt Nam. Do vậy, các cơ quan, địa phương không được chủ quan, kiểm tra nơi tránh trú bão của tàu thuyền.

“Công tác cứu hộ phải luôn ở tư thế sẵn sàng về phương tiện và nhân lực”, Bộ trưởng Cường lưu ý kiểm tra lại các hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện để chủ động phương án vận hành an toàn.

Căn cứ vào nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia và quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Sơn La đóng 1 cửa xả đấy hồ Sơn La vào 11h ngày 18/7. Bên cạnh đó, BCĐ yêu cầu đơn vị này theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng về hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập và kịp thời báo cáo để có quyết định điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Làm gì trước khi bão đến? Bạn nên gia cố nhà cửa, xem lại dự trữ nước, lương thực để chuẩn bị bão đến.

(zing)

Related Posts