Thỏa thuận duy nhất của Trump-Putin sau 2 tiếng họp kín

BVD – Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã tiết lộ với báo giới về thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đạt được tại thượng đỉnh ở Helsinki (Phần Lan) hôm 16/7. Cả hai nhà lãnh đạo dù có phát ngôn thế nào cũng đang hướng về nhau bằng một thỏa thuận trong phòng họp kín.

Thỏa thuận này là “việc các nhóm an ninh quốc gia của hai nước sẽ hợp tác ở cấp độ làm việc”.Theo đó, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc họp kín chỉ gồm các phiên dịch viên và đã đạt được duy nhất một thỏa thuận trong suốt 2 tiếng đồng hồ thảo luận.

Cải thiện quan hệ Nga- Mỹ là điểm chung duy nhất ở thượng đỉnh Helsinki.

“Thỏa thuận duy nhất đã đạt được tại cuộc gặp của Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ tại Helsinki là việc các nhóm an ninh quốc gia của hai nước sẽ hợp tác ở cấp độ làm việc và tương tác này hiện đang thực hiện và sẽ tiếp tục” – bà Sanders thông báo.

Thỏa thuận đã được thực hiện ngay từ trước khi diễn ra cuộc thượng đỉnh hôm 16/7.

“Tôi có thể nói với các bạn rằng phái viên Bolton [John Bolton -cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump] sẽ gặp đối tác người Nga vào tháng tới.

Cuộc họp này sẽ được tổ chức trong khuôn khổ cuộc họp với các đối tác châu Âu khác” — bà Sanders không xác định ai và lãnh thổ nào sẽ tổ chức sự kiện này.

Ông John Bolton, cố vấn về vấn đề An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ là người đã có công thúc đẩy cuộc họp thượng đỉnh Nga- Mỹ được diễn ra.

Ông Bolton được coi là “sứ giả” đại diện cho Mỹ được cử đến Nga để xúc tiến cuộc họp thượng đỉnh dù vốn được biết đến là một người có quan điểm “diều hâu và hiếu chiến” với Moscow.

Quan điểm từ trước đây của ông John Bolton cho thấy, Nga là một thách thức lớn cần phải được giải quyết. Sự hiện diện của Nga ở bất cứ nơi đâu và trong lĩnh vực nào cũng đe dọa các lợi ích của Mỹ.

Ông cũng thích sử dụng Twitter cá nhân để bày tỏ quan điểm. Các nội dung cũng thường xuyên là chỉ trích Nga.

“Chúng ta cần phải có hình thức đáp trả chiến lược đối với các tên lửa hạt nhân mới của Nga”, “Mỹ cần tăng cường sức mạnh cho các đồng minh ở Trung và Đông Âu thông qua NATO để phản công lại cuộc chiến tranh mạng mà Nga đang tiến hành” hay “Washington và các đồng minh không thể chấp nhận để Nga tiếp tục những hành vi nguy hiểm tại Trung Đông, đặc biệt là việc thiết lập trục Moscow- Tehran- Damascus- Hezbollah”.

Cách đây chưa lâu, ông Bolton là người mạnh mẽ nhất chỉ trích Moscow can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ông gọi đó là “hành động chiến tranh” và cảnh báo Mỹ không nên tin tưởng Nga.

Nhưng sau khi đến thăm Điện Kremlin vào cuối tháng 6 trở về, ông Bolton đã quay ngoắt quan điểm, công khai chỉ trích cáo buộc Nga can thiệp vào Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 để giúp ông Donald Trump giành được chức Tổng thống Mỹ và gọi cáo buộc này là điều “hoàn toàn vô nghĩa”.

“Mỹ đánh giá cao sự lịch thiệp của Nga” – ông Bolton nói trong cuộc gặp Tổng thống Vladimir Putin hôm 27/6.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton gặp Tổng thống Nga V.Putin hôm 27/6. Ảnh AP

Dường như hành động lịch thiệp của Nga đã tạo được lòng tin không chỉ của Tổng thống Mỹ mà cả người cố vấn có quan điểm chống Điện Kremlin mạnh mẽ như ông John Bolton.

Tuyền thông Mỹ cho rằng, điểm cộng của ông John Bolton là quan điểm khá đồng điệu với Tổng thống Donald Trump. Không chỉ cứng rắn trong chính sách đối ngoại, ông Bolton cũng là người theo đuổi tư tưởng “nước Mỹ trước tiên”, phản đối với các thể chế đa phương.

Ngoài ra, ông Bolton được miêu tả là người rất biết cách “lắng nghe” và biết “chiều ý” cấp trên. Tính cách này là phần quan trọng khiến ông được Tổng thống Donald Trump “để mắt” tới.

Hôm 19/7 thông báo, nhà lãnh đạo Mỹ đã yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton chuyển lời mời tới Tổng thống Nga tới thăm Nhà Trắng vào mùa thu năm nay.

Việc hai nước Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận ở cấp làm việc giữa các cố vấn an ninh được cho là tín hiệu tích cực mạnh mẽ sau cuộc họp thượng đỉnh đầy sóng gió tại Phần Lan.

Bất chấp có các phát ngôn bất nhất về việc Nga có can thiệp bầu cử Mỹ 2016 của Tổng thống Donald Trump thì quan hệ hai nước vẫn đang trên đà cải thiện.

Những người có quan điểm chỉ trích cuộc họp cấp thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo Nga, đặc biệt là các quan chức tình báo, an ninh của chính quyền cũ đã “vô tình” lọt vào danh sách tước quyền miễn trừ an ninh của ông Trump.

Dù phủ nhận động thái chưa có tiền lệ này của Tổng thống Mỹ không phải nhằm vào hành động chỉ trích cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ nhưng lý do được Thư ký Báo chí Nhà Trắng thông báo là những người này đã “đưa ra các cáo buộc vô căn cứ về tiếp xúc sai trái với Nga hay bị Nga ảnh hưởng”.

6 cựu quan chức Mỹ đang bị cân nhắc miễn trừ an ninh.

Các biểu hiện gần đây của chính quyền Tổng thống Trump đã cho thấy bước đi mạnh mẽ hơn vào việc cải thiện quan hệ với Nga – cam kết tranh cử của ông Trump.Theo quan điểm của ông Trump, hành động này là không phù hợp và Tổng thống Mỹ đang cân nhắc về quyết định sẽ tước quyền miễn trừ an ninh đối với 6 quan chức an ninh từng phục vụ chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

Đây được cho là hành động cần thiết để lấy lại uy tín của nhà lãnh đạo Mỹ khi đã trải qua nửa nhiệm kỳ mà vẫn bị điều tra về việc được Nga hỗ trợ để giành chiến thắng.

Thỏa thuận duy nhất đạt được tại Helsinki cũng là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump đã sẵn sàng để cải thiện quan hệ với Moscow vốn được miêu tả là hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh dù vẫn còn nhiều bất đồng ở ngay trong giới tinh hoa chính trị Mỹ.

 

(baodatviet)

Related Posts