VN: TC Diễn đàn đa phương thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số

BVD – Nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới (BĐG) và Nghị quyết NQ 11 -CT của Bộ Chính trị về BĐG, ngày 18/7, Bộ Lao động – Thương binh xã hội đã tổ chức diễn đàn đa phương “Thúc đẩy Bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập”.

TS Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện KH Lao động & Xã hội

Hơn 300 đại biểu đến từ các bộ, ban ngành, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội quan tâm đến BĐG đã cùng thảo luận về nhiều khía cạnh khác nhau của BĐG tại Việt Nam.  Trong đó nhấn mạnh về vấn đề việc làm và môi trường lao động dành cho phụ nữ trong thời đại công nghệ số.

Đại diện UN Women VN – Elisa Fernandez Saenz

Ở Việt Nam, ngày càng nhiều phụ nữ sống độc lập, tự chủ về tài chính, tự chủ trong các mối quan hệ xã hội, làm trụ cột trong gia đình… Đó là kết quả của thời kỳ hội nhập và công nghệ số phát triển. Bà Nguyễn Thị Hà – thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh xã hội cho biết: Các hoạt động về BĐG được Việt Nam thực hiện khá toàn diện trong mọi mặt của đời sống, được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65/183 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (GGI); chỉ số phát triển giới GDI là 1,010, chỉ số bất BĐG (GII) là 0,337, xếp thứ 71/188 quốc gia… Việt Nam cũng đã rất tích cực thực thi các công ước quốc tế về BĐG, đến nay đã trải qua 7 kỳ báo cáo CEDAW.

“Với 26,8% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đứng thứ 3 trong ASEAN và thứ 64/188 quốc gia; 31,7% chủ doanh nghiệp là nữ… phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội”, ông Đào Quang Vinh, viện trưởng Viện khoa học lao động và Xã hội khẳng định. Song với 26,2 triệu lao động nữ, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 71% nhưng tỷ lệ nữ tham gia bảo hiểm xã hội có khoảng 45% -50% (2017); trình độ chuyên môn kỹ thuật của nữ thấp hơn nam, trung bình 1 phụ nữ tại Việt Nam làm việc nhiều hơn nam giới 2 giờ/ngày. Với thời kỷ nguyên số, các ngành nghề thu hút nhiều lao động nữ như dệt may, giày dép… đã và đang áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại. “Điều đó có nghĩa sẽ có khoảng 86% lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may, giày dép ở Việt Nam có thể bị mất việc, chủ yếu là nữ giới. Trong khi chỉ có 16% phụ nữ Việt Nam có trình độ giáo dục kỹ thuật và khoảng ⅔ phụ nữ đang làm việc không chính thức (việc gia đình, chăm sóc con cái…). Đặt biệt, phụ nữ ngày càng phải gánh chịu nhiều rủi ro, nhiều áp lực, đặc biệt là xu hướng bị quấy rối tình dục ngày càng tăng. Do đó, cần phải tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao năng lực bản thân, trong đó có các kỹ năng về công nghệ”, bà Elisa Fernandez Saenz – đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết.

Cùng quan điểm trên, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ thêm, trong môi trường công nghệ số phát triển, người phụ nữ tự chủ hơn, lao động nhiều hơn nhưng mức lương họ được nhận vẫn thấp hơn so với nam giới; các chị em công nhân ở các khu công nghiệp bị hạn chế rất nhiều trong việc giao tiếp xã hội, điều kiện ăn ở… Và điều quan trọng nhất, việc thay đổi chính sách pháp luật không bằng việc thay đổi nhận thức trong từng con người. Nổi bật nhất là quan niệm lạc hậu, coi nhẹ phụ nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Khi nào người phụ nữ và cả đàn ông vẫn suy nghĩ “việc nhà là của đàn bà” thì cuộc chiến về thúc đẩy BĐG vẫn tiếp tục.

Đem đến diễn đàn khóa học trực tuyến “Pháp luật và Bình đẳng giới ở Việt Nam”, bà Helle Buchhave, đại diện Ngân hàng thế giới mong muốn sẽ có cung cấp nhiều công cụ lồng ghép giới vào luật và chính sách để tất cả mọi người hiểu và thay đổi nhận thức về BĐG.

Lấy hình ảnh người máy Sophia tại Việt Nam thời gian vừa qua, diễn đàn đã khẳng định công nghệ không cướp đi công việc của con người mà tạo cơ hội cho rất nhiều người. Ngày càng có nhiều phụ nữ kinh doanh online ở Việt Nam đã khẳng định điều đó.

Có thể khẳng định rằng, đến nay chính sách pháp luật về BĐG ở Việt Nam khá hoàn thiện và đầy đủ. Với sự hỗ trợ đắc lực của internet, công nghệ thông tin, tư tưởng ấy đã thay đổi ít nhiều, đem lại nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ hơn. Song cũng có mặt trái, đó là ngày càng nhiều phụ nữ không lập gia đình, ngày càng nhiều phụ nữ nuôi con 1 mình… Do đó, “cuộc chiến” về BĐG phải luôn luôn thay đổi cả về hệ thống chính sách, pháp luật và phương pháp truyền thông.

 

Bài &ảnh: An Nhiên

Related Posts