Xung đột thương mại Mỹ-Trung: Lối rẽ của Việt Nam

BVD – Theo chuyên gia, Việt Nam không có nhiều lựa chọn trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp Việt cần có lối rẽ thích rẽ thích hợp để giảm nhẹ tác động.

Ngày 6/7, Trung Quốc thông báo các biện pháp áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu có hiệu lực, sau khi Mỹ kích hoạt các biện pháp thuế chống Trung Quốc.

Như vậy, xung đột thương mại Mỹ-Trung đã chính thức nổ ra và Việt Nam sẽ khó tránh khỏi tác động.

Tác động không nhỏ

Nhiều chuyên gia kinh tế đã có nhận định về tình hình này, đồng thời khuyến nghị tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam những động thái cần thiết để ứng phó và thích nghi với bối cảnh mới.

Trên TXXVN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, tại thời điểm này, khi diện các sản phẩm hàng hóa bị áp thuế của hai bên (Mỹ và Trung Quốc) mới chỉ ở diện hẹp, gồm các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc và một số sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như ngô, đậu nành, gạo, thịt… đều là các sản phẩm không thuộc thế mạnh của Việt Nam. Do đó, có lẽ tác động trực tiếp và tức thời lên xuất khẩu Việt Nam sẽ không quá lớn.

Tuy nhiên, về lâu dài, tác động sẽ rất khó đoán định, nếu cuộc chiến tiếp tục leo thang và diện sản phẩm bị trừng phạt hay quy mô gia tăng.

Là một nền kinh tế nhỏ, trước cuộc chiến thương mại, mà một bên là thị trường xuất khẩu lớn nhất (Mỹ) và một bên là thị trường nhập khẩu lớn nhất (Trung Quốc), Việt Nam chắc chắn sẽ phải chịu những tác động không nhỏ.

Nếu nhìn một cách tích cực thì doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội tại thị trường Mỹ, khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao.

Cũng như vậy, ở thị trường Trung Quốc, mặc dù nhiều loại hàng hóa mà Trung Quốc có thể áp thuế cao đối với Mỹ nhưng không phải là thế mạnh của Việt Nam, thì cũng không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng được thị trường này.

Tuy nhiên, ở chiều tiêu cực, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác. Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc. Cùng với đó, thị trường nội địa của Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh và diễn biến có thể sẽ phức tạp hơn nhiều.

Xét ở bình diện rộng hơn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể khiến luồng thương mại thế giới bị dịch chuyển, cạnh tranh sẽ phức tạp hơn nhiều ở các thị trường khác và trên thị trường Việt Nam.Ngoài ra, trường hợp một phần hàng hóa lẽ ra xuất khẩu saẽ buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, nên xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này cũng có thể sẽ khó khăn hơn. Đà tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam thời gian qua (tăng 30% so với cùng kỳ 2017) có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Đó là chưa kể tới những diễn biến phức tạp khác về dòng đầu tư, nguồn cung, cầu trên thế giới, thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán dưới tác động phức hợp từ cuộc chiến này.

Trong khi đó, ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế, Giám đốc nghiên cứu công ty nghiên cứu thị trường VietAnalytics cũng khẳng định trên báo Dân trí, cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới. Thời điểm này cũng chưa thể vạch ra chi tiết cuộc chiến này sẽ tác động tới Việt Nam ra sao.

Tuy nhiên nếu xét trên khía cạnh tổng thể thì chắc chắn cuộc chiến này sẽ tác động tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, đặc biệt trong dài hạn.

“Cuộc chiến đã và đang xảy ra tạo nên những bất định, bất ổn. Trong một môi trường bất ổn, mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng. Trong đó, rõ nét nhất là những bất ổn về môi trường đầu tư”, ông Minh nói.

Điểm thứ hai có thể thấy rõ đó là tác động về tỷ giá. Theo ông Minh, đồng Nhân dân tệ đang mất giá, điều này rõ ràng không có lợi cho Việt Nam. Thực tế trong mấy tuần qua, tỷ giá USD và VND tăng khá mạnh, một phần do USD tăng giá trên thị trường thế giới, một phần khác do đồng Nhân dân tệ mất giá so với USD, cộng với đó là sự lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

“Khi tỷ giá bị tác động thì ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề về kinh tế vĩ mô, từ hoạt động xuất nhập khẩu đến tâm lý đầu tư, chứng khoán, nguy cơ lạm phát…”, chuyên gia Đinh Tuấn Minh nhận định nếu leo thang căng thẳng, Nhân dân tệ tiếp tục mất giá thì Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn.

Chủ động ứng phó

Ông Đinh Tuấn Minh cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần phải có những biện pháp theo dõi, bám sát tình hình, đưa ra những kịch bản ứng phó. Cùng với đó là sự minh bạch hoá mọi thông tin. Ngoài ra cần có những đội ngũ chuyên gia để theo dõi bám sát theo dõi tình hình Trung quốc, Mỹ nhằm đưa ra những khuyến cáo giúp doanh nghiệp chủ động với tình hình.

Về phía doanh nghiệp, ông Minh cho rằng “hơn ai hết, họ phải là người chủ động với các chiến lược sản xuất kinh doanh của mình để tự tạo cơ hội, giảm thách thức”.

Bên cạnh đó, mỗi một cá nhân, doanh nghiệp khi chịu ảnh hưởng phải tự có động thái phòng thủ, xử lý, không thể đưa ra một công thức chung cho tất cả mọi người. Trong quá trình đó theo ông Minh, nhà nước cần tiếp tục tạo ra môi trường vĩ mô ổn định cho người dân, doanh nghiệp yên tâm làm ăn.

Nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp Việt Nam không có nhiều lựa chọn trong bối cảnh hiện nay, nhưng ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để giảm nhẹ tác động, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, có lẽ việc quan trọng nhất là theo dõi sát sao tình hình thị trường, không chỉ ở Mỹ hay Trung Quốc mà ở cả các thị trường khác, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng việc điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, nguồn cung và thị trường một cách linh hoạt nhất có thể.

 

(Datviet)

Related Posts