Thủ tướng Malaysia phản đối Trung Quốc kiểm soát Biển Đông

BVD – Khi trả lời phỏng vấn của hãng tin AP, Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia tuyên bố, Trung Quốc cần tôn trọng quyền tự do đi lại trên Biển Đông của tàu bè tất cả các nước, và Trung Quốc chớ nên gây căng thẳng không cần thiết ở vùng biển này.

AP đưa tin cuộc phỏng vấn Thủ tướng Mahathir sáng 13.8, và vị Tiến sĩ 93 tuổi nói: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các tàu, thậm chí tàu chiến đều có quyền qua Biển Đông, nhưng không trú đóng ở đó. Đây là một cảnh báo với mọi người, chớ đừng gây căng thẳng không cần thiết”.

Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đối với Biển Đông giàu nguồn cá và có trữ lượng dầu khí lớn, xây dựng và quân sự hóa trái phép các thực thể tự nhiên ở vùng biển này, khiến các nước Đông Nam Á ven Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei phải lo ngại.

Trung Quốc còn cáo buộc Mỹ can thiệp vào tranh chấp của châu Á bằng cách đưa tàu sân bay, tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ đến tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc cũng cử tàu cảnh sát biển tuần tra, theo AP.

Cuộc phỏng vấn vị Thủ tướng được tiến hành, trước khi Tiến sĩ Mahathir có chuyến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên, kể từ khi ông trở lại ngôi quyền lực sau cuộc bầu cử quốc hội Malaysia hồi tháng 5.

Tiến sĩ Mohammad Mahathir cũng khẳng định quyết tâm dẹp bỏ các thỏa thuận làm ăn với Trung Quốc vốn được ký bởi cựu Thủ tướng Najib Rajak.

Tiến sĩ Mahathir khẳng định, ông sẽ hủy các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ hàng tỉ USD mà người tiền nhiệm Najib đã ký với Bắc Kinh, vào lúc chính phủ của ông muốn thoát khỏi các rủi ro khi vay tiền của Trung Quốc.

Vị Thủ tướng nói ông muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, hoan nghênh nguồn đầu tư của nước này nếu các dự án đó có lợi cho Malaysia, ví dụ nhân công Malaysia được thuê thực hiện các dự án, thay vì nhà thầu Trung Quốc chỉ sử dụng nhân công là đồng bào của họ.

Tiến sĩ Mahathir có quan điểm rất cứng rắn với các dự án ống dẫn dầu khí và một dự án đường sắt chạy dọc bờ biển phía đông Malaysia, mà người tiền nhiệm Najib đã ký với Trung Quốc và Bắc Kinh cho vay tiền thực hiện.

Ông Mahathir phát biểu: “Chúng tôi không nghĩ chúng tôi cần hai dự án này. Chúng tôi không nghĩ chúng đáng tin cậy. Nên nếu có thể, chúng tôi sẵn sàng bỏ các dự án này”.

Cựu Thủ tướng Najib đã bị Ủy ban bài trừ tham nhũng Malaysia buộc 3 tội danh “rửa tiền”, trong cuộc điều tra vụ bê bối rút ruột Quỹ Đầu tư Phát triển Malaysia Berdah (Quỹ 1MDB). Ông đã phủ nhận các cáo buộc và phải chờ ngày hầu tòa.

Lúc cầm quyền, ông Najib đã kéo Malaysia thân cận Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh xem quốc gia đa sắc tộc Đông Nam Á này là một phần chủ đạo trong dự án trọng điểm Vành Đai và Con Đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Năm 2016, ông Najib đã ký thỏa thuận để nhà thầu Trung Quốc xây Tuyến đường sắt phía đông bán đảo Malaysia (ECRL) dài 688 km, cùng hai tuyến ống dẫn dầu.

Nhưng chính phủ Thủ tướng Mahathir đã yêu cầu công ty được nhà nước Trung Quốc “chống lưng”, và yêu cầu cắt giảm mạnh chi phí “bị kê thủng nóc” lên hơn 22 tỉ USD. Một số trong khoản tiền này đã trả cho nhà thầu Trung Quốc, rất khó đòi lại.

Thủ tướng Mahathir nói nếu không thể hủy hết các dự án này thì Malaysia vẫn có quyền tạm ngưng chúng trong chí ít một thời gian.

Ngày 4.7, chủ dự án ECRL là Malaysia Rail Link gửi thư đến tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC), yêu cầu ngưng thi công công trình ECRL vốn đã khởi công từ năm 2017 và nếu hoàn thành, nó sẽ kết nối vùng biển phía đông bán đảo Malaysia với các tuyến vận tải biển chiến lược ở phía tây.

Bộ trưởng Tài chính Malaysia, ông Lim Guan Eng nói chi phí để hoàn thành dự án ECRL lên đến 20 tỉ USD, cao hơn gần 50% so với dự toán của chính phủ tiền nhiệm. Do đó, ông muốn CCCC nên cắt giảm mạnh mẽ hơn để ECRL khả thi về tài chính lẫn kinh tế.

 

(theo AP)

Related Posts