Làm sao bảo vệ chiếc áo dài?

BVD – Thông tin chiếc áo dài Việt Nam bị thương hiệu thời trang hàng đầu Trung Quốc – Nei Tiger đưa lên sàn diễn với sự hào hứng “phong cách Trung Quốc”, đã khiến những người yêu vẻ đẹp trang phục truyền thống này không kiềm nén được bức xúc.

Áo dài được biểu diễn với “phong cách Trung Quốc”.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi chiều ngày 20/11 (trước khi sự kiện này gây bão trên mạng xã hội) nhà tạo mẫu Minh Hạnh chia sẻ: “Không chỉ có Nei Tiger, nhiều bộ sưu tập áo dài khác cũng đã và đang được giới thiệu ở Trung Quốc như là thành quả sáng tạo của họ!”.

Trung Quốc muốn chiếm dụng chiếc áo dài của Việt Nam chăng? Không thể dùng “thuyết âm mưu” để nói về một hiện tượng chưa rõ ràng. Thế nhưng, nếu hôm nay người Việt Nam không có cách bảo vệ chiếc áo dài, thì ngày mai chưa chắc còn được thế giới công nhận bản quyền thuộc về nước ta.

Số phận của chiếc áo dài có thể cũng sẽ giống như cây đàn bầu cách đây vài năm đã được Giáo sư – Tiến sĩ Trần Quang Hải cảnh tỉnh về việc Trung Quốc đề nghị UNESCO công nhận là nhạc cụ dân tộc của họ!

Chiếc áo dài Việt Nam đã rất quen thuộc trong mắt bạn bè quốc tế. Thế nhưng, để xác lập bản quyền cho chiếc áo dài lại không hề đơn giản. Bản vẽ đầu tiên của chiếc áo dài với tên gọi Lemur được họa sĩ Nguyễn Cát Tường công bố trên báo Phong Hóa số 90, ra ngày 23/3/1934.

Theo thời gian, nhiều người cũng góp phần hoàn thiện thêm chiếc áo dài về kiểu dáng, nhưng thần thái vẫn dựa trên thiết kế của họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Ngày 17/2/1946, họa sĩ Nguyễn Cát Tường qua đời, ở độ tuổi 34. Cả 5 người con của họa sĩ Nguyễn Cát Tường đều không nối nghiệp cha, nên đến nay vẫn không ai đăng ký sở hữu trí tuệ đối với chiếc áo dài Lemur.

Trong nước, không ai dành bản quyền với họa sĩ Nguyễn Cát Tường. Còn ngoài nước thì sao? Dù chiếc áo dài đã xuất hiện ở nhiều nơi trên hành tinh, nhưng duy nhất được thừa nhận ngoài biên giới là cuốn “Đại từ điển Danh nhân Thế giới” do Nhật Bản ấn hành năm 2013, ghi nhận họa sĩ Nguyễn Cát Tường là tác giả của chiếc áo dài Việt Nam: “Chính ông khởi xướng việc cách tân y phục phụ nữ truyền thống của dân tộc mình. Những kiểu áo dài do ông nghĩ ra có ảnh hưởng lớn đến lối thiết kế áo dài hiện đại”.

Mẫu áo dài đầu tiên do họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ năm 1934.

Chiếc áo dài Việt Nam được nhân loại đánh gia sự đặc trưng ngang với kimono của Nhật Bản, hanbok của Hàn Quốc và sườn xám của Trung Quốc. Cụ thể hơn, chiếc áo dài được ghi rõ “ao dai” cùng với hai từ nữa là “pho” và “banh mi” được giữ nguyên âm tiếng Việt trong từ điển Oxford, như một đặc trưng văn hóa Việt Nam.

Thế nhưng, nếu Trung Quốc muốn chiếm dụng luôn chiếc áo dài thì chúng ta phải làm sao? Hãy nhớ rằng, nền văn minh Trung Quốc có kỹ thuật tơ lụa rất sớm, sư tổ ngành dệt của họ là Hoàng Đạo Bà từ thế kỷ 12 đã thiết lập thị trấn vải Ô Nê Kinh lừng lẫy. Hơn nữa, công tác bảo tồn và bảo tàng của Trung Quốc rất tinh vi. Trung Quốc bây giờ vẫn còn lưu giữ nhiều loại vải sợi có tuổi đời hàng trăm năm.

Nếu muốn tạo ra lịch sử khác, họ có thể chế tác ngay một mẫu áo dài mà đem ra phân tích bằng công nghệ hóa nghiệm hiện đại nhất thế kỷ 21 vẫn chứng minh được chất liệu ấy có tuổi đời trước chiếc áo dài Lemur của họa sĩ Nguyễn Cát Tường.

Vậy, cách nào để bảo vệ chiếc áo dài Việt Nam? Chỉ còn cách nhanh chóng công nhận chiếc áo dài là quốc phục Việt Nam. Trách nhiệm ấy, không thể do bất kỳ cá nhân nào gánh vác, mà ngành văn hóa, Chính phủ và Quộc hội phải có những động thái đúng đắn và phù hợp.

(nongnghiep)

 

Related Posts