Lời chia sẻ trong tâm dịch Covid -19 Tại CHLB Đức

Kính gửi bà con cộng đồng người Việt nói chung và bà con HĐH Nghệ an nói riêng!

Trong thời gian qua, rất nhiều thông tin và khuyến cáo thường xuyên, liên tục trên các mạng truyền thông và các trang báo điện tử của nước sở tại, cũng như các báo cộng đồng về dịch Covid 19. Đại dịch đã bùng phát trên khắp các Châu lục mà tâm dịch đã chuyển hẳn sang  khu vực Châu Âu.  Sự tàn phá của đại dịch rất dữ dội về cả  tính mạng con người lẫn của cải, tài chính v,v…  Mọi sinh hoạt của bà con chúng ta không còn bình thường nữa , thay vào đó là sự âu lo ( mặc dầu tinh thần chưa đến mức hoảng loạn). Nhưng thật đáng lo ngại và vô cùng xót xa  khi kim đồng hồ dịch chuyển cùng những con số lây nhiễm tăng lên và  “vòng kim cô” như đang siết lại…

 

Bất kể là  luận chứng gì, giải thích như thế nào “miễn dịch cộng đồng” hay trì hoãn thời gian gì đi chăng nữa thì Châu Âu nói chung và Đức nói riêng dịch cũng đã qua lằn ranh giới đỏ và vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Với Chính quyền nước sở tại, thời gian trước đây có thể dựa trên những điều kiện về tài chính của cục dự trữ liên bang, ngân khố quốc gia, khoa học kĩ thuật, y học hiện đại  v,v… nên rất chủ quan, đã đánh giá thấp mức độ rủi ro, nguy hiểm của Virus Corona. Trong suốt cả thời gian đầu luôn khẳng định và cho rằng „ dịch Covid-19 không khác gì hơn dịch cúm mùa !„ Chính vì chủ trương ứng phó, đánh giá sai lệch dẫn đến “cơ hội vàng”  ngay trong những ngày đầu đã tuột mất. Khái niệm về “phòng bệnh hơn chữa bệnh” trong lĩnh vực y tế luôn là khẩu hiệu đã  không có cơ hội thực hiện, để rồi đến lúc này hậu quả đã và đang rất lớn.

 

Cổ nhân đã cho hay: không biết lo xa, hoạ sẽ đến gần, nước ngập tới cổ mới  nhẩy…Thật đáng tiếc, hệ lụy vô cùng nghiêm trọng . Trên truyền thông trước đây luôn trấn an người dân và các cơ sở kinh doanh không hề hấn gì cả, đến lúc nhận ra mối nguy thì lệnh phong tỏa, đóng cửa hầu hết các các cơ sở kinh doanh cửa tiệm,  hàng quán ngay luôn trong ngày một, ngày hai. Chủ các doanh nghiệp không có thời gian ứng biến, đối phó, trở tay không kịp. Trong khi đó nếu có chút chuẩn bị về thời gian  thì chắc hẳn các doanh nghiệp sẽ có các giải pháp nhanh, giảm thiểu được sự thất thiệt to lớn. Thật đáng tiếc, lẽ ra người dân và các doanh nghiệp, các nghiệp đoàn đã không phải chịu “cơn bĩ cực” này…

Chúng ta không ngược thời gian và suy ngẫm vấn đề này nhiều nữa , mà ngay bây giờ, trên tình hình thực tế, theo quan điểm cá nhân tôi, bà con  nên tận dụng những thời gian quý báu, hiếm hoi đang có cho sự chuẩn bị  về đồ ăn , nước uống, nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho cả thời gian dài,  nhất là gia đình có nhiều nhân khẩu. Điều này chắc chắn không thừa bà con ạ . Bởi lẽ ngay cả khi có hiện tượng hoặc đã  bị  lây nhiễm thì chính phủ cũng đã khuyến cáo ở nhà tự cách ly và sẽ có Y, Bác sỹ đến chữa. Còn nếu thời gian cách ly kéo dài, bệnh dịch vẫn giữ tốc độ lây lan  nhanh, ví như một số nước lân cận, theo hiệu ứng dây chuyền thì nhiều nước đã đóng  biên giới và cách ly thì sớm muộn nước Đức cũng sẽ quyết định  không cho người dân ra khỏi nhà ( trừ khi có việc cấp bách) mới được xuống đường. Tới lúc đó chúng ta sẽ làm gì để đủ điều kiện tối thiểu  nhất là ăn uống sinh hoạt .

Tôi mong muốn  và kêu gọi bà con hãy chuẩn bị lương thực, thực phẩm như có thể ngay trong các ngày tới ( hiện tại trong các quầy giao hàng Châu á người Việt chúng ta, trong các khu Trung tâm thương mại và rải rác khắp nơi trên toàn Liên Bang đang có quá đủ  gạo, mỳ, đồ ăn thức uống và các đồ hải sản đông lạnh v,v…  Sẽ không bao giờ thừa,  nhất là khi chúng ta chưa biết được lúc nào hết dịch, cuộc sống mới được bình ổn lại. Bên cạnh đó cùng với một số thuốc men thông thường như đau bụng, cảm cúm, ho, sốt  v,v… Chúng ta hãy chuẩn bị vì chỉ có chuẩn bị tốt thì mới được xem như chúng ta đã thắng dịch bệnh 50% và sẽ góp phần giảm sự quá tải cho ngành y tế trong tâm dịch ở Đức. Ngoài ra bà con không quên lập bảng đối ứng, kế hoạch chi tiêu gia đình, các danh mục bắt buộc chi trả, lên phương án cân đối cho thời gian dài trong năm nay.

Một kệ hàng trong siêu thị Đức đã trống rỗng hết hàng. Ảnh có tính minh họa

…Trong bối cảnh bất an và khó khăn này, hơn bao giờ hết , vào thời điểm  này đây, bà con chúng ta  hãy tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, hãy cảm thông cho nhau ngay cả khi không may trong chúng ta ai đó bị nhiễm dịch.

Chúng ta hãy chủ động với cả tinh thần,  là khi các  lĩnh vực, cơ sở kinh doanh của bà con ta đã và đang  lần lượt  bị đóng cửa, hoặc có mở cũng không đủ nguồn thu để trang trải mọi khoản. Nếu kịch bản sẽ xảy ra như dự đoán của các nhà khoa học Đức, có thể có vắc xin được thực nghiệm và sử dụng thì sớm nhất cũng phải mất vài tháng nữa. Như thế, đồng nghĩa với việc  ít nhất là 3  đến 4 tháng nữa chúng ta vẫn sống trong sự “câu giờ “, trong khi đó tốc độ lây nhiễm lại tăng nhanh, sự phong tỏa, cách ly chặt chẽ sẽ gây thiếu thốn trăm bề và khôn lường.

Một nhà hàng trong lúc đại dịch Coronavirus vẫn phải mở cửa nhưng không một bóng khách ?

Vẫn biết rằng mọi sự khó khăn thiệt hại đang tiến đến từng ngày nhưng tôi luôn hi vọng rằng: Chính phủ Đức sẽ có những chủ trương, chính sách mới cũng như các gói cứu trợ kịp thời giúp cho các cơ sở doanh nghiệp, cho mọi người dân vượt qua thời kỳ khó khăn lớn này.

Riêng bà con cộng đồng người Việt tại Đức, với bản chất, truyền thống của người Việt là chịu thương chịu khó, cần kiệm, thông minh, linh hoạt, ( ngay cả khi nước sôi lửa bỏng, như lịch sử cộng đồng đã minh chứng, vào những thời điểm nan giải buộc chúng ta phải đứng giữa ngã 3 đường khi “bức tường đổ ” đầu  thập kỷ 90 hay những lúc thay đổi địa điểm, công việc, ngành nghề v,v…) thì chúng ta đều tìm ra định hướng tốt.

Sau nữa tôi mong bà con cộng đồng người Việt chúng ta hãy thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, biện pháp  đề phòng, cách ly của Chính phủ cũng như Bộ y tế Đức đã đề ra để giữ gìn sức khỏe của mình và đó cũng là giữ gìn cho người thân cho gia đình và cho cộng đồng.

Là những người con Việt sống xa quê hương, chúng ta rất đỗi tự hào về chương trình phòng chống dịch tại đất nước Việt Nam chúng ta . Đảng và Chính phủ đã xem tính mạng người dân (bất kể là người dân nước nào) là trên hết. Chính vì ý thức đó, chủ trương đó mà khẩu hiệu phòng bệnh hơn chữa bệnh đã đặt lên hàng đầu để rồi cho đến ngày hôm nay mỗi một người dân vẫn đều được an toàn. Đó cũng là bài học nhãn tiền giá trị  mà nhiều nước trên thế giới nên cần áp dụng.

Chúng ta hãy cùng động viên nhau giữ gìn tài sản giá trị lớn nhất đó là sức khỏe để rồi cùng nhau nỗ lực xây dựng cuộc sống của mình của khối cộng đồng với sự khởi sắc mới, ổn định, phát triển và hướng tới tương lai.

Trần văn Dũng

Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại CHLB Đức

Related Posts