18 cây di sản 600 tuổi ở Lam Kinh

Ở khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa) có 18 cây cổ thụ mới được công nhận là cây di sản Việt Nam. Nhiều cây tới 300-600 tuổi, thân sần sùi, nhưng cành lá vẫn xanh tốt.

 


Trải rộng trên diện tích hơn 140 ha, khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) có vô số loài cây quý, trong đó nhiều cây đã 600 tuổi. Những loài cổ thụ góp phần tạo nên vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng cho khu di tích lịch sử.

Ông Trịnh Đình Dương, Trưởng ban quản lý di tích Lam Kinh cho biết, quần thể thực vật ở Lam Kinh được trồng, khoanh nuôi tái sinh tập trung trên gần 100 ha. Vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận 18 cây cổ thụ ở Lam Kinh là cây di sản Việt Nam. Trong đó, có 13 cây thuộc khu di tích Lam Kinh (xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân) và 5 cây thuộc khu đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Nổi bật trong số này là cây đa thị 300 tuổi nằm ở phía tây khu thành nội, gần đầu hồi Nghi Môn và cách sân rồng không xa.

Theo Ban quản lý khu di tích Lam kinh, trên 300 năm trước, tại chỗ cây đa là cây thị. Sau đó chim đến ăn thị đã thả hạt đa xuống đất, từ đó mọc lên một cây đa. Người địa phương vì thế vẫn gọi đó là cây đa – thị. Cây thị vẫn xanh tươi trong gốc đa cho đến vài năm trước thì chết khô. Bộ rễ phụ của cây đa này rất đặc biệt ở chỗ chỉ quấn quýt xung quanh gốc thị cũ mà không vươn ra xa như các cây đa nhiều gốc khác. Ngọn đa cao trên 40 m, chu vi thân cây hơn 17 m.

Phía sau 5 tòa Thái miếu là cây sui cổ thụ gần 600 tuổi. Cây sui nằm ngay trước mộ vua Lê Thái Tổ, vừa tạo vẻ đẹp tự nhiên cho di tích, vừa tạo thêm sự tôn nghiêm chốn linh thiêng này. Theo đo đạc, cây sui cao khoảng 40 m, đường kính 1,13 m. Dù sống rất lâu năm nhưng cây sui ở Lam Kinh vẫn mạnh khỏe, cành lá xanh tốt. Trên thân cây, nhiều loài địa y, dương sỉ bám đầy.

18 cây di sản ở Lam Kinh phân bố rải rác ở nhiều ngọn đồi, nhiều loài được xếp vào loại gỗ rừng quý thuộc nhóm I, nhóm II như lim, dỗi… Trong ảnh là cây dỗi cổ thụ 600 tuổi mọc gần phía Đông Bắc của bia Dụ Lăng (bia vua Lê Hiến Tông), người dân địa phương gọi là cây dỗi bia Bảo Lạc. Cây thẳng đứng, cao khoảng 40 m, chu vi bạnh vè 3,7 m.

Đa chiếm số lượng lớn nhất trong 18 cây di sản ở Khu di tích Lam Kinh với 4 cá thể. Nằm phía Đông Bắc khu di tích là cây đa kéo cũng có tuổi đời gần 600 năm.

Cây đa cao khoảng 35 m với chu vi thân gần mặt đất 11 m. Xung quanh gốc đa là vô số vè, bạnh xiên ngang mặt đất tạo nên hình thế vững chãi, giúp cây chống chọi với bão giông và thời tiết khắc nghiệt.

Cụm cây duối (tên địa phương gọi là cây rưới) 300 tuổi. Theo Ban quản lý di tích Lam Kinh, vào năm 1788, khi bức thành nội phía Tây sụp đổ, cây duối mọc lên trên nền bức tường. Cụm gồm 5 cây mọc sát nhau với chiều cao 12-15 m, chu vi thân 2,18-3,1 m. Loài này rất đặc biệt, không bị rụng lá bất kể mùa hè hay mùa đông lạnh giá.

Cây xoài đất nằm ngay trên khu thành nội, phía trước mộ vua Lê Thái Tổ. Nó giống như cây đại thụ che chắn cho khu mộ phía Nam, tạo thêm sự linh thiêng và vẻ đẹp cho khu di tích Lam Kinh. Thân cây cao khoảng 11 m, đường kính 0,9 m.

Cách Khu di tích Lam Kinh khoảng 6 km về phía Tây là khu đền Tép (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) – nơi thờ Trung Túc Vương Lê Lai. Tại khu đền này có 5 cây di sản gồm hai cây đại, hai cây sấu và một cây đa tía.

Hai cây đại (tiếng Mường gọi là cây Pa Rạng) được trồng hai bên tả, hữu cổng tam quan của đèn Tép đều có tuổi thọ hơn 600 năm. Theo gia phả dòng tộc Lê Lai, vào năm 1450 vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho nhân dân làng Tép xây dựng đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, cùng năm đó nhân dân đã trồng hai cây đại trước đền thờ. Một cây cao 14 m, cây còn lại cao 17 m, chu vi tương ứng là 2,7 và 4,5 m.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hoá 50 km về phía Tây, nằm trên xã Xuân Lam và thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Sử cũ chép, Lam Kinh là quê hương đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ 15.

Sau 10 năm (1418-1428) kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Thăng Long – Hà Nội lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ thịnh trị cho đất nước kéo dài gần 360 năm. Để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, nhà Lê cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn ở Lam Sơn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các vua, thái hoàng, thái hậu, nơi cử hành những nghi lễ.

Lê Hoàng  

 ( theo Vn Exspress )

Related Posts