Giỗ Tổ Hùng Vương

Phú Thọ, nơi có Đền Hùng – cội nguồn linh thiêng của dân tộc Việt Nam, với sức hấp dẫn ít dân tộc nào có được. Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng từ bao đời nay đã trở thành tình cảm thiêng liêng, sâu lắng trong mỗi trái tim người Việt; là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thể hiện lòng biết ơn và ghi nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng. Dân tộc Việt đã có câu để con cháu ghi lòng tạc dạ:

                                                                          Rước cờ trong Lễ hội Đền Hùng.

Dù ai  đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng 3 mùng 10

Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm 2016 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì có sự tham gia góp giỗ của 3 tỉnh: Hưng Yên, Bình Thuận và Cà Mau. Bên cạnh những hoạt động được tổ chức thường niên, nét mới trong phần hội năm nay là tổ chức Lễ hội đường phố, hội thi bơi chải Việt Trì mở rộng và hội thi bơi chải truyền thống trên sông Lô. Chính Hội, dự kiến sẽ có khoảng 1.800 người tham gia trình diễn, rước kiệu.

Nhiều năm qua, cứ đến những ngày đầu tháng 3 âm lịch, mọi người con trên khắp các miền của Tổ quốc cũng như những kiều bào lại háo hức, tâm nguyện một lòng, thành kính hướng về  Đất Tổ. Trăm nơi về cội, tinh thần một nhà, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt lại được đẩy lên thành cao trào khi bước vào ngày Giỗ Tổ. Tại nơi ấy, ngày linh thiêng ấy, thức tỉnh người ta rằng chúng ta là anh em một nhà, đất nước thiêng liêng do Tổ Hùng Vương để lại là quý giá đến vô vàn, và cần bảo vệ nó bằng tất cả mọi giá.

Nhà nước Văn Lang, một nền văn minh rực rỡ đã ẩn mình trong lòng đất sâu khảo cổ học cùng với một kho tàng văn hóa dân gian cực kỳ phong phú. Nhà nước ấy đã được ghi lại trong các thư tịch cổ, trong truyền thuyết và in đậm trong tiềm thức người Việt từ xưa đến nay. Dọc con đường Quốc lộ số 2 để tìm về nguồn cội, hoa gạo mùa này nở đỏ rực trời. Đường lên Đất Tổ tấp nập thêm khi hàng triệu người con trăm miền đang mong mỏi tìm về, thắp lên nơi Tổ Vua Hùng nén hương thơm để tưởng nhớ công ơn sản sinh ra giống nòi, dựng nước và giữ nước của Ngài.

Giỗ Tổ, coi Vua Hùng là tổ tiên mình lâu nay đã trở thành sự kiện lớn trong năm của mỗi người dân Đất Việt rồi. Không chỉ thời hiện đại ngày nay của dân tộc Việt Nam, mà ngay từ thời phong kiến, với các triều đại nối tiếp thì ngày Giỗ Tổ các Vua Hùng cũng luôn được chú trọng. Hầu hết các thời kỳ, các triều đại phong kiến trong lịch sử của nước ta đều tiến hành tế lễ (Quốc lễ) vào tháng Ba âm lịch, thời gian tổ chức này đúng vào ngày giỗ của Kinh Dương Vương, Vua Hùng thứ nhất.

Lễ hội thời đó được tổ chức 5 năm một lần, chọn năm chẵn mà tổ chức. Lễ hội trong thời kỳ này được giao cho người dân làng Trung Nghĩa (làng Hy Cương, Chu Hóa) lo phẩm vật tế lễ, gọi là dân Trưởng tạo lễ. Lễ tế lúc bấy giờ được tiến cử tại Đền Thượng, chủ lễ là Quan tuần phủ đứng đầu tỉnh do nhà vua ủy nhiệm. Sau khi tiến hành Quốc lễ, đến lượt các làng xung quanh Đền Hùng tế lễ.

Từ thời Hậu Lê về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái. Để bù đắp trọng trách thiêng liêng và cao cả này, người dân ở đây được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu, đi lính. Niêm luật này được kéo dài tới thời “Người anh hùng áo vải” Quang Trung với những sắc chỉ được ghi rõ ở năm 1789.

Đến thời nhà Nguyễn, có chút ít sự thay đổi về quy định, nhưng tính tôn nghiêm về ngày Giỗ Tổ cũng được nâng cao hơn. Lúc này triều đình đứng ra trực tiếp tôn tạo các đền đài, lăng tẩm. Nhà vua giao Tuần phủ Phú Thọ tổ chức ngày Giỗ Tổ với sự chỉ đạo của Bộ Lễ, làm trước dân một ngày, tức tế vào ngày 10-3 âm lịch để hôm sau dân sở tại tế lễ theo ngày giỗ cũ (tức ngày 12-3 âm lịch).

Chủ tế thời này cũng là Tuần phủ Phú Thọ. Bồi tế, thông đạo tán, chấp sư là quan lại tỉnh Phú Thọ và huyện Lâm Thao. Kinh phí lấy từ hoa lợi phát canh 25 mẫu ruộng Đền và cấp cho 100 đồng bạc trắng. Định lệ 5 năm làm một hội lớn hay hội chính, lấy vào các năm chẵn. Thông qua vài con số liệt kê của lịch sử này để thấy, các thời kỳ xã hội Việt Nam, dù thịnh hay suy, dù chiến tranh hay hòa bình, dù thiên tai hay được vụ thì việc Giỗ Tổ luôn được chú trọng. Mọi người của mọi thời đại luôn luôn chú ý đến nơi phát tích, đến nguồn gốc giống nòi mình.

Nối tiếp linh thiêng, trong thời đại Hồ Chí Minh, các nghi thức Giỗ Tổ hàng năm được duy trì, thu hút đông đảo người dân khắp mọi miền đất nước hướng về cội nguồn. Kể từ năm 1947 khi nhà nước Việt Nam mới thành lập không lâu, cũng đã khôi phục kỳ Giỗ Tổ hàng năm. Còn nhớ, ngày 18-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ Đại Từ (Thái Nguyên) sang Đền Hùng, Người đã nghỉ một đêm tại Đền Giếng. Ngày 19-9-1954, Người đã gặp Đại đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 308) trước khi về tiếp quản Thủ đô. Tại đây, trong buổi gặp, Người đã để lại câu nói nay còn tạc ghi trên bia đá: “Các vua Hùng đã có công dựng nước thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Trong thời đoạn chiến tranh, máy bay Mỹ phá hoại miền Bắc, tình thế khó khăn nhưng nghi thức Giỗ Tổ vẫn được duy trì, chưa bao giờ đứt đoạn.

Để tạo cơ sở vật chất cho những người con tâm nguyện một lòng tìm về cội nguồn, quần thể Đền Hùng được dân Việt mà cụ thể là “đất Trung du, người Trung Du” Phú Thọ chỉnh trang quy củ trong nhiều năm nay. Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng đã được tu sửa nguyên vẹn. Đền Mẫu Âu Cơ, Đền thờ Lạc Long Quân cũng đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp xứng tầm.

Từ đầu năm đến ngày 15 tháng Giêng năm Bính Thân, ước tính có khoảng 1,8 triệu lượt khách về thăm viếng Đền Hùng. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã quan tâm, hướng dẫn nhân dân về dâng hương thực hành nghi lễ tín ngưỡng theo truyền thống của dân tộc; đồng thời, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, kinh doanh dịch vụ đảm bảo diễn ra lành mạnh, đúng quy định của Nhà nước, của tỉnh…

Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm nay do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì có sự tham gia góp giỗ của 3 tỉnh: Hưng Yên, Bình Thuận và Cà Mau. Ý thức được trách nhiệm của mình, tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực trong công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết, chỉnh trang khuôn viên, lắp đặt bổ sung hệ thống biển bảng hướng dẫn; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách và công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn trong khu vực diễn ra lễ hội. Chắc chắn lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ là một lễ hội quy mô, để mọi con dân nước Việt thêm một lần được thành kính hướng về tiên tổ.

                                                                                                                                                                             Đơn Thương 

Thu Hương ( theo báo Đại Đoàn Kết ) 

Related Posts