Hoàng Sa, Trường Sa trong ‘Hải ngoại kỷ sự’

rong thời gian chưa có sự tranh chấp chủ quyền, tức trước năm 1909, nhiều tài liệu của Trung Quốc cũng như Phương Tây đều gián tiếp hay trực tiếp xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Hải ngoại kỷ sự” của nhà sư Thích Đại Sán (Alphabooks và NXB Khoa học Xã hội) vừa được giới thiệu trong Ngày sách Việt Nam lần thứ 3/2016 là một ví dụ.

Hoang Sa, Truong Sa trong 'Hai ngoai ky su' - Anh 1

Bìa cuốn ‘Hải ngoại kỷ sự’.

Hòa thượng Thích Đại Sán (1633 – 1702) là người tỉnh Triết Giang, đời nhà Thanh (Trung Quốc). Sách “Đại Nam liệt truyện” nhà Nguyễn cho biết, Thích Đại Sán là người “học rộng, tao nhã uyên bác. Thông thiên văn tinh tượng, luật lịch, bói toán, địa lý, xem số, viết chữ triện lệ, vẽ tranh truyền thần cái gì cũng biết. Lại giỏi làm thơ”.

Cảm mến về tài năng và đức độ của nhà sư, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mời hòa thượng sang để hoằng pháp ở Đàng Trong. Nhà sư đến phủ Chúa ngày 13/3/1695 và về nước vào trung tuần tháng 6/1696. Trong thời gian hơn một năm ở Đại Việt ông đã thường xuyên trao đổi với Chúa Nguyễn Phúc Chu cũng như các nhân vật quan trọng trong phủ Chúa, bàn luận về các vấn đề lớn của xã hội Đàng Trong. Hòa thượng Thích Đại Sán đã ghi chép hoạt động của mình, những điều tai nghe mắt thấy trong những ngày ở Thuận Hóa vào một cuốn sách lấy tên là “Hải ngoại kỷ sự”.

Tại hội thảo ra mắt cuốn sách “Hải ngoại kỷ sự” trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam lần thứ 3, các diễn giả cho hay, “Hải ngoại kỷ sự” được Thích Đại Sán viết sau chuyến thăm Phú Xuân năm 1695. Tác phẩm viết về Quốc vương (chúa Nguyễn) An Nam và hoạt động của triều đình An Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa (tức là Vạn lý Trường Sa theo cách gọi của người Việt Nam và người nước ngoài thời bấy giờ).

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, “Hải ngoại kỷ sự” đã nói đến Vạn Lý Trường Sa tức Hoàng Sa. Thích Đại Sán đã kể lại kinh nghiệm hải trình qua vùng Hoàng Sa tức Vạn lý Trường Sa và ước lượng khoảng cách từ vùng Hoàng Sa đến Đại Việt khoảng 7 ngày đường. Những tài liệu của Việt Nam như đã cho biết giữa các đảo phải đi đến mất 1 ngày đường, nên nếu phải trải qua hàng trăm dặm tới Đại Việt đi mất tới 7 ngày đường, trong khi từ bờ biển Việt Nam đi tới đảo gần nhất của quần đảo Hoàng Sa chỉ mất 3 ngày 3 đêm là hợp lý.

Thích Đại Sán viết: “Thời Quốc Vương trước, ở đây hàng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền bị đắm ở Hoàng Sa” cũng phù hợp với các tài liệu Việt Nam về hoạt động đội Hoàng Sa, song rõ hơn là xác định thời gian trước thời Quốc vương Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725), có nghĩa là ít ra cũng ở thời Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691) hoặc các Chúa Nguyễn khác.

Trong thời gian này, chưa có tranh chấp nên Thích Đại Sán là người Trung Quốc đã có thái độ khách quan ghi nhận chủ quyền của Đại Việt đối với Hoàng Sa. Cũng như các phần lãnh thổ khác của Đại Việt, chẳng bao giờ có các văn bản của triều đình Trung Quốc xác nhận.

Truyền thống chiếm hữu lãnh thổ của phương Tây cũng chẳng bao giờ công bố cho các nước khác được biết. Chỉ có thực tế lịch sử xảy ra như thế nào thì những người am hiểu tường tận như Thích Đại Sán biết rõ sự việc xảy ra ở Đại Việt xứ Đàng Trong đã ghi nhận như thế.

Những ghi chép của Hòa thượng Thích Đại Sán trong cuốn “Hải ngoại kỷ sự” về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng trùng hợp với ghi nhận của các giáo sĩ phương Tây 5 năm sau đó (năm 1701) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam”. Người phương Tây thời kỳ đó gọi chung hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Paracel.

“Hải ngoại kỷ sự” là một tài liệu cổ đáng tin cậy. Nguyên bản in sách này hiện còn được lưu giữ tại Đông Dương Văn khố Nhật Bản và Quốc lập Trung ương đồ thư quán Trung Hoa. Thượng Hải Tiến bộ thư cục tuyển đã tuyển chọn cuốn sách này vào bộ “Bút ký tiểu thuyết đại quan” – TS. Nguyễn Thanh Tùng.

Vũ Trần

Related Posts