189 cá nhân, tổ chức ở Việt Nam bị Hồ sơ Panama “điểm danh”
Thời điểm hiện tại, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận Hồ sơ Panama. Riêng Việt Nam góp vào hồ sơ này 189 tên cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại thiên đường thuế British Virgin Island.
189 cá nhân, tổ chức ở Việt Nam bị Hồ sơ Panama “điểm danh” gồm những ai ?
Vào 2 giờ chiều ngày 9/5/2016 (giờ Mỹ), tức 2 giờ sáng ngày 10/5 (giờ Việt Nam), Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã hoàn tất việc công bố Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được tại địa chỉ https://offshoreleaks.icij.org.
Như vậy, từ thời điểm hiện tại, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được với những thông tin “gây sốc” toàn thế giới chỉ với những thao tác tương tự như tìm kiếm thông tin trên Google và biết được những ai đứng sau 320.000 công ty hải ngoại.
Riêng độc giả tại Việt Nam có thể truy cập vào địa chỉ Offshore Leaks như đã nói ở trên để tra cứu những cái tên Việt hoặc công ty do người Việt đứng sau.
Nếu như trong ngày 9/5, dữ liệu tại website cho thấy có 104 cá nhân và tổ chức ở Việt Nam “lọt” vào tài liệu Panama thì đến nay số lượng đã lên tới 189. Phân nửa trong số này là những cái tên “thuần Việt”, còn lại có tên ngoại quốc. Trong số đó có những cái tên doanh nhân, doanh nghiệp khá quen thuộc.
Cùng với đó, tài liệu này cũng công khai danh tính 23 cá nhân, tổ chức trung gian; 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài và 185 địa chỉ ở Việt Nam (chủ yếu là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh). Đây chỉ là một phần trong 200.000 doanh nghiệp ở nước ngoài do các cá nhân giàu có trên thế giới lập ra mà ICIJ công bố.
19 công ty hải ngoại có liên quan đến các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam chủ yếu được đặt tại Quần đảo British Virgin thuộc Anh, chỉ có 1 công ty trong số đó là đặt tại Panama.
Quần đảo British Virgin nằm trong vùng biển Carribe, phía nam Haiti, được xem là thiên đường trốn thuế lớn nhất do luật lệ thành lập doanh nghiệp rất thoáng nên được giới giàu có chọn là nơi tẩu tán tải sản lẫn rửa tiền.
Tại đây, mức thuế 0% áp dụng cho cả doanh nghiệp lẫn lợi nhuận từ các khoản đầu tư hoặc thương mại, quà biếu, tiêu thụ hoặc tài sản thừa kế. Nếu chủ các công ty hoặc nhà đầu tư bất động sản trở thành cư dân bán thời gian (6 tháng trong 1 năm) của British Virgin thì họ chỉ phải đóng mỗi thuế tài sản mang tính danh nghĩa – khoảng 1,5% trên tổng giá trị tài sản hàng năm.
Đáng chú ý là tài liệu Panama cho phép truy cập thông tin cụ thể mỗi cá nhân/tổ chức sẽ có quan hệ với công ty vỏ bọc nào, chức vụ vị trí ra sao, đảm nhiệm từ thời điểm nào và trú ở đâu (địa chỉ rất chi tiết) chỉ thông qua một cú nhấp chuột.
Tuy nhiên, đúng như tuyên bố của đại diện ICIJ, “kho dữ liệu không bao gồm hồ sơ tài khoản ngân hàng, giao dịch tài chính, email và các thông tin liên lạc khác, hộ chiếu, số điện thoại. Thông tin có chọn lọc và hạn chế được công bố vì lợi ích công chúng.”
Hồ sơ Panama gồm 11,5 triệu tài liệu nằm trong 2,6 terabyte dữ liệu liên quan đến chứng từ thuế của công ty luật Mossack Fonseca (ở Panama) trong suốt 40 năm từ năm 1977 đến tháng 12/2015. Những thông tin đầu tiên của tài liệu này đã được công bố vào ngày 4/4 và đã gây chấn động toàn cầu.
Hồ sơ này tiết lộ tài sản ở nước ngoài của khoảng 140 chính trị gia và quan chức trên toàn thế giới, trong đó có liên quan đến 12 người đã hoặc đang là nguyên thủ quốc gia như gia đình và cộng sự. Ngoài ra còn có 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu có nhất thế giới theo bình chọn của tạp chí Forbes (Mỹ).
Liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu này, nhiều chính trị gia đã gặp rắc rối và thậm chí “mất ghế”. Có thể kể đến Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria phải từ chức. Thủ tướng Anh David Cameron phải công khai hồ sơ thuế…
Mặc dù thành lập các công ty ở nước ngoài không phạm pháp, nhưng nhiều cá nhân giàu có bị ngờ là đã trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua Mossack Fonseca để lập vô số công ty, phần lớn bị nghi ngờ là công ty “ma” với mục tiêu che giấu tài sản, trốn thuế, rửa tiền hoặc che giấu những hành vi phạm tội khác.
Nếu như trong ngày 9/5, dữ liệu tại website cho thấy có 104 cá nhân và tổ chức ở Việt Nam “lọt” vào tài liệu Panama thì đến nay số lượng đã lên tới 189. Phân nửa trong số này là những cái tên “thuần Việt”, còn lại có tên ngoại quốc. Trong số đó có những cái tên doanh nhân, doanh nghiệp khá quen thuộc.
7 công ty có tên trong “Hồ sơ Panama” và 12 công ty có trong hồ sơ “Offshore Leaks”
Bích Diệp
( Theo Dân Trí )