Bỏ cấm vận, vũ khí Mỹ-Nga sát cánh bảo vệ Việt Nam
Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam là điều tất yếu
Truyền thông Nga ngày 23-5 bình luận rằng, mặc dù có những luồng thông tin trái chiều nhưng đúng như dự kiến, ngay sau khi bắt đầu chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama đã tuyên bố Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận tất cả các loại vũ khí cho Việt Nam.
Tại cuộc họp báo ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố rằng, quyết định này không phụ thuộc vào Trung Quốc hay bất kỳ yếu tố nào khác. Nhưng theo ý kiến của nhà phân tích chính trị Nga Dmitry Mosyakov, ông Obama thiếu tính thành thật khi nói về vấn đề này.
Ông Mosyakov cho biết, ông Obama có thể nói bất cứ điều gì nhưng quyết định đó chắc chắn có liên quan đến cuộc đối đầu trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc và trên phạm vi toàn cầu với Nga.
Theo vị chuyên gia Nga này, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận này có liên quan mật thiết đến chính sách đối ngoại chiến lược của Washington ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, hiện ý tưởng này bắt đầu mất dần độ “hot”, bởi trong thời gian qua, các quan chức và học giả Hoa Kỳ đã nói quá nhiều về nó, đồng thời, sau khi Việt-Mỹ trở thành đối tác toàn diện năm 2013, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đã trở thành một điều tất yếu.
Đa phần các chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ trung hòa quan hệ hợp tác quân sự với Nga và Mỹ
Trong bối cảnh này, chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Obama mà người Mỹ trông đợi như ca khúc khải hoàn, và việc Washington tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam dường như đã trở thành thắng lợi lớn hơn cho phía Hà Nội.
Ông Mosyakov nhận định rằng, bản thân ông không nghĩ rằng chuyến thăm này sẽ có tác động nào đó đến đường lối đối ngoại của Việt Nam. Còn về chính sách tái vũ trang quân đội Việt Nam, chính sách này sẽ có ảnh hưởng nhưng không mang tính bước ngoặt.
Chuyên gia Nga bình luận, kết quả cuộc hội đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nga Medvedev cho thấy rằng, mối quan hệ Việt-Nga có triển vọng rất lớn, trên nhiều lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật – quân sự.
Các chuyên gia Nga đều thống nhất nhận định rằng, phân tích dưới góc độ chính trị, quân sự và kinh tế cho thấy, việc dỡ bỏ cấm vận chủ yếu mang tính biểu tượng cho sự bình thường hóa thực chất trong quan hệ Việt-Mỹ, còn rất ít khả năng xảy ra tình trạng Việt Nam tái trang bị cho quân đội với vũ khí của Mỹ.
Vậy điều này xuất phát từ những nguyên nhân nào?
Nguyên nhân cơ bản khiến Việt Nam chưa tái trang bị ồ ạt vũ khí Mỹ
Thứ nhất là quan hệ Việt-Mỹ vẫn chưa đủ độ tin cậy như Việt-Nga
Nga và Việt Nam có lợi thế là được kế thừa mối quan hệ hợp tác hữu nghị anh em với Liên bang Xô viết. Trải qua hơn hai mươi năm vun đắp, hiện hai nước đã trở thành những “đối tác chiến lược toàn diện” của nhau, trong khi Mỹ mới chỉ là “đối tác toàn diện”.
Việt Nam cũng đã mua sắm một số vũ khí cá nhân của phương Tây
Để xây dựng được một mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau, Việt-Mỹ sẽ cần tới hàng chục năm, trong bối cảnh hai nước có 2 chế độ chính trị khác nhau nên vẫn còn những bất đồng về một số lĩnh vực cơ bản như thể chế chính trị.
Mà đối với những vấn đề này, nếu chưa được sự đồng thuận của quốc hội Mỹ thì sẽ không có thỏa thuận vũ khí quan trọng nào được phê duyệt. Ngay cả đối với những đồng minh của Mỹ, việc mua sắm các vũ khí hiện đại cũng không hề đơn giản khi ra trước quốc hội Hoa Kỳ.
Thứ hai là hợp tác với Mỹ chưa thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng
Thoạt nhìn, điều này dường như không ảnh hưởng lắm đến đường lối đối ngoại quân sự, nhưng trong thực tế, nó quyết định đến xu hướng mua sắm vũ khí-trang bị và có tác động không nhỏ đến việc xây dựng quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự của đất nước.
Theo Báo Mới trong nước