Nga nổi giận “tố” lá chắn tên lửa Mỹ vi phạm hiệp ước quốc tế

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố việc Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa tại châu Âu ở Romania, dự kiến diễn ra vào hôm nay 12/5, là một mối đe dọa an ninh và vi phạm một hiệp ước quốc tế quan trọng.
 >> Phớt lờ cảnh báo của Nga, Mỹ sẽ kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu

 Hải quân Mỹ đã thử nghiệm tên lửa cho lá chắn Aegis (Ảnh: Getty)

Hải quân Mỹ đã thử nghiệm tên lửa cho lá chắn Aegis (Ảnh: Getty)

BBC đưa tin, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga được hãng tinInterfax ngày 11/5 nói rằng việc khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa là vi phạm Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), được ký kết năm 1987.

Trong khi đó, Mỹ khẳng định hệ thống phòng thủ Aegis là một lá chắn nhằm bảo vệ NATO khỏi các tên lửa tầm xa và không đe dọa Nga. Romania là nơi đặt một phần của hệ thống này.

Một buổi lễ sẽ được tổ chức tại một căn cứ của NATO ở Deveselu, miền nam Romania vào hôm nay để đánh dấu việc khởi động hệ thống Aegis tại đó.

“Việc thiết lập một lá chắn tên lửa châu Âu và toàn cầu có ảnh hưởng tiêu cực về sự ổn định chiến lược”, ông Mikhail Ulyanov, Cục trưởng Cục kiểm soát vũ khí và chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết ngày 11/5.

“Các lợi ích trực tiếp, các lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi bị ảnh hưởng bởi quyết định này”, ông Ulyanov nhấn mạnh.

Quan chức Nga khẳng định lá chắn tên lửa không chỉ nhằm vô hiệu hóa khả năng phòng thủ của Nga – một cáo buộc mà Lầu Năm Góc nhiều lần phủ nhận – mà các hệ thống phóng MH41 của Mỹ tại Deveselu còn có thể được sử dụng để phóng tên lửa hành trình tấn công, chứ không chỉ tên lửa phòng thủ.

Ông Ulyanov cho hay Washington đã vi phạm hiệp ước INF năm 1987 mà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký kết, với các điều khoản “không sở hữu, sản xuất, thử nghiệm một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) với tầm xa từ 500 km tới 5.000 km, hoặc sở hữu hay sản xuất các thiết bị phóng tên lửa như vậy”.

Mỹ đáp trả mạnh mẽ tuyên bố của Nga

 Tàu chiến USS Donald Cook của Mỹ - cập cảng Ba Lan hồi tháng trước - được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (Ảnh: EPA)

Tàu chiến USS Donald Cook của Mỹ – cập cảng Ba Lan hồi tháng trước – được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (Ảnh: EPA)

Theo RT, đại sứ quán Mỹ tại Moscow cùng ngày hôm qua đã ra một tuyên bố lên án các cáo buộc của Moscow là “không thể chấp nhận được và vô trách nhiệm”.

“Hệ thống phòng thủ tên lửa không nhằm vào Nga, hay làm tổn hại tới khả năng chiến lược của họ. Từ góc độ địa lý và vật lý, không thể bắn hạ các tên lửa liên lục địa của Nga từ Romania và Ban Lan”, tuyên bố khẳng định.

Giới chức Mỹ và NATO thanh minh rằng hệ thống được phát triển để theo dõi và đánh chặn các tên lửa bị bắn đi từ một quốc gia “khiêu khích”. Trong quá khứ, Iran đã bị đề cập, nhưng Mỹ cũng nhắm tới Triều Tiên.

Trong nhiều năm, Mỹ cũng đã thử nghiệm hệ thống Aegis trên các tàu chiến.

Lá chắn tên lửa sử dụng một mạng lưới các radar để theo dõi các mối đe dọa tiềm tàng trong bầu khí quyển, trước khi phóng một tên lửa đánh chặn từ một căn cứ trên bộ hoặc từ một tàu chiến.

Khi lá chắn tên lửa được kích hoạt, tên lửa của đối phương đang bay đến sẽ bị phá hủy ngay trên không trung, trước khi nó vào lại bầu khí quyển của trái đất.

Ngay sau khi hệ thống được kích hoạt tại Romania, vào ngày mai 13/5, một phần khác của lá chắn tên lửa sẽ được khởi công tại Ba Lan, với một buổi lễ dự kiến diễn ra tại Redzikowo, gần biển Baltic. Các tên lửa Aegis sẽ đi vào hoạt động tại đó vào năm 2018.

An Bình

Theo Dân trí

Related Posts