Việt Nam không nên mua chiến đấu cơ F-16, vì sao?
Có rất nhiều đồn đoán rằng Việt Nam sẽ sớm mua sắm dòng chiến đấu cơ F-16 nổi tiếng của Mỹ để thay thế cho những chiếc MiG-21 đã nghỉ hưu, nhưng liệu điều đó có khả năng xảy ra không? Kiến Thức xin đóng góp một vài góc nhìn về giá trị của loại máy bay này đối với chiến lược nâng cao năng lực phòng thủ đất nước trong bối cảnh căng thẳng biển Đông đang gia tăng hiện nay.
Chiến đấu cơ F-16 là loại máy bay tiêm kích đa nhiệm vụ rất linh hoạt được giới thiệu ngày 17/8/1978. Nó có chiều dài 14,8m, cao 4,8m, sải cánh 16,8m, là loại máy bay đầu tiên sử dụng hệ thống kiểm soát bay fly-by-wire, có thiết kế buồng lái kính tạo cho phi công tầm nhìn không hạn chế.
F-16 được trang bị động cơ F-100-PW-220 hoặc F110-GE-100 cho tốc độ tối đa 2410km/h, trần bay 15.000m,bán kính chiến đấu 550km. Đặc trưng dễ nhận diện nhất trên F-16 là thiết kế cửa hút không khí cho động cơ hình bán nguyệt đặt ở dưới bụng máy bay.
Về hỏa lực, F-16 tuy có kích cỡ nhỏ hơn Su-27/30 của Nga, nhưng tải trọng vũ khí không thua kém nhiều. Theo đó, nó có khả năng mang tới 7,7 tấn vũ khí trên 11 giá treo gồm các loại tên lửa, bom tác chiến không đối không, không đối đất, không đối hải.
Trong nhiệm vụ không đối không, F-16 có khả năng triển khai tên lửa tầm ngắn AIM-9, tầm trung-xa AIM-120. Trong không đối không, nó có thể mang 6 tên lửa AGM-65 Maverick hoặc 4 tên lửa chống radar HARM, các phiên bản hiện đại có thể mang cả tên lửa hành trình AGM-158 JASSM. Ngoài ra, F-16 có thể tác chiến không đối hải với tên lửa hành trình AGM-84 Harpoon.
Ngoài kho tên lửa hiện đại, như các loại máy bay khác của Không lực Mỹ, F-16 có thể mang được “kho bom khổng lồ” gồm: 8 quả bom chùm CBU hoặc 8 bom đa công dụng Mk 83 500kg hay 12 bom Mk 82 227kg hoặc 8 bom thông minh SDB hoặc 4-6 bom thông minh họ Paveway III hoặc 4 bom lượn tinh khôn AGM-154 JSOW.
Các phiên bản nâng cấp hiện đại (như F-16 Block 50/52 hoặc 50/52+, F-16 Block 60/62) cũng giúp nâng cao năng lực tác chiến của loại máy bay này. Đặc biệt là những thay đổi về hệ thống điện tử, với radar quét mảng pha chủ động(AESA) AN/APG -80 đã cho nó khả năng không chiến ngoài tầm nhìn.
Tuy nhiên, những nâng cấp hệ thống cảm biến điện tử đã khiến giá trị của tiêm kích F-16 tăng chóng mặt. Ví dụ, phiên bản F-16 E/F Block 60 có giá không dưới 90 triệu USD theo thời giá năm 2012, phiên bản F-16C/D Block 52 plus có giá 74 triệu USD (thời giá 2006),..Trong ảnh là phiên bản F-16 E/F Block 60 xuất khẩu cho UAE.
Theo tính toán, Việt nam sẽ cần ít nhất là 36 đến 48 chiếc F-16 để đảm bảo khả năng chiến đấu của các trung đoàn không quân. Nếu mua F-16 mới thuộc các phiên bản Block 50/52 hoặc Block 60 sẽ cần từ 3,5 đến 5 tỷ USD. Đó là quá nhiều cho một dòng máy bay chiến đấu hạng nhỏ. Còn chưa kể đến các chi phí cho công tác huấn luyện đào tạo,cơ sở vật chất và rất nhiều yêu cầu khác để đảm bảo đưa loại máy bay này vào sử dụng.
Một phương án tiết kiệm hơn là mua sắm theo chương trình vũ khí dư thừa của Mỹ mà Indonesia đã làm. Nhưng đây cũng là phương án lợi bất cập hại, những máy bay này là những phiên bản cũ, dự trữ giờ bay không còn nhiều,c hỉ khoảng 2.000giờ. Vì là cũ nên trong quá trình sử dụng sẽ phát sinh hỏng hóc, tiền sửa chữa bảo dưỡng sẽ rất tốn kém.
Cần lưu ý rằng, máy bay F-16 có quá trình phục vụ khá lâu và phổ biến. Có khoảng 4.500 chiếc gồm nhiều phiên bản khác nhau đang được sử dụng ở 26 quốc gia. Tính phổ biến khiến cho loại máy bay này chỉ là một loại máy bay có tính năng chiến thuật và giá trị ở mức trung bình, vì người ta đã hiểu rất rõ năng lực của nó và chắc chắn sẽ tìm ra cách khắc chế hiệu quả.
Chiến đấu cơ F-16 cũng kém các máy bay gốc Nga ở khả năng leo cao nhanh và trần bay, tầm bay cũng là một vấn đề. Trong tương lai mối uy hiếp của ta chủ yếu đến từ phía biển, khoảng cách các đảo ở Trường Sa cách bờ từ 400 đến 600km. F-16 sẽ đuối sức trong những nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, tất nhiên nó có thể mang các thùng dầu phụ để tăng thêm tầm bay. Nhưng như thế sẽ làm giảm sự linh hoạt và tải trọng vũ khí. F-16 có khả năng tiếp nhiên liệu trên không nhưng hiện Việt Nam chưa có khả năng mua và vận hành loại máy bay đặc biệt này.
Tại nhiều quốc gia, tiêm kích F-16 đang dần được loại biên, Mỹ đã không sản xuất tiếp cho không quân mà chỉ còn dành cho xuất khẩu. Theo kế hoạch, dây chuyền sản xuất sẽ đóng cửa vào năm 2017 nếu không có bất cứ đơn đặt hàng nào. Hàn quốc đã ngừng phát triển biến thể nội địa KF-16, gần đây Không quân Ấn độ đã loại F-16 khỏi dự án máy bay chiến đấu cỡ trung đa nhiệm…
Điểm đặc biệt cần lưu ý rằng loại máy bay này là xương sống của Không quân Đài loan, hiện có khoảng 150 chiếc thuộc nhiều phiên bản đang phục vụ cho không quân Đài loan. Và họ tiếp tục dùng loại máy bay này vì không mua được các loại máy bay hiện đại hơn do những lý do nhạy cảm về chính trị. F-16 nói đúng hơn chỉ là sự lựa chọn bất đắc dĩ và tạm thời.
Xét đến yếu tố đối đầu giữa Trung quốc và Đài loan, rõ ràng rằng trong hàng chục năm qua người Trung quốc đã nghiên cứu và nghiền ngẫm mọi phương án đối phó với loại máy bay này. Hơn nữa Trung quốc có lợi thế trong việc tìm hiểu về loại máy bay này do đồng minh của họ là Pakistan đang sở hữu nhiều F-16.
“Biết mình biết người trăm trận trăm thắng”, những kinh nghiệm và hiểu biết của họ đáng được để chúng ta cân nhắc, liệu ta có nên đầu tư cho một dòng vũ khí mà đối phương đã hiểu quá rõ hay không? Trong khi với tiềm lực hạn chế, ta không có quyền chọn lựa sai lầm. Xét về các khía cạnh trên, Việt Nam chưa nên mua sắm dòng máy bay nào. Nó sẽ không tạo ra sự thay đổi về tương quan lực lượng trong bối cảnh năng lực của đối phương đang gia tăng nhanh chóng.
Hà Huy ( Theo Báo Mới )