Indonesia quyết vung gươm với Trung Quốc ở Biển Đông

Jakarta ngày càng thể hiện lập trường cứng rắn hơn trước những hành động xâm nhập ngang ngược của tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc.

indonesia-quyet-vung-guom-voi-trung-quoc-o-bien-dong

Tàu chiến KRI Imam Bonjol-363 của Indonesia bắt giữ tàu cá vi phạm của Trung Quốc hôm 21/6. Ảnh: Jakarta Post

Thứ 6 tuần trước, tàu chiến của hải quân Indonesia đã phải nổ súng để bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt cá trái phép gần quần đảo Natuna của Indonesia. Hai ngày sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng chỉ trích tàu hải quân Indonesia đã “quấy nhiễu tàu cá Trung Quốc hoạt động ở ngư trường truyền thống”, và lu loa rằng một ngư dân của họ “bị bắn bị thương”.

Bắc Kinh cũng lập tức gửi kháng thư phản đối tới Jakarta theo đường ngoại giao, cáo buộc rằng phía Indonesia đã “sử dụng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và DOC”. Trung Quốc cho rằng hành động của Indonesia đã “phức tạp hóa tranh chấp, làm tổn hại hòa bình và ổn định” trong khu vực.

Theo NYTimes, dư luận Trung Quốc cũng đã sôi sục vì sự kiện này. Một người dùng mạng xã hội Weibo viết: “Anh tự gọi mình là quốc gia hùng mạnh, thế sao một nước nhỏ như Indonesia lại dám tát vào mặt anh?” Một người khác thì đặt câu hỏi: “Phe diều hâu trong quân đội đâu? Đã đến lúc các người xuất đầu lộ diện rồi đấy”.

Điều trớ trêu là vào năm 2015, Bắc Kinh đã thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Jakarta với quần đảo Natuna, nơi có 70.000 công dân Indonesia sinh sống, khi nói rằng “phía Trung Quốc không phản đối chủ quyền của Indonesia với quần đảo này”. Theo quy định của UNCLOS, quần đảo với 272 hòn đảo này có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ), và bất cứ hành động đánh bắt trộm nào của tàu cá nước ngoài trong khu vực này đều là phạm pháp và có thể bị nhà chức trách Indonesia xử lý.

Vậy nhưng Trung Quốc lại dùng khái niệm “ngư trường truyền thống” để biện minh cho hành vi xâm nhập của các tàu cá nước này vào EEZ của Indonesia, dù khái niệm không hề được UNCLOS thừa nhận.

Theo giới phân tích, đây là một trường hợp điển hình cho thấy Trung Quốc đang ngày càng tìm cách củng cố, mở rộng sự hiện diện của mình trên Biển Đông, sẵn sàng va chạm với cả những quốc gia vốn từ trước tới nay cố giữ lập trường ôn hòa nhất về các tranh chấp ở khu vực như Indonesia. Thực tế buộc Indonesia phải có những hành động quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để bảo vệ lợi ích của mình trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Sau sự kiện tàu hải cảnh khổng lồ của Trung Quốc can thiệp, giải cứu một tàu cá vi phạm của nước này ngay trước mũi tàu cảnh sát biển Indonesia hồi tháng ba, Jakarta đã điều động tàu chiến, chiến đấu cơ đến tuần tra vùng biển Natuna, tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực gần đó, và sẵn sàng nổ súng cảnh cáo nếu tàu cá Trung Quốc tìm cách bỏ chạy.

Gary Sands, chuyên gia phân tích cấp cao tại tổ chức tư vấn Wikistrat, kiêm giám đốc Nhóm Tư vấn Highway West Capital, cho rằng phản ứng mạnh mẽ của Jakarta thể hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của nước này đối với Trung Quốc.

Trong những sự kiện tương tự xảy ra vào năm 2010 và 2013, chính phủ Indonesia đã tìm cách làm giảm bớt căng thẳng, với lo ngại Trung Quốc sẽ cắt nguồn đầu tư lớn vào nước này, bởi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Jakarta.

Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Joko Widodo nhậm chức, Indonesia đã quyết tâm xây dựng lực lượng hành pháp trên biển mạnh, sẵn sàng xử lý kiên quyết hành vi đánh bắt trái phép trên biển từ năm 2014. Bà Susi Pudjiastuti, bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp và Hàng hải, đã thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận vì những tuyên bố hùng hồn về việc trừng phạt hành động đánh bắt trộm, và sẵn sàng công khai các vụ việc với báo chí và trên mạng xã hội.

indonesia-quyet-vung-guom-voi-trung-quoc-o-bien-dong-1

Quần đảo Natuna trên Biển Đông do Indonesia kiểm soát. Đồ họa: Astroawani

Giới phân tích cho rằng đây là cú “vung gươm” của Indonesia ở Biển Đông, khi họ nhận ra rằng những cuộc xâm nhập ngày càng tăng của tàu cá Trung Quốc không chỉ vì mục đích đánh bắt hải sản, mà còn phục vụ cho một mưu đồ sâu xa hơn, đó là củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này trong “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.

‘Vung gươm’

Mới đây, chuẩn đô đốc Achmad Taufiqoerrochman, tư lệnh Hạm đội Tây Indonesia, tuyên bố rằng Bắc Kinh đã “dung túng” cho những cuộc xâm nhập “có hệ thống” của tàu cá nước này vào vùng biển của Indonesia, phục vụ cho tham vọng chủ quyền của họ trên Biển Đông.

“Việc tàu cá Trung Quốc đi kèm tàu hải cảnh là một xu hướng đáng lo ngại, được sử dụng như một cách để tuyên bố chủ quyền không phù hợp”, một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.

Trong một động thái hiếm thấy nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền trên biển của mình, Tổng thống Widodo đã chủ trì cuộc họp nội các ngay trên một chiếc tàu chiến đang tuần tra gần quần đảo Natuna vào hôm qua. Cuộc họp được tờ Jakarta Post gọi là “một thông điệp rõ ràng” gửi tới Trung Quốc, rằng Indonesia “rất nghiêm túc trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền của mình”.

“Trong lịch sử, chúng ta chưa từng thể hiện sự cương quyết đến vậy với Trung Quốc. Điều này cũng minh chứng rằng Tổng thống không hề coi nhẹ vấn đề”, bộ trưởng Điều phối các vấn đề Chính trị, Tư pháp và An ninh Luhut Pandjaitan nói.

Ông Luhut cho biết Indonesia đã thể hiện lập trường của mình với Trung Quốc, nhưng họ muốn nhấn mạnh nó một lần nữa tại Natuna, rằng nước này “không chấp nhận đường 9 đoạn và tuyên bố về ngư trường truyền thống” của Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng việc ông Widodo họp nội các trên tàu chiến ở Natuna là “sự thể hiện chủ quyền trực quan” thách thức những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở ngoài khơi quần đảo.

Eka Sjarief, chuyên gia Trường Luật Quốc tế, Đại học Padjajaran, cho rằng thông điệp mà ông Widodo muốn phát đi tới Trung Quốc là “Natuna là chủ chúng tôi, và chúng tôi muốn Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của mình”.

indonesia-quyet-vung-guom-voi-trung-quoc-o-bien-dong-2

Tổng thống Widodo trên boong tàu chiến KRI Imam Bonjol-363. Ảnh: JP

Theo chuyên gia Sands, Indonesia đang có lợi thế rất lớn trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của mình trước các hành động xâm nhập của Trung Quốc lợi dụng cái gọi là “ngư trường truyền thống”, bởi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết cuối cùng về “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông, liếm cả vào EEZ của Indonesia.

Nếu phán quyết của PCA cho rằng mọi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông phải tuân theo quy định của UNCLOS, đường 9 đoạn của Trung Quốc đương nhiên sẽ vô hiệu, và các quốc gia khác trong khu vực sẽ được quyền hoạt động bên trong EEZ và thềm lục địa của mình mà không bị Trung Quốc quấy nhiễu. Các chuyên gia pháp lý cho rằng phán quyết của PCA nhiều khả năng sẽ gây ra rất nhiều bất lợi cho Trung Quốc.

Trong trường hợp Trung Quốc thua trong vụ kiện của Philippines, nếu tàu cá nước này vẫn tiếp tục xâm nhập vào các “ngư trường truyền thống” nằm trong EEZ của Indonesia, Jakarta rất có thể sẽ thực hiện một vụ kiện tương tự lên tòa quốc tế, khiến lập trường pháp lý của Bắc Kinh đối với “đường lưỡi bò” sụp đổ hoàn toàn. “Dù sao, cuộc chiến giành công lý ở tòa quốc tế vẫn tốt hơn là đấu nhau trên biển cả”, Sands nhấn mạnh.

Xem thêm: Indonesia bảo vệ quyết định bắn tàu cá Trung Quốc

Trí Dũng

Related Posts